Hàng không khan hiếm phi công

thunguyen

28/06/2019 07:42

Trong suốt một tuần từ 14.6.2019, một hiện tượng hiếm gặp tại sân bay là các quầy làm thủ tục của Vietjet thường xuyên đóng cửa.

Việc đặt vé máy bay các tuyến nội địa cũng trở nên khó khăn khi một lượng khách lớn từ Vietjet đổ qua các hãng còn lại là Vietnam Airlines và Bamboo Airways.

Đây không phải là tình trạng của riêng Vietjet. Từ đầu năm 2019, khi Việt Nam có thêm một hãng hàng không được cấp phép (Bamboo Airways), tình trạng thiếu phi công càng trở nên nghiêm trọng khi các hãng bay ra sức thu hút phi công của hãng khác bằng lương bổng và các chế độ phúc lợi. Tình trạng cạnh tranh phi công giữa các hãng bay lại càng trở nên căng thẳng, đặc biệt khi Bamboo cho biết đã “nhặt” được đơn tố cáo của Vietnam Airlines gửi Bộ Giao thông Vận tải cho rằng Bamboo đã dành giật phi công từ hãng này.

Một loạt quầy làm thủ tục của Vietjet tại sân bay Nội Bài đóng cửa, không một bóng hành khách, ngày 19.6.2019 (Ảnh: MT)
Sân bay Nội Bài ngày 19.6.2019: Trong khi các quầy làm thủ tục của Vietnam Airlines và Bamboo Airways vẫn hoạt động bình thường, một loạt quầy của Vietjet đóng cửa, không có hành khách check in. Việc huỷ/hoãn các chuyến bay của Vietjet gây sức ép lên các hãng còn lại do lượng khách tăng đột ngột từ Vietjet chuyển sang (Ảnh: MT)

Bầu trời Việt Nam đang ngày càng chật chội với số lượng máy bay ngày càng trở nên đông đảo. Năm 2019, Vietnam Airlines dự kiến sẽ nhận mới 22 máy bay đồng thời trả ba chiếc, nâng tổng số máy bay hãng này vận hành lên 112 chiếc, theo cập nhật từ Công ty chứng khoán Bảo Việt. 2019 sẽ là năm kỷ lục về số lượng máy bay mà Vietnam Airlines nhận về trong năm năm trở lại đây.

Năm 2018, Vietjet đã ký kết mua 100 máy bay Boeing và 50 máy bay Airbus, trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của các nhà sản xuất máy bay này. Tổng hợp của Công ty Chứng khoán KB cho thấy bình quân mỗi năm Vietjet sẽ nhận mới khoảng 35 máy bay. Thống kê của Planespotters cho biết Vietjet hiện đang vận hành tổng cộng 66 chiếc máy bay, tất cả đều của Airbus.

Bamboo, hãng hàng không vừa cất cánh nửa năm nay đang vận hành chín máy bay, và đang đặt mua hàng tỉ USD máy bay từ các hãng Airbus và Boeing.

Việt Nam là một trong các quốc gia có thị trường hàng không tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới, do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu đi lại ngày càng bùng nổ. Cục hàng không Việt Nam dự báo số số lượng khách đi máy bay tăng bình quân khoảng 14,2% trong giai đoạn 2015 – 2020 và sẽ đạt con số 122 triệu lượt vào năm 2020. Năm 2018, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 106 triệu lượt, tăng 12,9% so với năm 2017. Hai năm liền trước, 2016 và 2017, mức tăng lần lượt là 28,6% và 16%.

Đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thứ năm thế giới về số lượng khách trong giai đoạn 2015 - 2035, đạt 6,7% trong khi mức bình quân chung của thế giới là 3,9%.

Cuối tháng Hai vừa qua, nhân chuyến thăm của tổng thống Mỹ Donald Trump, hai hãng hàng không Việt Nam là Vietjet và Bamboo đã ký các thỏa thuận mua máy bay từ Boeing với tổng trị giá 15,7 tỉ USD.

Nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết tình trạng hủy/hoãn chuyến bay của Vietjet trong thời gian gần đây là do tình trạng thiếu phi công. Áp lực thiếu phi công khiến Vietjet phải mua thêm giờ nghỉ của họ, tức là trả thêm thù lao để các phi công làm việc thêm giờ so với quy định.

Hiện tại các đường bay của Vietjet đang hoạt động trở lại, nhưng tình trạng thiếu phi công vẫn chưa hết nóng, và không chỉ tại Việt Nam. Trong một báo cáo của Boeing năm 2017, hãng này dự báo trong 20 năm tới, ngành hàng không thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 790 nghìn phi công, trong đó riêng châu Á Thái Bình Dương thiếu khoảng 260 nghìn người.

Hồi tháng Tư vừa qua, hơn 1.400 phi công của Scandinavian Airlines đã đình công sau khi thương lượng về lương bất thành. Hãng bay này xác nhận hậu quả của cuộc đình công là các chuyến bay bị hủy, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hành khách.

Tham khảo thông tin tại Trường đào tạo phi công Epic Flight Academy (Mỹ) cho thấy mức học phí đào tạo phi công thương mại khoảng gần 50.000 USD mỗi người, tương đương trên 1 tỉ đồng, chưa kể các chi phí sinh hoạt khác.

Bamboo cho biết hãng này sẽ khởi công Viện đào tạo hàng không vào tháng Bảy năm nay với tổng mức đầu tư 700 tỉ đồng. Viện dự kiến đi vào hoạt động từ quý I.2022, đào tạo khoảng 3.500 sinh viên/năm, tập trung vào các ngành như phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản.

Trước đó, vào tháng 4.2018, BAA Training - một trong những trung tâm đào tạo phi công lớn nhất Bắc Âu đã xác nhận đang xây dựng chi nhánh ở Việt Nam với vốn đầu tư 50 triệu USD. BAA Training kỳ vọng sẽ đào tạo nguồn nhân lực phi công cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nói chung. BAA Training nhận định thị trường hàng không Việt Nam có nhu cầu khoảng 670 phi công mỗi năm, và đang là một trong những khu vực có mức lương dành cho phi công tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Đan Nguyên

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Hàng không khan hiếm phi công" tại chuyên mục Khoa học quản lý.