Lượng tiền mặt giảm mạnh dù vay thêm hơn 1.500 tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, lượng tiền mặt của FLC trong 6 tháng đầu năm đã giảm hơn 1.082 tỷ (tương đương giảm 89%) xuống còn 132 tỷ đồng và chỉ chiếm 0,4% tổng tài sản tập đoàn. Trong đó, tiền gửi ngân hàng giảm từ gần 492 tỷ xuống gần 50 tỷ đồng; tương đương tiền giảm từ 718 tỷ xuống gần 72 tỷ đồng.
Nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ, lượng tiền mặt của FLC giảm mạnh bắt nguồn từ dòng tiền hoạt động đầu tư bị âm 2.132 tỷ, chủ yếu do chi hơn 1.605 tỷ để mua sắm, xây dựng tài sản cố định, các tài sản dài hạn khác và chi gần 572 tỷ để góp vốn vào đơn vị khác.
Cụ thể, số liệu từ bảng cân đối cho thấy nguyên giá của các tài sản nhà cửa và vật kiến trúc tăng 714 tỷ đồng trong nửa đầu năm, còn các loại tài sản khác giảm nhẹ hoặc không thay đổi. Chi phí xây dựng dở dang tăng thêm 850 tỷ do FLC đã bơm thêm hàng trăm tỷ cho các dự án Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Quảng Bình, Dự án Bình Định – gia đoạn 2,...
Về dòng tiền gần 572 tỷ chảy ra do hoạt động góp vốn trong nửa đầu năm, nguyên nhân chính là do FLC đã góp gần 568 tỷ đồng để sở hữu 9,84% vốn CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding.
Cùng với 2.132 tỷ chảy ra do hoạt động đầu tư, dòng tiền của FLC cũng không được hỗ trợ bởi hoạt động kinh doanh cốt lõi khi lưu chuyển tiền thuần của mảng này âm tới 441 tỷ dù ghi nhận lãi trước thuế hơn 97 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt của FLC có thể đã giảm mạnh hơn nếu không được hỗ trợ bởi 1.491 tỷ đồng từ hoạt hoạt động tài chính. Trong đó, dòng tiền thuần chảy về từ hoạt động đi vay là hơn 1.500 tỷ đồng.
Hai quý đầu năm, lượng nợ vay ngân hàng và các tổ chức tài chính của toàn tập đoàn FLC ghi nhận giảm 677 tỷ đồng, chủ yếu do không còn hợp nhất với Bamboo Airways. Nếu loại trừ ảnh hưởng của hãng hàng không này, lượng nợ vay của FLC đã tăng thêm hơn 1.500 tỷ. Trong đó, riêng công ty mẹ FLC vay thêm hơn 900 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân làm dòng tiền từ hoạt động tài chính chảy vào FLC lên tới 1.491 tỷ đồng dù lượng nợ vay trên sổ sách giảm so với đầu năm.
FLC và FLC Holding có quan hệ như thế nào?
Như đã nói ở trên, FLC đã bơm gần 568 tỷ cho FLC Holding trong nửa đầu năm dưới dạng đầu tư liên doanh liên kết. Đây là lần đầu tiên FLC ghi nhận khoản góp vốn vào công ty này nhưng mối quan hệ giữa hai bên đã tồn tại từ trước đó khá lâu.
CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding có trụ sở đặt tại tòa nhà FLC LandMark Tower, đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tiền thân là CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt, được thành lập ngày 15/10/2019 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng.
Ngành nghề đăng ký hoạt động chính của CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Sau 15 tháng thành lập, ngày 22/1/2021, CTCP Đầu tư thương mại Tre Việt đổi tên thành CTCP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding, đồng thời tăng vốn điều lên lên gấp 120 lần, từ 100 tỷ đồng lên 12.000 tỷ đồng. Chỉ 5 ngày sau đó, tức ngày 27/1, FLC Holding tiếp tục tăng vốn lên 15.300 tỷ đồng.
Với vốn điều lệ 15.300 tỷ đồng như hiện nay, FLC Holding là một trong những doanh nghiệp vốn khủng nhất trong hệ sinh thái FLC, nhiều hơn vốn của Tập đoàn FLC (hiện nay là 7.100 tỷ), FLC Faros (5.676 tỷ), FLCHomes (4.160 tỷ), ... chỉ đứng sau con số 16.000 tỷ của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Ngoài FLC, CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) cũng góp 750 tỷ đồng vào doanh nghiệp có vốn 15.300 tỷ này.
Ban đầu, Tổng Giám đốc FLC Holding là ông Lê Văn Sắc, sinh năm 1949, đã từng là thành viên Ban Kiểm soát Tập đoàn FLC. Đến ngày 1/2, công ty bổ nhiệm bà Đặng Thị Lưu Vân làm Tổng Giám đốc thay cho ông Lê Văn Sắc.
Bà Vân sinh năm 1971, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh – Trường United Business Institutes và có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Năm 2019, bà Vân làm Trưởng ban Tài chính của FLC sau đó được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC từ cuối tháng 7/2020 đến nay.
Trước khi đến với FLC và FLC Holding, bà Vân từng làm Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Sunshine, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Hội sở của Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Giám đốc phía Bắc của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Giám đốc nghiệp vụ của Mizuho Corporate Bank.