FED chơi tất tay

truongtrivinh

24/03/2020 06:17

FED vừa tung ra chương trình mua tài sản QE không giới hạn sau khi đưa lãi suất điều hành về gần 0% và một chương trình QE quy mô 700 tỉ đô cách đây 1 tuần.

Một gói kích thích khổng lồ của Cục dự trữ liên bang Mỹ, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới. Sự kiện chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009, khi QE không giới hạn lần đầu được áp dụng. Trước đó, các gói QE của Fed đều có định lượng giới hạn.

Russell Price, nhà kinh tế trưởng tại Ameriprise Financial Services bình luận, đây chính là khoảnh khắc "bazooka" của Fed.

Đồng nghiệp của Price là Sam Bullard tại Wells Fargo Securities cũng cho rằng "Fed đang làm mọi thứ có thể" để cung ứng đủ thanh khoản cho thị trường tài chính và kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thông thường, các lần nới lỏng của FED là một tín hiệu tốt đối với nhà đầu tư và thị trường chứng khoán. Nhưng lần này, triết lý của họ dường như đã thay đổi. Khi S&P 500 đang giảm 4% sau quyết định của Fed, trong một cuộc trao đổi riêng, Rainer Michael Preiss - Giám đốc Đầu tư Cổ phiếu tại Global The Global CIO Office - cho rằng; "Nhiều kích thích hơn thực ra có nghĩa là nhiều tin xấu ở trước mắt chúng ta".

Thông thường lãi suất dài hạn giảm đến mức rất thấp chỉ xảy ra vào những thời điểm hoảng loạn và suy thoái tài chính. Nhưng lần này, nền kinh tế vẫn đang an toàn nhưng các nhà đầu tư đang lo sợ do gián đoạn kinh tế. Đó là cách thị trường tài chính cho biết Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ cần giữ lãi suất ở mức đặc biệt thấp trong thời gian chưa xác định – một kỷ nguyên nguồn vay giá rẻ không chỉ chưa chấm dứt, mà chỉ mới bắt đầu.

“Nếu đây đã là một cơn sốc nặng, thì họ chẳng còn vũ khí gì để đối phó nữa”, Joseph Gagnon, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Kinh tế Thế giới Peterson nhận xét về việc giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Gagnon cho rằng Fed chỉ có khả năng cân bằng một đợt suy thoái nhẹ đến trung bình, vì ngay cả trước khi thị trường lo sợ đại dịch thì lãi suất vốn đã ở mức thấp.

Nếu chỉ đe dọa từ virus Corona là đủ để đẩy lãi suất xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước hay cuộc Đại Suy thoái, điều này có nghĩa rằng các ngân hàng trung ương có thể sẽ thiếu vũ khí trầm trọng nếu dịch bệnh hoặc các thảm họa tương lai khác, gây ra rối loạn kinh tế thực sự chứ không phải chỉ do lo sợ. Và điều này cũng có thể là một cảnh báo cho thấy nền kinh tế thế giới nói chung càng dễ tổn thương thêm nếu các điều kiện tồi tệ hơn.

Minh Tâm

truongtrivinh
Bạn đang đọc bài viết "FED chơi tất tay" tại chuyên mục Khoa học quản lý.