Người đàn ông giàu nhất thế giới đã quyên góp hơn 5 triệu cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô điện từ ngày 19 tháng 11 đến ngày 29 tháng 11, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch. Căn cứ theo giá trị trung bình thời điểm đó, số cổ phiếu từ thiện của Musk ước tính khoảng 5,7 tỷ USD. Đây là một trong những khoản từ thiện lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, tên quỹ tín thác được Musk trao cổ phiếu không được tiết lộ.
Khoản quyên góp xảy ra khi Musk, giám đốc điều hành của Tesla, tranh cãi với các chính trị gia bao gồm Bernie Sanders và Elizabeth Warren về sự bất bình đẳng và đề xuất đánh thuế tài sản. Trong những tuần trước khi làm từ thiện, Musk đề nghị mình sẽ bán cổ phiếu nếu Liên Hợp Quốc chứng minh rằng 6 tỷ đô la sẽ giúp giải quyết nạn đói trên thế giới, sau khi người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của tổ chức này kêu gọi các tỷ phú như Musk “phải có trách nhiệm với cộng đồng”.
Phần lớn tài sản của Musk gắn liền với Tesla, công ty đã vượt qua Toyota Motor Corp. trở thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới vào tháng 7 năm 2020 và gia nhập một nhóm các công ty được định giá nghìn tỷ đô la vào tháng 10.
Khi giá trị tài sản ròng của mình tăng lên, Musk đã vấp phải những lời chỉ trích đối với các tỷ phú và cho biết ông sẽ bán nhà và phần lớn tài sản của mình. Với khối tài sản 227,3 tỷ USD, ông giàu hơn 47 tỷ USD so với người giàu thứ hai thế giới, Jeff Bezos, người sáng lập Amazon.com Inc., theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Giới phân tích cho rằng việc quyên góp cổ phiếu của Musk mang lại nhiều lợi ích về thuế. Tại Mỹ, các cổ phiểu được quyên góp từ thiện không phải chịu thuế lợi tức vốn.
“Lợi ích về thuế của Ông ấy rất lớn. Ông ấy sẽ tiết kiệm 40-50% trong số 5,7 tỷ USD tiền thuế. Tuy nhiên điều này tùy thuộc vào khả năng Musk khấu trừ vào thu nhập ở California. Musk sẽ tránh được khoản thuế lợi tức vốn dĩ phải trả nếu bán cổ phiếu”, Bob Lord, chuyên gia về thuế tại Viện Nghiên cứu Chính sách Mỹ, cho biết.