Dự luật ngăn cản các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp cận nguồn vốn Mỹ

caodung

27/05/2020 16:57

Dự luật S.945 có thể khiến các công ty công nghệ Trung Quốc phải hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hoặc ngừng huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.

Bên cạnh bản danh sách cấm (entity list) ngày càng mở rộng theo Section 744, Quy định Quản lý Xuất khẩu (EAR) của Bộ Thương mại, dự kiến nước Mỹ sắp chính thức có thêm vũ khí mới trong cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc. Ngày 20.5.2020, với sự đồng thuận tuyệt đối, Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật S.945, có thể khiến các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba và Baidu phải hủy niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Dự luật mới, tạm gọi là “Đạo luật giải trình trách nhiệm của các công ty cổ phần nước ngoài”, sửa đổi Đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002, yêu cầu một số công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán phải tiết lộ cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ các quy định pháp lý nước ngoài ngăn cản việc thanh tra gian lận theo Đạo luật Sarbanes-Oxley. Mục đích của Dự thảo là xác nhận các công ty này không nằm dưới sự kiểm soát hoặc thuộc quyền sở hữu của chính phủ nước ngoài – việc có thể gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách quốc tế của Mỹ.

Nếu một công ty không chứng minh được điều trên, hoặc Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) không được phép tiếp cận để thực hiện kiểm toán ba năm liên tục, cổ phiếu của công ty đó sẽ bị cấm giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ. Mặc dù có thể áp dụng với bất kỳ công ty nước ngoài nào muốn huy động nguồn vốn tại Mỹ, nhưng mục tiêu chính của Dự luật là nhằm vào Bắc Kinh. Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba, công ty thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, ngay lập tức, giảm hơn 2% khi dự luật được Thượng viện thông qua.

Chỉ riêng Alibaba Group Holding và Baidu đã gây vốn được 10 tỉ USD thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ. PCAOB từ lâu luôn cố gắng thương lượng với Trung Quốc để tiếp cận các tài liệu kiểm toán của các công ty Trung Quốc, nhưng các nỗ lực đều thất bại. “Tất cả những gì chúng tôi muốn là Trung Quốc phải chơi theo luật”, theo phát biểu của Thượng nghị sĩ John Kennedy. Ông cho rằng các công ty Trung Quốc từ lâu đã phớt lờ các tiêu chuẩn công bố thông tin của Mỹ và lừa dối các nhà đầu tư trên nước này.

Việc từ chối PCAOB tiếp cận để thanh tra báo cáo kiểm toán, có thể liên quan đến việc các công ty nhà nước Trung Quốc có nắm giữ cổ phần tại các công ty có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ. Bắc Kinh nắm giữ khoảng 30% cổ phần trở lên ở ít nhất 11 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên ba sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Trung Quốc cũng xem các báo cáo kiểm toán của các công ty này là thông tin mật, không thể tiết lộ vì lý do an ninh quốc gia.

Việc các công ty Trung Quốc phải rời khỏi sàn chứng khoán Mỹ “dĩ nhiên không phải kết quả mà các nhà làm luật và sàn giao dịch mong muốn, nhưng “lựa chọn hạt nhân” luôn ở trên bàn thỏa thuận song phương nếu không đạt được việc thanh tra như yêu cầu”, theo lời Shaswat K. Das của Công ty Luật King & Spalding, người từng làm việc tại PCAOB.

Dự luật S.945 nhận được sự ủng hộ rộng rãi, một phần vì hợp lý và công bằng. “Nếu các công ty Trung Quốc muốn tiếp cận nguồn vốn của thị trường Mỹ, họ phải tuân thủ luật và quy định của Mỹ về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tài chính”, theo Marco Rubio, một trong năm thượng nghị sĩ khác bảo trợ cho Dự luật. Mặc dù còn cần Hạ viện và Tổng thống thông qua, nhưng khả năng cao là Dự luật sẽ được ủng hộ. Tổng thống Trump vốn luôn đẩy cao làn sóng chống Trung Quốc, thường xuyên cáo buộc nước này có thủ đoạn ăn cắp công nghệ và đang tìm cách quy trách nhiệm về đại dịch COVID-19 cho Trung Quốc. Dân biểu Brad Sherman của Hạ viện cũng giới thiệu một dự luật tương tự, lên tiếng khen ngợi hành động nhanh chóng của các đồng nghiệp tại Thượng viện, đồng thời cho rằng nếu sớm có quy định như vậy, thì các nhà đầu tư Mỹ đã tránh khỏi thua lỗ hàng tỉ USD, như trong trường hợp bê bối của Luckin Coffee.

Ban đầu là thiết bị, công nghệ. Giờ đây là nguồn vốn. Các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn để tiếp cận nguồn lực phát triển nguồn gốc từ nước đối thủ.

Cao Dung

caodung