Du lịch Mỹ thiệt hại lớn nhất kể từ khủng hoảng kinh tế 2008

caodung

10/03/2020 12:10

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thời kỳ tăng trưởng ổn định trong mười năm của ngành du lịch Mỹ có thể chấm dứt bằng một thiệt hại lớn.

Ngành du lịch của Mỹ đã được hưởng một thời gian dài hiếm có liên tục tăng trưởng nhu cầu, nhờ kinh tế phát triển và nguồn nhiên liệu máy bay tương đối rẻ trong thập kỷ qua.

Nhưng trước sự bùng phát của dịch virus Corona (COVID-19) hiện cướp đi sinh mạng hơn 3.300 người và lây nhiễm cho hơn 10.000 người khác, ngành du lịch Mỹ được dự đoán sẽ thiệt hại hàng tỉ USD. Đây là ví dụ minh chứng cho cú đánh lớn nhất của COVID-19 xảy ra với ngành du lịch trị giá 8,8 nghìn tỉ USD của toàn cầu kể từ khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009.

Đáp lại các hạn chế du lịch do chính phủ ban hành và sự giảm sâu về nhu cầu, các hãng máy bay đã cắt giảm hàng ngàn chuyến bay quốc tế và nội địa. Walt Disney đóng cửa công viên giải trí ở Trung Quốc và Nhật Bản. Hai chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới đã đóng cửa các khách sạn ở Trung Quốc. Ngành du thuyền hoặc ra lệnh cấm hoặc áp đặt kiểm tra gắt gao đối với bất kỳ du khách nào đã viếng thăm 11 quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

“Theo tôi, tình hình lần này còn tồi tệ hơn đợt khủng hoảng tài chính, nhưng hy vọng không đến nỗi đóng băng toàn ngành như trận khủng bố 11.9.2001”, ông Roger Dow, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch Mỹ - đơn vị đại diện cho ngành du lịch quốc gia cho biết. “Thiệt hại ngay lúc này đã là con số khổng lồ”, ông nói.

Thứ Năm tuần trước, Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện cho các hãng máy bay trên thế giới, đã dự đoán doanh thu của các hãng sẽ thiệt hại đáng kể. Con số tổn thất sẽ lên đến 113 tỉ USD nếu không ngăn được dịch bùng phát tại các quốc gia đang ảnh hưởng nặng nề. Thiệt hại đối với các hãng bay Mỹ và Canada có thể lên đến 21 tỉ USD, theo đánh giá của Hiệp hội này.

Tháng trước, IATA dự đoán thiệt hại toàn cầu chỉ vào khoảng 30 tỉ USD. “Kể từ thời điểm đó, virus đã lan tới hơn 80 quốc gia và số vé đặt sớm cho các chuyến bay ngoài Trung Quốc đã phải hủy bỏ”, IATA cho biết.

Ngành du lịch và lữ hành chịu trách nhiệm việc làm cho 319 triệu người, chiếm một phần mười lực lượng lao động thế giới, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) - một thành viên của Liên Hợp Quốc.

Thập kỷ qua, nhu cầu khách sạn, di chuyển bằng hàng không và du thuyền vừa tăng tương đối ổn định, phục hồi sau các thảm họa máy bay kinh hoàng ở Indonesia và Ethiopia, đắm du thuyền ở Ý và vụ xả súng ở Las Vegas.

Dịch bệnh lần này có thể tác động sâu và kéo dài hơn đối với ngành du lịch không chỉ vì tốc độ lây lan nhanh mà còn do tâm dịch ở Trung Quốc, trong vài năm qua đã trở thành cường quốc kinh tế và là nơi cung cấp nguồn khách du lịch quốc tế tăng nhanh nhất. Có khoảng 3 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ trong năm 2018, tăng từ dưới một triệu lượt khách năm 2010, theo Bộ Thương mại Mỹ.

Do sự lây lan của virus, hầu hết các chuyến bay chở khách du lịch đến Mỹ từ Trung Quốc đã bị dừng vào cuối tháng Một. Các hãng du thuyền cũng hủy các dịch vụ tại cảng Trung Quốc. Các hãng bay cũng vừa cắt giảm thêm các đường bay từ Ý, Nhật Bản và Hàn Quốc - các quốc gia theo báo cáo hiện tăng nhiều ca nhiễm mới.

Hiệp hội Du lịch Mỹ dự đoán rằng số lượng khách du lịch quốc tế đến nước này sẽ giảm khoảng 6% trong vòng ba tháng tới, mức suy giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng kinh tế 2008-2009.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch Mỹ hy vọng khách du lịch Mỹ đã hủy chuyến du lịch nước ngoài có thể cân nhắc du lịch trong nước vào mùa du lịch cao điểm - kỳ nghỉ xuân sắp tới. Ông cũng lưu ý, nhóm khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc mỗi năm lên đến 62 triệu người, hầu hết đến từ các quốc gia châu Á lân cận Trung Quốc, có thể cân nhắc bay đến Mỹ thay vì Trung Quốc để nghỉ xuân. “Chúng tôi muốn mọi người biết rằng ở đây vẫn an toàn”, Roger Dow nói.

Các tác động này đã và đang lan rộng:

  • Tại Sân bay Quốc tế Los Angeles, tổng số chuyến bay xuất phát từ đây đã giảm 3,9% trong tháng Ba, so với cùng kỳ năm 2019, theo ông Justin Erbacci, Giám đốc điều hành tạm thời sân bay này. Suy giảm doanh thu từ các nhà hàng ăn uống và cửa hàng bán lẻ tại sân bay cũng giảm 10%, ông cho biết trong một cuộc họp Hội đồng Thành phố Los Angeles thứ Tư vừa qua.

  • Các công ty tổ chức tour du lịch ở Los Angeles báo cáo nhiều khách hủy tour đồng loạt tại đỉnh điểm du lịch vào kỳ nghỉ xuân. “Chúng tôi thực sự mất tất cả các nhóm khách hội nghị”, ông Danny Roman, người điều hành công ty du lịch Bikes and Hikes cho biết. “Toàn bộ khách dự kiến vào mùa xuân đã hủy tour.”

  • Walt Disney hiện tạm thời đóng cửa hai công viên ở Nhật Bản (Tokyo Disneyland và Tokyo DisneySea) cùng với Hồng Kông Disneyland và Thượng Hải Disneyland. Công viên ở Thượng Hải có doanh thu 5,5 tỉ USD kể từ khi mở cửa năm 2016.

  • Delta Air Lines, đã dừng tất cả chuyến bay đến Trung Quốc vì dịch bệnh từ nước, giờ ra thêm thông báo cắt giảm số chuyến bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc do giảm nhu cầu. Hãng bay trụ sở Atlanta cũng tuyên bố tạm thời hoãn các chuyến bay hàng ngày từ New York đến Milan, Ý, đồng thời lùi các chuyến bay theo mùa đến Venice, Ý lại một tháng.

  • Ở United Airlines, lịch trình bay quốc nội sẽ cắt giảm 10% trong tháng Tư và dịch vụ bay quốc tế giảm 20%, hãng bay trụ sở ở Chicago thông báo cho các nhân viên biết ngày thứ Tư tuần trước. Hãng cũng ngừng tuyển dụng cho đến ngày 30.7 và hoãn việc tăng lương dựa trên thành tích cho cấp quản lý đến ngày 1.7. Thêm vào đó, United Airlines sẽ cho phép nhân viên tự nguyện nghỉ không lương.

  • Khi thông báo cắt giảm lãi suất ngắn hạn xuống 0,5 điểm phần trăm ngày 3.3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết phải đẩy nhanh tiến độ một phần vì lo lắng của các lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm những người làm trong ngành du lịch. “Tác động hiện đang ở giai đoạn rất sớm nhưng mọi người đang rất lo lắng, chẳng hạn các ngành lữ hành hoặc khách sạn”, ông Jerome Powell nói.

  • Marriott International, một trong các chuỗi khách sạn lớn nhất lớn nhất thế giới, trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh ngày 27.2 cho biết tập đoàn đã đóng cửa 90 khách sạn ở Trung Quốc do dịch bệnh. Một số khách sạn thuộc tập đoàn đã mở cửa trở lại. Tập đoàn Hilton trong cuộc họp báo cáo kinh doanh cho biết họ phải đóng cửa 150 khách sạn ở Trung Quốc, tức khoảng 33.000 phòng

Theo Chicago Tribune

caodung