Bộ Thương mại Mỹ và các cơ quan khác đã thông qua thay đổi quy định nới lỏng cho Huawei nhằm cân bằng lợi ích phát triển công nghệ và nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ, theo hãng tin Reuters. Quy định cụ thể dự kiến sẽ được sớm công bố chính thức trên Thông cáo Liên bang (Federal Register) vào hôm nay, ngày 16.6.2020. Sửa đổi quy định lần này của Bộ Thương mại Mỹ cho phép các công ty Mỹ tiết lộ công nghệ của mình cho Huawei dù không có giấy phép nếu việc tiết lộ đó vì mục đích phát triển các tiêu chuẩn của 5G.
Các công ty công nghệ Mỹ đã phải ngừng hợp tác với Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, trong việc phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho mạng không dây 5G, sau khi Bộ Thương mại đưa Huawei vào danh sách đen năm 2019. Lệnh cấm khiến Huawei không thể mua bán thiết bị, công nghệ tại Mỹ; nhưng đồng thời cũng khiến việc thiết lập tiêu chuẩn mạng 5G ở nước này gặp bất lợi, khi các công ty Mỹ phát triển đủ mọi thông số kỹ thuật khác nhau do không thể tiếp cận được thông số từ nước ngoài. Các công ty Mỹ cũng không chắc chắn công nghệ hay thông tin nào được phép trao đổi với các công ty trong danh sách cấm, nên các kỹ sư công nghệ Mỹ cũng giảm tham gia vào hoạt động thiết lập tiêu chuẩn 5G quốc tế, để Huawei nhiều tiếng nói hơn trong lĩnh vực 5G toàn cầu.
Huawei đã trở thành công ty dẫn đầu thế giới trong việc thiết lập các tiêu chuẩn 5G trong những năm gần đây. Trong một nghiên cứu do công ty phân tích sáng chế Đức IPlytics thực hiện, Huawei đứng đầu thế giới trong việc đóng góp vào sự phát triển các tiêu chuẩn 5G, với 3.147 đơn đăng ký sáng chế liên quan tính đến tháng Một 2020, tiếp theo sau là Samsung, ZTE và LG.
Một nghiên cứu tương tự do công ty tư vấn Strategy Analytics thực hiện, trong đó phân tích trên 600 công ty thành viên trong 3GPP (tổ chức nhằm chuẩn hóa mạng di động thế hệ thứ ba thành lập từ năm 1998), cho thấy Huawei dẫn đầu trong đóng góp thiết lập tiêu chuẩn 5G. “Theo đánh giá của chúng tôi, các nhà cung cấp cơ sở hạ tầng hàng đầu – Huawei, Ericsson và Nokia – có những đóng góp quan trọng vào tiêu chuẩn 5G hơn các công ty khác trong nghiên cứu”, theo bà Sue Rudd, giám đốc tại Strategy Analytics. “Huawei dẫn đầu khi xét tổng số đóng góp vào các tiêu chuẩn về các thiết bị đầu cuối 5G”, bà nói thêm.
“Nước Mỹ sẽ không nhường vị trí đứng đầu trong đổi mới công nghệ trên toàn cầu”, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross khẳng định. “Bộ Thương mại cam kết bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích chính sách nước ngoài của Mỹ bằng cách khuyến khích ngành công nghệ Mỹ tham gia và ủng hộ để tiêu chuẩn Mỹ trở thành tiêu chuẩn thế giới”. Michelle Zhou, người phát ngôn của Huawei vẫn chưa đưa ra bình luận về động thái này của Mỹ, theo Reuters.
Nước nào nắm quyền kiểm soát tiêu chuẩn thế giới về mạng 5G sẽ nắm quyền ảnh hưởng đến tương lai của mạng viễn thông không dây thế hệ mới, từ đó ảnh hưởng toàn cầu đến hàng loạt các công nghệ tiên tiến khác như xe tự vận hành, trí tuệ nhân tạo, v.v. Do vậy, động thái mới của Bộ Thương mại Mỹ không phải là một dấu hiệu cho thấy Mỹ giảm kiên quyết trong việc ngăn cản Huawei chiếm lĩnh vị thế hàng đầu quốc tế trong công nghệ.
Việc nới lỏng lệnh cấm với Huawei sẽ cho phép các công ty một lần nữa được cạnh tranh trong các hoạt động nền tảng giúp triển khai các công nghệ tiên tiến trên toàn cầu. “Chúng tôi nóng lòng được xem xét quy định sau khi công bố và làm việc với các cơ quan để triển khai quy định”, theo bà Naomi Wilson, phó giám đốc chính sách châu Á tại Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (Hội đồng công nghiệp công nghệ thông tin), đại diện cho các công ty như Amazon, Qualcomm và Intel.
Cao Dung (theo Reuters)