Theo kết quả báo cáo HSBC Navigator 2019 vừa được ngân hàng HSBC công bố ngày 5.11, có tới 97% doanh nghiệp Việt Nam cho biết họ tin tưởng doanh số năm tới, cao hơn mức toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương, lần lượt ở mức 79% và 77%.
“Việt Nam là một trong những thị trường lạc quan nhất về thương mại quốc tế và các doanh nghiệp có lý do để lạc quan”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nêu nhận định qua thông cáo báo chí.
Ông Evans cho biết thêm: “Nền kinh tế Việt Nam đang ở vào vị thế rất tốt, với mức tăng trưởng 7,1% năm 2018, cao nhất trong vòng 10 năm vừa qua, và động lực cho 2019 được duy trì khi tăng trưởng quý 3 vừa được công bố ở mức 7,31%. Thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang gia tăng, lĩnh vực sản xuất đang phát triển mạnh mẽ và khu vực dịch vụ đang góp phần quan trọng trong tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Việt Nam vẫn duy trì động lực tốt để tận dụng được những lợi ích từ thương mại quốc tế trong những năm tới.”
Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đã gia tăng chủ nghĩa bảo hộ trên phạm vi toàn cầu. Hình thức bảo hộ phổ biến nhất là tăng thuế quan, hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp/ngành sản xuất trong nước. 72% các doanh nghiệp Việt Nam tin rằng họ được hưởng lợi từ xu hướng bảo hộ này.
Kết quả trên được công bố từ khảo sát trên 9.100 tại 35 thị trường trên toàn thế giới của Ngân hàng HSBC. Phần lớn doanh nghiệp được hỏi (5.000) là doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo xếp hạng của HSBC, có doanh thu hàng năm từ 5 đến 50 triệu USD - còn lại là các doanh nghiệp lớn.
“Thép đang là mặt hàng bị xem xét phòng vệ thương mại nhiều nhất ở nước ta - kể cả xuất và nhập khẩu” - ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với Tạp chí Nhà Quản lý.
Mỹ đã đánh thuế chống bán phá giá trên 450% với thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan vì nghi ngờ hai quốc gia này đã né thuế khi lấy Việt Nam làm trung gian xuất khẩu sang Mỹ. Việt Nam cũng đang xem xét để đánh thuế với một số sản phẩm sắt thép để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
“Các công ty Việt Nam đang ngày càng nhận thức rõ rằng thương mại quốc tế có thể đóng góp vào việc định hình tương lai của đất nước, đưa Việt Nam hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, trở nên tân tiến hơn về công nghệ và trở thành một nền kinh tế năng động hơn,” ông Evans nói.
Bất chấp xu hướng bảo hộ thương mại, hàng xuất khẩu của Việt Nam đi Hoa Kỳ vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh 27,9% trong chín tháng đầu năm, bên cạnh Nhật Bản và Hàn Quốc duy trì tăng tưởng ở mức 10% theo số liệu từ Tổng cục Hải quan. Trong các thị trường nhập khẩu, Trung Quốc và Mỹ có mức tăng mạnh nhất trong cùng thời kỳ, tương ứng 17,4% và 18,6%, tiếp theo là Đài Loan và EU.