Trong quý II/2022, DGC ước tính doanh thu thuần 4.002 tỷ đồng, tăng 96,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu tài chính quý này của Hóa chất Đức Giang đạt 107,7 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ 2021. Chi phí hoạt động như chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng lần lượt 126,3% và 42,2% nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40,2% còn 17 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp hóa chất này thu về 1.894 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 5,7 lần so với quý II/2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.783 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ. Đây tiếp tục là mức lợi nhuận lớn nhất theo quý của Hóa chất Đức Giang.
Lũy kế 6 tháng, Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu thuần 7.637 tỷ đồng, tăng 91,5% so với nửa đầu năm 2021.
Năm nay, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 12.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 39% so với kết quả năm ngoái. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu 97,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của DGC đạt 11.400 tỷ đồng, tăng 38,2% so với đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 64,8% lên 5.984 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 1.591 tỷ đồng, tăng 14,8%, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 57,6% lên 994,4 tỷ đồng.
Chân dung "ông trùm hóa chất" Đức Giang Đào Hữu Huyền
Ông Đào Hữu Huyền sinh ngày 07/06/1956, quê quán tại Hưng Yên. Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học của trường Đại học Tổng hợp. Sau đó ông tiếp tục đi du học Áo để mở rộng kiến thức chuyên môn.
Sau khi du học nước Áo, ông Huyền về Việt Nam và thành lập công ty TNHH Văn Minh. Doanh nghiệp chuyên nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc về bán ra thị trường trong nước.
Tháng 4/2004, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (khi đó có tên gọi là CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang) đã hoàn thành công tác cổ phần hóa, ông Đào Hữu Huyền và vợ là bà Nguyễn Thị Hồng Lan đã mua lại cổ phần và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất.
Từ thời điểm cổ phần hóa, vai trò của vị Chủ tịch họ Đào tại Hóa chất Đức Giang là không phải bàn cãi, phần nào thể hiện qua tỷ lệ sở hữu lớn nhất của ông và gia đình mà một báo cáo của VCBS cập nhật vào khoảng tháng 8/2018 là 46,2%. Trong khi đó, căn cứ theo báo cáo tình hình quản trị nửa đầu năm 2019, nhóm cổ đông Chủ tịch HĐQT DGC đang nắm 42,08% cổ phần tại doanh nghiệp này. Mức cổ phần giảm có thể do DGC tăng vốn điều lệ để hợp nhất với Hóa chất Đức Giang Lào Cai.
Ngoài nhóm ông Đào Hữu Huyền, một cổ đông lớn khác tại DGC là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Tháng 12/2019 vừa qua, Vinachem đã bán đấu giá toàn bộ 11,45 triệu cổ phiếu DGC đang nắm giữ (tỷ lệ 8,85%). Mức giá Vinachem đưa ra là 49.100 đồng/cổ phiếu, cao gần gấp đôi so với vùng giá giao dịch từ 24.000 - 28.600 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, phiên đấu giá đã thất bại khi chỉ có 2 nhà đầu tư cá nhân mua vỏn vẹn 200 cổ phiếu.
Ông Đào Hữu Huyền được đánh giá là đại gia mới nổi kể từ khi cổ phiếu của DGC lên sàn vào năm 2014 và sau đó là DGL năm 2015. Năm 2015, ông lọt vào Top 30 người giàu có và quyền lực nhất sàn chứng khoán nhờ sở hữu cổ phiếu DGC và DGL với tổng giá trị cổ phiếu lên đến 700 tỷ đồng.
Trước khi là lãnh đạo tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, ông Đào Hữu Huyền đã bén duyên trong ngành hóa chất từ thập kỷ 90, khi làm việc tại một Nhà máy hóa chất Đức Giang, thời điểm đó là nhà máy thuộc quyền quản lý và sở hữu Nhà nước. Sau khi du học từ Áo, ông về Việt Nam và lập CTY riêng là CTY TNHH Văn Minh, chuyên nhập hóa chất từ Trung Quốc về bán ra thị trường trong nước.
Giới đầu tư chứng khoán đánh giá cao sự hiện diện của Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền tại DGC. Với kinh nghiệm hàng chục năm của ông trong lĩnh vực, ngành nghề hóa chất, cộng thêm những quyết sách M&A với một số doanh nghiệp, CTY đã khiến DGC phát triển từng bước một vững trãi, chắc chắn và không chỉ đơn thuần sản xuất kinh doanh mặt hàng, sản phẩm truyền thống bột giặt, nguyên liệu sản xuất bột giặt, mà còn mở rộng sang một số lĩnh vực như: Sản xuất hóa chất công nghiệp, hóa chất tinh khiết,....