Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản như đang ngồi trên lửa vì sợ đóng cửa, phá sản

Tuệ Nghi

12/07/2021 16:05

Bên cạnh ngành may mặc và da giày thì thuỷ sản là lĩnh vực có số lượng lao động làm việc nhiều nhất, thậm chí có những nhà máy có số lượng công nhân lao động lên đến 10.000 người. Do đó, trước tình hình dịch bệnh nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản như đang ngồi trên lửa vì nguy cơ bị “đóng cửa” nhà máy trong khi đơn hàng thì ngày một nhiều.

Vừa sản xuất vừa lo lắng sẽ bị “cách ly’

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), hiện toàn ngành thủy sản Việt Nam có hơn 4 triệu lao động trên toàn chuỗi, riêng khu vực chế biến là hàng trăm ngàn lao động, tập trung phần lớn tại ĐBSCL, miền Nam và Nam Trung bộ. Nhiều nhà máy sử dụng từ 500 - 3.000 lao động, một số nhà máy lớn sử dụng 5.000 - 10.000 người, mật độ lao động cao. Ngành thủy sản cũng là một ngành kinh tế đặc thù của đất nước vì đang góp phần đảm bảo việc làm và sinh kế cho nông-ngư dân tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu của đất nước với khoảng 8,5 - 8,8 tỷ USD/năm trong 3 năm trở lại đây.

thuysan-1626080297.jpeg

Trong tháng 6/2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 3,65 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra căng thẳng và phức tạp tại TPHCM dễ có nguy cơ xâm nhập xuống ĐBSCL, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp chế biến thủy sản không khỏi lo lắng. Ảnh: Vasep.

Tình hình dịch bệnh Covid 19 trên thế giới và tại Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng và ngày càng có dấu hiệu phức tạp, đặc biệt tại các khu công nghiệp và các nhà máy có sử dụng nhiều lao động. Thậm chí, thời gian gần đây, tình hình càng trở nên căng thẳng và nóng bỏng hơn khi số ca nhiễm ở TPHCM đang tăng mạnh và có nguy cơ cao lan rộng sang các tỉnh xung quanh và ĐBSCL. Đây thực sự đang là mối lo lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế nói chung, đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và việc làm, đời sống người lao động, đặc biệt với các ngành và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như thuỷ sản.

Nhìn vào những bài học đáng tiếc đã từng xảy ra ở một số địa phương, khu công nghiệp, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản càng nâng cao cảnh giác vì khi một Doanh nghiệp bị giãn cách, cách ly không sản xuất từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất, kinh doanh một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản và người lao động bị mất việc làm. Nếu rủi ro, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cũng như uy tín ngành hàng của Việt Nam. Hơn thế nữa, toàn bộ chuỗi từ nhà máy chế biến, người lao động làm việc tại nhà máy, người nuôi, ngư dân khai thác đều bị ngừng hoạt động liên hoàn.

Vì lý do này, trong tháng 5 và tháng 6/2021, VASEP đã gửi hai công văn trong đó tại Công văn số 63/CV-VASEP khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VASEP - đại diện cho các DN thuỷ sản thành viên được đăng ký mua 500.000 liều vaccine mà Chính phủ đang đặt mua theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ. Toàn bộ chi phí mua 500.000 liều vaccine và tổ chức tiêm, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ chủ động và đóng góp đầy đủ ngay theo kế hoạch của Chính phủ.

Đề xuất các tỉnh cho Test nhanh Covid 19 thay vì PCR để không ách tắc hàng hóa

Không khỏi đứng ngồi không yên về nguy cơ lây nhiễm Covid 19 cho công nhân đang làm việc tại các nhà máy chế biến, mới đây, các doanh nghiệp chế biến thủy sản lại thêm lo vì tài xế xe container, xe tải chở hàng hoá cũng là đối tượng cần được tiêm vaccine ngừa Covid 19 càng sớm càng tốt.

Từ sáng ngày 8/7/2021, toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ TPHCM - ĐBSCL đang ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp vì yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid 19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR (thời hạn không quá 3 ngày khi có kết quả xét nghiệm), còn các nhà vận chuyển thì không kịp chuẩn bị cho yêu cầu mới này. 

Nhiều DN cho rằng, yêu cầu đột ngột này của UBND tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đang làm tắc nghẽn hoạt động vận chuyển hàng hóa, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng hoạt động kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình vận chuyển quốc tế trong nửa đầu năm vô cùng khó khăn, cước vận tải biển đã tăng gấp 5-7 lần, container khan hiếm.

Hơn nữa, với tình hình chống dịch như hiện nay, cơ sở y tế ở TPHCM nhận kiểm nghiệm PCR không nhiều, thậm chí nếu có cũng phải chờ ít nhất 1-2 ngày mới có kết quả và kết quả này cũng chỉ có giá trị, thời hạn trong vòng 3 ngày. Đây là một yêu cầu hết sức gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều đang đặt vấn đề an toàn, phòng chống dịch Covid 19 là ưu tiên hàng đầu để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc có thể khiến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu bị dừng lại, gây thiệt hại lớn tới doanh nghiệp.

Do đó, để vừa đảm bảo chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại CV 4351 vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa, tránh gây tình trạng kẹt cảng vì hàng nhập, kẹt kho lạnh vì không nhập được hàng để chờ kết quả ở các điểm chốt, VASEP cho rằng, UBND các tỉnh nói chung, tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp nói riêng nên thực hiện như văn bản hướng dẫn trên của Bộ Y tế đó là thực hiện test nhanh Covid 19 tài xế container và xe chở hàng tuyến cố định thay vì test PCR để đảm bảo lưu thông hàng hóa.

Tuệ Nghi