Đô thị vị nhân sinh

tamvu

12/09/2019 16:25

“Chúng ta phải xây dựng đô thị vì con người, vì gia đình, vì tương lai của đất nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Dưới đây là bài phát biểu chào mừng của ông Nguyễn Thiện Nhân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh tại “Tọa đàm về đô thị thông minh, hướng tới quy hoạch và phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố Hồ Chí Minh” - sự kiện do Tạp chí Nhà Quản Lý phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM tổ chức ngày 5.9.2019 tại Rex Hotel Saigon. Tiêu đề do Tạp chí Nhà Quản Lý đặt.

.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng "Toạ đàm về đô thị thông minh, hướng tới quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM" chiều ngày 5.9.2019 (Ảnh: Tạp chí Nhà Quản Lý)

Trong giai đoạn 2021-2030, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có chủ trương chọn ở các quốc gia đang là đối tác chiến lược của Việt Nam, những địa phương cụ thể, những cơ quan cụ thể để trở thành đối tác chiến lược của thành phố và giúp giải quyết những vấn đề chiến lược của thành phố.

Cách đây một tuần, chúng tôi đi Singapore và Indonesia - hai quốc gia đối tác chiến lược của Việt Nam - để chọn nội dung làm đối tác chiến lược cho thành phố. Tại Singapore, chúng tôi đã thảo luận về hợp tác quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, giáo dục từ phổ thông lên đại học, và dự báo chiến lược tương lai về những nước trong ASEAN. Với Indonesia, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu, gia tăng hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Hàn Quốc cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam. Chúng tôi chưa kịp sang thăm các bạn, các bạn đã tới đây để cùng thảo luận các vấn đề chiến lược của thành phố về chiến lược phát triển 10 năm tới trên nền tảng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào.

Vấn đề đô thị thông minh được thành phố chủ trương thực hiện từ hai năm nay. Ngoài ra, một dự án có ý nghĩa chiến lược trong tương lai là phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

Các bạn Hàn Quốc là những người đang giúp Việt Nam hiện thực hóa các chủ trương của thành phố. Hàn Quốc, trong đó có nhiều chuyên gia như vị cựu phó thị trưởng Yang Joon Jae (ông vốn là nhà khoa học và cũng là nhà quản lý của thành phố Seoul), sẽ trở thành đối tác chiến lược của TP.HCM.

Tôi tin rằng, buổi tọa đàm hôm nay sẽ giúp chúng tôi học tập nhiều kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc về triển khai đô thị thông minh và những khu đô thị sáng tạo tại Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng có thể ghi hình lại những phần trình bày để có dịp làm tài liệu tập huấn cho cán bộ thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Nhã – Giám đốc, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM và đối tác Hàn Quốc vừa đề cập đến chủ đề “Đô thị thông minh lấy con người làm trung tâm”. Chúng tôi đồng tình rất cao và xin nói thêm rằng, điều này vẫn chưa đủ.

Nếu không lấy con người làm trung tâm thì không có thước đo mình phục vụ ai, thu nhập bình quân và sáng kiến đều từ người dân mà ra.

.
Bên ngoài toà nhà Lotte Tower tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc) được quy hoạch thành công viên xanh (Ảnh: Quốc Khánh)

Chúng tôi đã đến Singapore rất nhiều lần. Mỗi lần đến đều muốn trả lời câu hỏi vì sao từ một đất nước cách đây 54 năm là một đảo nghèo, là một làng chài có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng đến nay, quy mô nền kinh tế Singapore đã đứng thứ 35 thế giới (theo số liệu từ World Bank). Dân số của Singapore, với hơn 5,6 triệu người, chỉ bằng khoảng một nửa dân số của Seoul. GDP đầu người ở Singapore đạt trên 64.500 USD, đứng thứ chín trên thế giới. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân. Vậy điều gì là quan trọng nhất? Chắc chắn là con người.

Singapore là một trong 10 quốc gia có mức sống cao nhất trên thế giới. Singapore cũng có chỉ số phát triển con người đứng thứ chín trên thế giới - tương đương với thứ tự GDP bình quân. Phát triển con người đương nhiên là trung tâm.

Nhưng có một vấn đề 30 năm nay Singapore vẫn chưa giải quyết được. Là một trong mười nước giàu nhất thế giới, nhưng người phụ nữ không chịu sinh con. Bình quân một người phụ nữ (ở Singapore - NQL) chỉ sinh 1,2 đứa con. Với tỉ lệ này, 100 năm nữa dân số Singapore sẽ ít đi rất nhiều. Họ không sinh, không muốn lập gia đình vì nếu sinh họ sẽ thấy thiệt thòi, khó sống. Quốc gia rơi vào tình trạng không sinh đủ người thay thế mình.

Trong khi đó, để một đất nước có đủ người thay thế mình thì tỉ lệ là một người phụ nữ phải sinh trung bình 2,1 con. Đây gọi là tỉ suất sinh thay thế.

Vậy chúng ta thiết kế đô thị này cho ai? Chúng ta không chỉ vì con người mà vì gia đình. Chúng ta làm tất cả để gia đình họ hạnh phúc và muốn có con.

Có một quốc gia khác ở châu Á, do xu hướng độc thân tăng cao nên xuất hiện căn hộ 12-15 m2, có đủ tất cả những thứ cho duy nhất một người cần. Vậy nếu muốn họ sống đủ hai người hai người thì sao? Nếu muốn đủ sức chứa hai người cùng hai đứa con, căn hộ phải có sức chứa cho bốn người.

Vậy nếu muốn người dân sinh con mà xây căn hộ nhỏ thì người ta sẽ càng không sinh và rơi vào vòng luẩn quẩn: ít sinh - xây căn hộ nhỏ - không lập gia đình - không sinh.

Tuần vừa rồi, sau khi đi Singapore về, chúng tôi trăn trở nhiều. Chúng ta phải xây dựng đô thị vì con người, vì gia đình, vì tương lai của đất nước. Nếu người phụ nữ không sinh được hai con thì đất nước đó sẽ ngày càng chao đảo.

Việt Nam dù GDP bình quân đầu người chưa bằng được Singapore nhưng duy trì được tỉ lệ 2,0 - 2,09/phụ nữ/đời người suốt 18 năm nay. Nếu làm không tốt, tỉ lệ này sẽ bị tụt xuống và rất khó lên.

Tỉ lệ này duy trì được nhờ vào thứ nhất là truyền thống gắn kết của người Việt Nam, cả bên chồng và bên vợ cùng chăm sóc một đứa trẻ.

Ngoài ra, Việt Nam có hệ thống trường mầm non với 98% trẻ dưới 5 tuổi đi học mầm non, cùng hệ thống bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi. 90% người dân Việt Nam đang có bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, điều cuối cùng là vẫn đang thiếu nhà ở. Cứ mỗi năm năm, TP.HCM lại có thêm một triệu người dân. Việc lo nhà ở cho một triệu dân sau mỗi năm năm là điều rất khó khăn. Đây sẽ là chủ đề của hội thảo tiếp theo của TP.HCM.

Chúng ta phải giải quyết vấn đề nhà, nhưng phải làm cách nào để người dân ở gần nhau và hỗ trợ qua lại. Chỗ ở và chỗ học của trẻ con nên gần nhau, chỗ mua sắm cũng nên thuận tiện để người dân có thể giảm các chi phí, và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình.

Chúng tôi sẽ tiếp thu tất cả những kinh nghiệm của Hàn Quốc nhưng hãy xây dựng thành phố thông minh vì gia đình, vì con người, vì đất nước. Xin cảm ơn các bạn Hàn Quốc đã không quản khoảng cách xa xôi và rào cản nhất định về ngôn ngữ đã đến Việt Nam với tất cả tấm lòng. Ở TP.HCM đang có khoảng gần 70.000 người Hàn Quốc sinh sống.

Tôi tin rằng sau hội thảo này sẽ có nhiều hợp tác hơn nữa trong thời gian tới để TP.HCM là đô thị thông minh hiệu quả hơn để sớm khởi công thực hiện khu đô thị sáng tạo tương tác cao.

Tháng 10 tới đây, sau khi cuộc thi ý tưởng kết thúc, TP.HCM sẽ chọn triển khai những ý tưởng tốt đẹp nhất để triển khai quy hoạch các khu vực của khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.

Xin trân trọng cảm ơn!
Kam-sa-ham-ni-ta!

Tạp chí Nhà Quản Lý (ghi)

tamvu
Bạn đang đọc bài viết "Đô thị vị nhân sinh " tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.