Đô thị châu Á và mối nguy dịch bệnh

thunguyen

26/01/2020 21:46

Điều kiện y tế và những tiến bộ vượt bậc của y học phần nào làm người ta xao lãng mối nguy bệnh dịch, vốn song hành cùng các đô thị châu Á trong suốt chiều dài lịch sử.

Vũ Hán đang đối mặt với thảm hoạ dịch bệnh viêm phổi do virus Corona (2019-nCoV, còn có tên virus Vũ Hán do xuất phát từ tỉnh này) gây ra, có triệu chứng giống cảm cúm thông thường, lây trực tiếp từ người sang người và chưa có phác đồ điều trị. Theo cập nhật mới nhất từ trang Cnet, số người chết tại Trung Quốc đã lên tới con số 56 trên tổng số 2.000 ca nhiễm bệnh. Tình hình đã khiến ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp ngay trong ngày mồng Một Tết, thừa nhận đất nước đang trong “tình thế vô cùng khó khăn”.

Vũ Hán, thành phố nằm trên lưu vực sông Dương Tử và Hán Thủy, thuộc tỉnh Hồ Bắc, là thành phố đông dân nhất của miền Trung Trung Quốc, cũng là trung tâm của các tuyến đường giao thông bộ, đường sắt và cao tốc nối liền với các thành phố lớn. Bởi vậy việc kiếm soát sự lây lan của dịch bệnh càng là thách thức với chính quyền.

Nhà ga Thành phố Vũ Hán (Nguồn: Xiaochu - Getty Image)
Nhà ga Thành phố Vũ Hán (Nguồn: Xiaochu - Getty Image)

Đô thị hoá tại các nước châu Á diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Liên Hiệp Quốc cho biết gần 90% số người tăng thêm tại các thành phố tính đến năm 2050 thuộc châu Á và châu Phi. 15 trên tổng số 20 đường bay quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới thuộc Châu Á, theo báo cáo mới nhất từ hãng nghiên cứu hàng không OAG.

Trong mười đại dịch tồi tệ nhất lịch sử loài người với số người chết từ 1 triệu trở lên được MPH Online, trang tin dành cho sinh viên ngành y tế công cộng, thống kê, cho thấy từ thế kỷ XIX trở đi, hầu hết các dịch bệnh đều khởi phát từ Châu Á. Trước đó, các đại dịch thường đến từ châu Âu và lan ra khắp thế giới.

Cách đây 17 năm, dịch bệnh SARS khiến gần 800 người chết cũng xuất phát từ Trung Quốc. Việt Nam trở thành nước đầu tiên được công nhận khống chế thành công dịch bệnh. Virus 2019-nCoV hiện nay tại Vũ Hán được cho là một chủng mới của virus gây dịch bệnh SARS trước kia.

Sáng 26.1.2020, tức mồng 2 Tết Canh Tý, chuyến bay của hãng hàng không VietJet từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) về sân bay Cam Ranh (Nha Trang) không có người, ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng bộ phận Thư ký và Pháp chế Sân bay Cam Ranh xác nhận. Ông Vinh cũng cho biết, tại sân bay Cam Ranh hiện đang có một trường hợp hành khách được cách ly theo dõi do sốt, chưa có thông tin cuối cùng về trường hợp này.

Không chỉ các chuyến bay rỗng, các chuyến bay khác của hãng này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hãng hàng không giá rẻ này là lựa chọn cho nhiều tour du lịch của hành khách Trung Quốc. Ngành du lịch Việt Nam, với số lượng khách đa số đến từ Trung Quốc, cũng bị ảnh hưởng. Năm 2019, một phần ba lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam là từ Trung Quốc - theo Tổng cục du lịch. Người dân có xu hướng không đến những nơi công cộng (và tiêu tiền) do lo sợ dịch bệnh lây lan…

Một nghiên cứu năm 2017 của ba nhà kinh tế Victoria Fan, Dean Jamison và Lawrence Summers đã ước tính mức thiệt hại về kinh tế mỗi năm do dịch bệnh khoảng 500 tỉ USD, tương đương 0,6% mức thu nhập toàn cầu, tính cả phần thu nhập mất đi và chi phí tăng cao do tử vong.

Điều kiện y tế tốt và sự phát triển của ngành dược trong một thời gian dài đã gần như loại trừ sự lan truyền của các loại dịch bệnh, làm hầu hết mọi người quên mất rằng, dịch bệnh lây lan là một nguy cơ song hành với các thành thị châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, trong suốt chiều dài lịch sử. Tập quán sinh sống tập trung với mật độ dân cư dày đặc của những đô thị khu vực này là môi trường lý tướng để dịch bệnh lây lan và bùng phát.

Minh Thư

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Đô thị châu Á và mối nguy dịch bệnh" tại chuyên mục Khoa học quản lý.