Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) Bình Phước ngày càng hiệu quả, đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu vận động, tập hợp, phát huy vai trò, trí tuệ của đội ngũ trí thức, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Chủ tịch Liên hiệp hội trao tặng Biểu trưng của Liên hiệp hội cho thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp xuất sắc.
Những kết quả đạt được trong hoạt động của Liên hiệp hội…
Ngày 15/3/2007, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 465/QĐ-UBND về việc thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật. Trong 3 nhiệm kỳ hoạt động, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của Liên hiệp hội Bình Phước có nhiều khó khăn, thách thức. Điều đáng ghi nhận là Liên hiệp hội luôn nỗ lực vượt khó, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm kiếm mô hình, phương thức hoạt động phù hợp, thực hiện tốt chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, thúc đẩy các hoạt động gắn với giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương.
Từ đặc thù riêng của tỉnh và từ thực tiễn trong công việc, Liên hiệp hội Bình Phước đã từng bước thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Liên hiệp hội góp phần xây dựng đội ngũ trí thức, đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong tỉnh. Qua thực tiễn, có thể thấy các lĩnh vực công tác của Liên hiệp hội đều có sự tác động qua lại, liên hệ hữu cơ với nhau. Thông qua các hoạt động để đoàn kết, tập hợp trí thức. Thông qua công tác đoàn kết, tập hợp trí thức để hỗ trợ các hoạt động đạt hiệu quả.
Được Thường vụ Tỉnh uỷ phân công theo dõi Đảng đoàn Liên hiệp hội, tôi nhận thấy sự phối hợp kịp thời, năng động, hiệu quả trong hoạt động giữa Liên hiệp hội với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở KH&CN, các địa phương, sở ngành trong tỉnh và các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các chuyên gia, nhà khoa học ngoài tỉnh… Đây là một lợi thế, cũng là tiền đề quan trọng giúp Liên hiệp hội tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với đội ngũ trí thức và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Liên hiệp hội chụp hình lưu niệm ra mắt Câu lạc bộ trí thức năm 2009.
Lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Liên hiệp hội chụp hình lưu niệm ra mắt Câu lạc bộ trí thức năm 2009.
Trong công tác tập hợp, đoàn kết trí thức, biểu dương, tôn vinh trí thức, Liên hiệp hội đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động. Trí thức được tập hợp thông qua công việc rất cụ thể, như: tham mưu chính sách; tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội; qua công tác phối hợp nghiên cứu, ứng dụng đề tài khoa học; sinh hoạt Câu lạc bộ Trí thức, Câu lạc bộ Nữ Trí thức; thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức; thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng…
Công tác xây dựng đội ngũ trí thức, tôn vinh hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của đội ngũ trí thức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh luôn được Liên hiệp hội quan tâm. Thành tích học tập, nghiên cứu của trí thức được Liên hiệp hội và các ngành liên quan tham mưu để lãnh đạo tỉnh biểu dương, khen thưởng kịp thời. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 326 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp xuất sắc và 28 trí thức tiêu biểu được Liên hiệp hội và các ngành tham mưu để Tỉnh uỷ, UBND tỉnh biểu dương khen thưởng
Câu lạc bộ Trí thức và Câu lạc bộ Nữ Trí thức đã tạo ra môi trường để trí thức thảo luận, chia sẻ quan điểm, đóng góp ý kiến về những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương. Qua các hoạt động, đội ngũ trí thức xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gương mẫu, nỗ lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo để cống hiến nhiều hơn, hiệu quả hơn
Trong công tác tham mưu, Liên hiệp hội chủ yếu tập trung tham mưu ở những lĩnh vực liên quan đến công tác đoàn kết, tập hợp, xây dựng đội ngũ trí thức; xây dựng Liên hiệp hội và các hội thành viên; phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, còn tham mưu chính sách liên quan đến phát triển khoa học - công nghệ; nông nghiệp - nông dân - nông thôn; y tế, giáo dục; tài nguyên, môi trường; chính sách phát triển doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Văn Thoả - Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Bình Phước khoá I, nhiệm kỳ (2007-2012) thăm mô hình tưới tiêu 3 trong 1 của nông dân Nguyễn Bá Thịnh, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh
Thực tế cho thấy, chất lượng công tác tham mưu của Liên hiệp hội dù là tham mưu độc lập hay phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đều đã thể hiện được trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ trí thức, có sự đầu tư nghiên cứu công phu, được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các địa phương, đơn vị ghi nhận.
Trong lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ, Liên hiệp hội Bình Phước luôn gắn kết với Sở KH&CN. Việc lãnh đạo Liên hiệp hội tham gia là Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Công nghệ, thành viên Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp tỉnh, thành viên Hội đồng Quỹ phát triển Khoa học - Công nghệ của tỉnh, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để cơ quan này tham gia triển khai hoạt động khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học; thẩm định, nghiệm thu đề tài khoa học; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật; tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng và thúc đẩy phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực này, có thể kể đến những công trình nghiên cứu trọng tâm, được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Liên hiệp hội tham gia nghiên cứu, biên soạn, như: Công trình Địa chí tỉnh Bình Phước, Lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, Liên hiệp hội còn tham gia phản biện, nghiệm thu nhiều đề tài cấp cơ sở và cấp tỉnh. Chủ trì nghiên cứu thành công đề tài khoa học cấp tỉnh “Điều tra thực trạng đội ngũ trí thức tỉnh Bình Phước, đề xuất các giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới”. Đây là đề tài khoa học đầu tiên của tỉnh Bình Phước nghiên cứu về đội ngũ trí thức. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được chuyển giao, ứng dụng, là cơ sở quan trọng để tỉnh tham khảo khi quyết định các chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển khoa học công nghệ.
CLB Trí thức tổ chức lấy ý kiến của đại biểu trí thức đóng góp xây dựng các văn bản luật.
Hàng năm, Liên hiệp hội, các hội thành viên, thành viên liên kết và đội ngũ trí thức cũng tham gia nghiên cứu các dự án, đề tài khoa học công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực: kinh tế, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, quốc phòng, nông - lâm - ngư nghiệp,tài nguyên - môi trường cùng các lĩnh vựckhoa học xã hội và nhân văn khác...
Việc thẩm định, xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật có sự tham gia của Liên hiệp hội đã góp thêm tiếng nói mang tính phản biện độc lập, khách quan trên tinh thần khoa học, thực tiễn, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ của tỉnh phát triển.
Suốt 3 nhiệm kỳ qua, Liên hiệp hội cũng có nhiều sáng kiến, đổi mới cách thức tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng. Hoạt động này góp phần tạo ra phong trào thi đua lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tinh thần ham mê nghiên cứu khoa học trong các tầng lớp nhân dân.
Công tác điều hoà, phối hợp hoạt động giữa Liên hiệp hội với các hội thành viên, thành viên liên kết ngày càng rõ nét thông qua quy chế phối hợp được ký kết, triển khai và đánh giá rút kinh nghiệm hàng năm. Các tổ chức hội thành viên, thành viên liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội đã được củng cố, kiện toàn. Phương thức hoạt động của hội thành viên từng bước được đổi mới, ngày càng gắn kết với Liên hiệp hội qua quy chế phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Các thành viên Hội đồng Giám khảo chấm chung khảo các mô hình, sản phẩm, giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ III năm 2014-2015
Lĩnh vực thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức của Liên hiệp hội có nhiều đổi mới, đa dạng và hiệu quả. Mặc dù cơ quan ngôn luận của Liên hiệp hội (Tạp chí Khoa học thời đại) đã giải thể và sáp nhập vào Đài PT-TH và Báo Bình Phước nhưng Liên hiệp hội vẫn duy trì công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức qua hình thức phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học phổ biến kiến thức đầu bờ trực tiếp đến nhà nông; hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp thành viên; và tập trung tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đội ngũ trí thức và các hội thành viên thông qua website Liên hiệp hội.
Hoạt động của Quỹ Khuyến học, Khuyến tài do Chủ tịch Liên hiệp hội làm Giám đốc Quỹ, đã hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Qua đó, hỗ trợ tiếp bước đến trường cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tuyên dương học sinh, sinh viên, thạc sĩ tiến sĩ có thành tích học tập tốt, tôn vinh các vận động viên, văn nghệ sĩ có thành tích cao trong thi đấu, biểu diễn, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài của tỉnh.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội đã đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng đội ngũ trí thức. Đặc biệt, từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Liên hiệp hội đã chủ động chuyển trạng thái, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, duy trì hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội một cách có hiệu quả, phù hợp với tình hình mới, góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu kép theo chủ trương củaChính phủ.
Trong công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội, so với nhiều địa phương, Liên hiệp hội Bình Phước chưa có bề dày kinh nghiệm và cũng không ít khó khăn nhưng Liên hiệp hội đã luôn thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, chú trọng thiết lập mạng lưới cộng tác viên gồm các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh phục vụ cho hoạt động này. Con số 161 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đang công tác ở nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài tỉnh tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của Liên hiệp hội, cho thấy năng lực, tinh thần trách nhiệm cao trong tập hợp, đoàn kết trí thức của Liên hiệp hội Bình Phước trong thời gian qua.
“Tiếp tục kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện để Liên hiệp hội đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, giữ vững vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết trí thức”.
Nhớ lại 15 năm trước, làm việc với Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Luật (lúc bấy giờ là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước) đã đặt niềm tin về sự ra đời của Liên hiệp hội Bình Phước. Ông nhắc lại câu nói của tiền nhân “phi trí bất hưng”. Và tin rằng, dù trí thức trong tỉnh chưa nhiều nhưng nếu Liên hiệp hội tham mưu xây dựng đội ngũ trí thức tốt, tập hợp, đoàn kết trí thức tốt, trí thức sẽ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh.
Niềm tin ấy, hôm nay đã thành sự thật. Đội ngũ trí thức trong tỉnh ngày càng phát triển, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh. Liên minh Công - Nông - Trí ngày càng được tăng cường, củng cố vững chắc, góp phần tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Năm 2007, thời điểm thành lập Liên hiệp hội, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 2.384 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 7,5 triệu đồng. Đội ngũ trí thức trong tỉnh vừa thiếu, vừa yếu, phân bố không đồng đều ở các ngành, các địa phương. Liên hiệp hội khi mới thành lập chỉ có 12 hội thành viên với khoảng 1.000 hội viên. Đến nay, thu ngân sách của tỉnh (tính đến tháng 12/2021) đạt 13.675 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 74 triệu đồng. Toàn tỉnh có gần 30 ngàn trí thức khoa học công nghệ, phân bố khá đều ở các địa phương, các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Liên hiệp hội có 20 hội thành viên, thành viên liên kết với trên 28 ngàn hội viên.
Dẫn chứng những con số trên, để thấy bên cạnh sự phát triển của tỉnh là sự lớn mạnh của đội ngũ trí thức trong tỉnh và vai trò tập hợp, đoàn kết trí thức của Liên hiệp hội Bình Phước.
… Và những khó khăn cần được tháo gỡ
Việc kiện toàn và xây dựng mô hình tổ chức, bộ máy trong hệ thống Liên hiệp hội từ Trung ương đến các địa phương còn có những điểm bất cập, do chưa có sự thống nhất về quan điểm, nhận thức đối với tổ chức này. Liên hiệp hội Bình Phước là tổ chức thành viên của Liên hiệp hội Việt Nam nằm trong khó khăn chung đó.
Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền về tính chất chính trị- xã hội và chức năng, nhiệm vụ tập hợp đoàn kết trí thức của Liên hiệp hội chưa đầy đủ. Chính vì thế, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức trong tỉnh chưa được khai thác hết. Công tác tập hợp, đoàn kết trí thức của Liên hiệp hội chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ công tác tại Liên hiệp hội chưa có cơ hội phát triển.
“Cần thống nhất quan điểm, nhận thức để tuyên truyền, định hướng và phối hợp trong các hoạt động của Liên hiệp hội. Tạo dựng vị thế của Liên hiệp hội thông qua công tác củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo nguồn nhân lực, định hướng các hoạt động”…
Bên cạnh những khó khăn tác động bởi cơ chế, có cả do nhận thức cho thấy công tác tập hợp, đoàn kết trí thức, điều hoà phối hợp giữa Liên hiệp hội với các hội thành viên cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, chưa tập hợp, phát huy hết tiềm năng của đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Những chủ trương, chính sách, đề án, dự án lớn của tỉnh vẫn chưa nhận được nhiều ý kiến tham gia tư vấn, phản biện của trí thức. Công tác phối hợp tham mưu xây dựng đội ngũ trí thức và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
Tuy có nhiều đổi mới, nhưng Liên hiệp hội chưa thật sự tạo đột phá trong lĩnh vực điều hòa, phối hợp hoạt động với các hội thành viên. Nội dung và phương thức hoạt động của một số hội thành viên còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính và các điều kiện hoạt động của Liên hiệp hội còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Đội ngũ trí thức, nhất là trí thức khoa học công nghệ phải là lực lượng nòng cốt, tiên phong, kịp thích nghi, đổi mới, nắm bắt cơ hội để có những tham mưu đúng, kịp thời trên tất cả các lĩnh vực. Chức năng tập hợp, đoàn kết trí thức, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức cho sự phát triển của tỉnh Bình Phước cũng cần được đặt ra một cách nghiêm túc để thúc đẩy phát triển. Để làm được điều đó, những khó khăn của Liên hiệp hội cần sớm được “tháo gỡ”, vị thế của Liên hiệp hội cần được nâng cao.
Điều kiện “cần” để Liên hiệp hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo đúng tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 17-KH/TU, ngày 07/04/2021, là bản thân tổ chức này phải tiếp tục rà soát, đánh giá đúng, đầy đủ và nghiêm túc về các mặt hoạt động. Nhìn rõ những ưu điểm, hạn chế để khắc phục. Đưa hoạt động của Liên hiệp hội ngày càng gắn chặt với các hội thành viên, thành viên liên kết. Lấy đội ngũ trí thức khoa học công nghệ làm trung tâm của mọi hoạt động. Hoạt động của Liên hiệp hội phải gắn chặt với việc giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết của địa phương.
Năng lực tập hợp đoàn kết trí thức, tính năng động sáng tạo, hiểu việc của những người tham gia công tác hội, nhất là vai trò của người đứng đầu cần tiếp tục phát huy.
Công tác tập hợp, đoàn kết trí thức của Liên hiệp hội phải luôn đổi mới và đa dạng về phương thức, mở rộng về phạm vi, tạo môi trường thuận lợi để trí thức trực tiếp tham gia vào các hoạt động. Thông qua các hoạt động để đoàn kết, tập hợp trí thức. Thông qua công tác đoàn kết, tập hợp trí thức để hỗ trợ các hoạt động của Liên hiệp hội.
Điều kiện “đủ” để Liên hiệp hội Bình Phước phát triển, xứng tầm là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là cần sự đồng thuận trong quan điểm, nhận thức về vị thế, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này.
Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/4/2010 đã xác định: “Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến địa phương là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng”. Kế hoạch số 17-KH/TU ngày 07/04/2021 của Tỉnh ủy Bình Phước về thực hiện Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của LHH Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng khẳng định: Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, thường xuyên của Tỉnh uỷ, sự quản lý của Uỷ ban Nhân dân tỉnh đối với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh… Tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể về vai trò, vị trí của Liên hiệp hội. Tiếp tục kiện toàn cơ cấu, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện để Liên hiệp hội đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, giữ vững vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết trí thức.
Quan điểm, nhận thức trên đây cần được thống nhất trong cấp uỷ, chính quyền các cấp để tuyên truyền, định hướng và phối hợp trong các hoạt động của Liên hiệp hội. Từ đó, quan tâm đến việc tạo dựng vị thế của Liên hiệp hội thông qua công tác củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, xây dựng vị trí việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, định hướng các hoạt động…
Trong hai điều kiện “cần” và “đủ” nêu trên, nếu thiếu một trong hai, Liên hiệp hội sẽ không thể phát triển. Năng lực tập hợp, đoàn kết trí thức của Liên hiệp hội sẽ hạn chế, tiềm năng của đội ngũ trí thức sẽ không được phát huy.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội. Đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Tập hợp, đoàn kết trí thức là một trong những nhiệm vụ then chốt.
Thống nhất quan điểm, nhận thức để “tháo gỡ khó khăn” cho Liên hiệp hội bằng những điều kiện “cần” và “đủ” nêu trên là việc cần làm ngay để Liên hiệp hội Bình Phước tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Sự phát triển vững mạnh của Liên hiệp hội Bình Phước là yếu tố then chốt quyết định hiệu quả trong công tác tập hợp đoàn kết trí thức mà Đảng và Nhà nước đã trao nhiệm vụ cho tổ chức này.