2018 là một năm thành công của dệt may Việt Nam với mức tăng trưởng xuất khẩu đạt kỷ lục: tăng 5 tỉ đô la Mỹ, tương đương mức tăng 16%, đạt hơn 36 tỉ đô la Mỹ. Một trong những nhân tố tác động lên mức tăng đột biến nói trên đến từ quốc gia láng giềng Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc với tầm nhìn 2025 là sẽ phát triển các thương hiệu thực sự của Trung Quốc thay vì trở thành công xưởng của thế giới như trước đó. Các đơn hàng dệt may một phần dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam mang lại bộ mặt mới cho ngành dệt may nước ta, đặc biệt trong xuất khẩu.
Có thể bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang dần biết tận dụng những lợi thế các hiệp định tự do thương mại mang lại, đặc biệt là CPTPP và EVFTA. Ông Trường, với vai trò là tổng giám đốc Vinatex cho biết nhiều doanh nghiệp trong tập đoàn đã bắt tay liên kết, mua hàng của nhau trên cơ sở chia sẻ lợi ích, để chuẩn bị đáp ứng được quy tắc xuất xứ mới trong hiệp định. Đây cũng là động lực khiến các doanh nghiệp sợi, vải trong nước cải thiện đáng kể hiệu suất kinh doanh.
“Không đơn giản rằng khi Mỹ áp thuế cao cho Trung Quốc thì đương nhiên đơn hàng sẽ đổ về Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực có nền sản xuất dệt may” - ông Trường nhấn mạnh trong bài viết về ngành dệt may đăng trên tạp chí Dệt may & Thời trang của Hiệp hội dệt may Việt Nam.
Linh Anh