Đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước

Lê Hồng

11/05/2022 06:34

toa-dam-quy-ho-tro-sang-tao-1663284865.jpg
 

Chiều ngày 10/5/2022, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam Lê Xuân Thảo đã chủ trì buổi tọa đàm Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (giai đoạn 2020-2021).

Ông Lê Xuân Thảo chia sẻ thông tin tại buổi tọa đàm, hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc đã trải qua 30 năm (1989 - 2019) với 15 lần tổ chức (2 năm/1lần). Mục đích của hội thi là nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của quần chúng nhân dân, tạo ra bước phát triển mới về khoa học công nghệ và góp phần phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Trong những năm qua, hội thi nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố. Đặc biệt ngày 14/7/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg về tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong cả nước.

Hội thi sáng tạo kỹ thuật được tổ chức ở 2 cấp: cấp toàn quốc và cấp Bộ, ngành, địa phương. Sau 2 năm triển khai, Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021) đã nhận được 539 giải pháp từ các ban tổ chức Hội thi của 54 tỉnh, thành phố, bộ ngành trên phạm vi toàn quốc sơ tuyển. Ban tổ chức Hội thi toàn quốc đã quyết định trao giải thưởng cho 84 giải pháp.

Trong số 52 tỉnh, thành phố tham dự hội thi đã có 36 tỉnh, thành phố và Bộ Quốc phòng được trao giải. Đặc biệt, có 5 giải nhất được trao cho các giải pháp thuộc về tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ Quốc Phòng. Các giải pháp thuộc lĩnh vực vật liệu hóa chất năng lượng, công nghệ thông tin – điện tử, viễn thông, y dược, cơ khí - xây dựng - giao thông vận, nông lâm ngư nghiệp và tài nguyên môi trường.

Thực hiện Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tổ chức Hội thi, Ban Thư ký hội thi, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan đã khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2007/TT-BTC ngày 21/5/2007 “Hướng dẫn chế độ tài chính cho hoạt động Hội thi sáng tạo kỹ thuật” và đến năm 2018 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 27/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 "Quy định chế độ tài chính cho hoạt động Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, hội thi sáng tạo kỹ thuật và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng" thay cho Thông tư 52/2007/TT-BTC.

Triển khai Quyết định 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Ban tổ chức hội thi, đến nay hầu hết các tỉnh, thành phố và Bộ, ngành đã thành lập Ban tổ chức hội thi và đã triển khai rất tích cực. Nhìn lại 30 năm tổ chức hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, Phó Chủ tịch thường trực VIFOTEC nhận định, phong trào hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong cả nước ngày càng sâu rộng. Số lượng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố tổ chức hội thi ngày càng tăng lên. Số lượng các giải pháp kỹ thuật tham dự thi cũng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng tốt hơn. Đối tượng dự thi cũng ngày càng phong phú hơn, từ các nhà khoa học, các nhà kỹ thuật đến các thành phần nông dân, công nhân cũng có giải pháp dự thi và đạt được giải cao.

Từ năm 2006 đến nay số lượng giải pháp tăng đột biến là do tổ chức hội thi theo Quyết định 165 của Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức giải tại địa phương, bộ, ngành và chọn lựa để gửi tham dự hội thi toàn quốc. Hàng nghìn giải pháp ở cơ sở đã được gửi đến dự thi. Trong 30 năm qua đã có khoảng 7.000 giải pháp dự thi và gần 1.000 giải pháp được trao giải. Các giải pháp đoạt giải đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Đánh giá về những giải pháp dự thi và đạt giải, đại diện Ban tổ chức ghi nhận những nỗ lực của các tập thể và cá nhân đã đóng góp vào sự thành công của hội thi. Qua nhiều năm, chất lượng của các công trình, giải pháp khoa học kỹ thuật ngày càng tốt hơn. Đồng thời, ban tổ chức mong muốn các nhóm tác giả, tác giả đạt giải tiếp tục sáng tạo, cải tiến, hoàn thiện sản phẩm ứng dụng vào sản xuất, tạo ra sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020 - 2021) được diễn ra vào 20h ngày 11/05/2022 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội.

Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) là một Quỹ Liên bộ do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam bảo trợ và được thành lập theo Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Quyết định số 1215/TC-LHH ngày 17 tháng 11 năm 1992) nhằm mục đích:

 

Huy động mọi tiềm năng về chất xám, tiền vốn, dịch vụ kỹ thuật thuộc mọi thành phần kinh tế góp phần vào sự nghiệp đổi mới, chính sách mở cửa của Việt Nam làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Tạo điều kiện thuận lợi để các tài năng sáng tạo kỹ thuật có cơ hội tiếp cận với nền khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác vì hòa bình và phát triển: thúc đẩy việc đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Hỗ trợ các tài năng sáng tạo kỹ thuật trong việc phát huy sáng kiến, sáng chế và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Hỗ trợ về vật chất, tinh thần và các hình thức thích hợp khác cho các tài năng sáng tạo trong học tập, nghiên cứu, hoàn thiện các công trình sáng tạo và lao động, công tác gặp những hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.

 

 

 

 

Lê Hồng