Danh tiếng thương hiệu và hoạt động từ thiện

TS. Phùng Minh Tuấn – Đại học Tôn Đức Thắng

29/06/2021 11:50

Thương hiệu của một cá nhân có thể phân loại giá trị vô hình và giá trị hữu hình nhưng từ một góc nhìn khác, thương hiệu cá nhân có thể xem như là tài sản (asset) và chiều ngược lại là nợ (liability), là quyền lợi và trách nhiệm. Dưới góc nhìn này, tác giả chỉ ra rằng những nghệ sỹ nói chung và các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận dựa trên danh tiếng thương hiệu đều phải có quyền lợi và trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Bài viết này đề cập đến các khoản từ thiện mà những người nổi tiếng quyên góp thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo, một hiện tượng xã hội nổi bật trong thời gian vừa qua.

Những người nổi tiếng (celebrities) là những người có thu nhập từ cộng đồng và có ảnh hưởng đến cộng đồng của họ và nhờ những ảnh hưởng đó mà họ sử dụng nó trong các hoạt động bên ngoài lĩnh vực nghề nghiệp trong đó có hoạt động từ thiện, thiện nguyện.

Dưới góc độ khoa học tiếp thị (marketing), chúng ta có thể giải thích hành vi này dựa trên quan điểm thương hiệu (brand based).

Thương hiệu của một cá nhân có thể phân loại giá trị vô hình và giá trị hữu hình nhưng từ một góc nhìn khác, thương hiệu cá nhân có thể xem như là tài sản (asset) và chiều ngược lại là nợ (liability), là quyền lợi và trách nhiệm.

Dưới góc nhìn này, tác giả chỉ ra rằng những nghệ sỹ nói chung và các hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận dựa trên danh tiếng thương hiệu đều phải có quyền lợi và trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Trong trường hợp họ nhận được quyền lợi chính là tiền cát xê cao, sự ngưỡng mộ của công chúng, họ phải có trách nhiệm hoàn trả cho cộng đồng xã hội nhiều hoạt động cộng đồng trong đó hoạt động từ thiện, thiện nguyện là hoạt động thường xuyên.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng: việc tham gia hoạt động từ thiện, thiện nguyện của những cá nhân hoặc tổ chức hoạt động kinh doanh dựa trên danh tiếng thương hiệu và khách hàng là công chúng nói chung là trách nhiệm không phải là hoạt động tự nguyện, thích thì làm không thích thì không làm, đó là điều bắt buộc.

bill-gates-1624941628.jpeg

Tỷ phú Bill Gates, một trong những người giàu nhất thế giới đã lập ra quỹ từ thiện để hỗ trợ người dân các nước nghèo. Trong ảnh là một chuyến đi công tác tại châu Phi của ông vào tháng 8/2017. Ảnh: Time.

Trên thế giới, các hoạt động thiện nguyện của các nghệ sỹ hay doanh nhân trở thành chuyên nghiệp từ lâu, điển hình là sau khi rời khỏi tập đoàn Microsoft, ngài Bill Gates đã thành lập quỹ từ thiện với quy mô hàng tỷ đô la và có những hoạt động quy mô toàn cầu trải dài từ châu Phi đến châu Á.

Bên cạnh Bill Gates sử dụng tài sản cá nhân để đóng góp cho quỹ của mình, ông ta bằng uy tín thương hiệu của mình đã thu hút từ các doanh nhân khác cũng như cộng đồng những người nổi tiếng đóng góp những khoản ngân sách dồi dào.

Hoạt động của quỹ Gates foundation không những là quyền lợi mà là trách nhiệm, họ xem như là một tổ chức có sứ mệnh giải quyết các đại dich toàn cầu như AIDS, bất bình đẳng giới, vấn đề buôn bán trẻ em, sự biến đổi khí hậu…

Tại Việt Nam, các nghệ sỹ cũng như các doanh nhân cũng tham gia vào quá trình này và ngày càng chuyên nghiệp. Bên cạnh những hoạt động của các nhóm chuyên nghiệp, chúng ta có rất nhiều trường hợp riêng lẻ (thường là các nghệ sỹ) tham gia hoạt động từ thiện, thiện nguyện, nhưng do ý thức rằng họ đứng ra quyên góp (do khán giả yêu thương họ), mà họ quên nghĩa vụ phải hoàn thành một cách có hiệu quả và đáng tin cậy sự ủy thác mà khán giả đã kỳ vọng.

Để hoàn thành nghĩa vụ tốt, họ phải xây dựng tổ chức từ thiện, thiện nguyện một cách chuyên nghiệp, có tầm nhìn, sứ mạng, có hệ thống quản lý và triển khai một cách hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời đáp ứng kỳ vọng của công chúng.

Cho và nhận là hoạt động bình đẳng, “lời chào cao hơn mâm cổ”, là những gì mà chúng ta, các doanh nhân, các nghệ sỹ, những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sử dụng danh tiếng thương hiệu cần cân nhắc nhằm giúp cho hoạt động từ thiện, thiện nguyện ngày càng chuyên nghiệp, có chiều sâu và phát triển lâu dài cùng với sự phát triển của xã hội và nền kinh tế.

TS. Phùng Minh Tuấn – Đại học Tôn Đức Thắng