Đằng sau vụ việc Boho Décor thắng kiện CotecCons – khi nợ nần kéo lùi giấc mơ vĩ đại của ông ‘vua’ xây dựng

Tàng Long

29/07/2024 07:59

Mặc dù đã rời Coteccons và tạo dựng hệ sinh thái mới được hơn 4 năm nhưng những tranh chấp, mâu thuẫn giữa các công ty từng một thời gắn bó với ông Nguyễn Bá Dương chưa bao giờ hết nóng trên truyền thông.

Boho Décor thắng kiện Coteccons  -  Những thông tin chưa công bố

Công ty cổ phần xây dựng Coteccons vừa công bố thông tin bất thường về quyết định của Tòa án nhân dân TP.HCM liên quan tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán với Công ty TNHH Boho Decor (gọi tắt là Boho). Theo đó, Coteccons phải thanh toán gần 22 tỉ đồng cho doanh nghiệp này.

boho-decor-17216240153101952416252-1721981002.jpg

Theo Cục thi hành án Dân sự TP.HCM số tiền Coteccons sẽ phải thanh toán cho Boho Décor là hơn 27 tỷ đồng

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Coteccons cho biết sẽ chấp hành quyết định trên nhưng bình luận thêm rằng: "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để giải quyết nếu các giao dịch phát sinh có chứng từ đầy đủ. Đây chính là cách để Coteccons thể hiện sự minh bạch và cam kết bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư và đối tác".

Câu hỏi đặt ra là “các giao dịch phát sinh có chứng từ đầy đủ” theo Coteccons là như thế nào?

Bởi lẽ theo thông cáo từ chính họ thì từ tháng 4 năm 2023 Boho gửi văn bản yêu cầu Coteccons thanh toán liên quan liên quan đến các giao dịch giữa hai bên thì Coteccons không thanh toán vì (i) Những hồ sơ gửi kèm yêu cầu thanh toán của Boho không đủ cơ sở pháp lý và không thể xác định được số tiền cần thanh toán, (ii) các Hợp đồng được ký là giao dịch với các bên liên quan nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán, (iii) Ủy Ban Chứng Khoán đã có quyết định xử phạt vi phạm đối với những loại giao dịch với các bên liên quan diễn ra trong thời gian nêu trên. 

Tuy nhiên khi Boho quyết định khởi kiện tại Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM  thì Hội đồng Trọng tài lập Phán Quyết Trọng Tài xác định Coteccons phải thanh toán cho Boho. Thậm chí, sau đó Coteccons nộp Đơn tại Tòa án nhân dân TP.HCM yêu cầu hủy Phán Quyết Trọng Tài thì Tòa án nhân dân TP.HCM vẫn bác yêu cầu của CotecCons và yêu cầu thực hiện theo Phán Quyết Trọng Tài.

Như vậy có nghĩa là những hồ sơ của Boho Décor hợp lệ, đầy đủ thì mới được xử thắng kiện.  Rõ ràng, trong trường hợp này, việc Boho Décor chọn con đường khởi kiện ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật như CotecCons đề cập là lựa chọn chính đáng.

Luôn đề cao tính minh bạch và chủ động đưa ra thông tin trước (chứ không phải từ “bên thắng cuộc” là  Boho Décor) nhưng có vẻ như thông tin được Coteccons phát đi vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo thông cáo thì Coteccons phải thanh toán cho Boho Décor khoản tiền nợ gốc gần 22 tỷ đồng cùng các loại phí khác, thay vì khoảng  44 tỷ đồng theo yêu cầu của Boho Décor.

Theo văn bản từ Cục thi hành án Dân sự TP.HCM mà chúng tôi có được thì số tiền Coteccons sẽ phải thanh toán cho Boho Décor là hơn 27 tỷ đồng.

Cụ thể này 26/6, Cục thi hành án Dân sự TP.HCM đã có quyết định cho thi hành án đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons. Theo đó, Cục thi hành án Dân sự TP.HCM buộc Coteccons thanh toán cho Công ty TNHH Boho Decor (Boho) khoản tiền nợ gốc của các hợp đồng số 001, 067, 446, 0050 và 007 là hơn 21,54 tỷ đồng; khoản tiền chờ phê duyệt quyết toán vốn dự án theo hợp đồng số 001 là hơn 447,7 triệu đồng.

Coteccons cũng phải thanh toán cho Boho khoản tiền phạt vi phạm của các hợp đồng là 881 triệu đồng; khoản tiền lãi chậm trả của các hợp đồng là 3,5 tỷ đồng; phí trọng tài là 685,6 triệu đồng; phí luật sư là 300 triệu đồng.

Ngoài ra, theo nguồn tin đáng tin cậy, số tiền 22 tỷ còn lại (trong khoảng 44 tỷ đồng nợ) vẫn đang được Boho Décor theo đuổi trong các vụ kiện trọng tài tiếp theo.

‘Của Cesar phải trả lại cho Cesar’?

Không chỉ có Boho Décor, theo nguồn tin trên, các tranh chấp khác của những nhà thầu phụ khác trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương với CotecCons đều đang chờ các chủ tục tố tụng tiếp theo dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật. “Của Cesar phải trả lại cho Cesar”, đó là điều đương nhiên”, một vị lãnh đạo cấp cao của công ty Ricons nói và xin không bình luận thêm về các thông tin tiếp theo.

Thực tế cho thấy, trước khi có tranh chấp với Boho Décor, CoteCcons cũng phát sinh tranh chấp với các công ty khác trong hệ sinh thái của ông Dương như Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C và Boho Décor.

Năm ngoái, Công ty Đầu tư xây dựng Ricons đã gửi đơn tới Tòa án nhân dân TP.HCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons, tuy nhiên tòa án đã bác đơn yêu cầu này. Đến nay, mâu thuẫn giữa Coteccons và Ricons vẫn chưa được giải quyết. Theo Báo cáo tài chính tính đến thời điểm 31/3/2024, Ricons vẫn ghi nhận khoản phải thu với Coteccons trị giá 322,5 tỷ đồng.

ctv-vs-ricon-1721980966.png

Công ty Đầu tư xây dựng Ricons từng gửi đơn tới Tòa án nhân dân TP.HCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons vì nợ hơn 300 tỷ đồng

Rõ ràng với  "sức khỏe" tài chính đang vô cùng tốt như tổng tài sản hơn 20.000 tỷ, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỉ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỉ đồng với hệ số thanh toán ở mức tốt nhất ngành xây dựng, thì việc kiện Coteccons lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản là một hành động không mấy khôn ngoan của Ricons.

Tuy nhiên, có lẽ vụ việc Boho Décor thắng kiện sẽ là một tiền lệ cho các công ty khác trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương áp dụng trong thời gian sắp tới.

Theo luật sư Nguyễn Đăng Tư, đoàn luật sư TPHCM trong những cuộc tranh chấp hợp đồng, khi hai bên không thể đàm phán hay thương lượng thì kiện ra toà là một giải pháp hợp lý cho tất cả các bên. Bởi lẽ, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm như: thời gian giải quyết nhanh hơn, thủ tục gọn hơn (chỉ xử 1 lần thay vì xử nhiều cấp: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm). Các bên tranh chấp có thể trực tiếp chọn trọng tài viên và chọn địa điểm giải quyết tranh chấp (trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam). Hơn nữa, phán quyết của trọng tài có hiệu lực thi hành ngay.

Quay lại vụ việc công nợ của Ricons, trong một bài viết trên trang Vnexpress, Coteccons từng giải thích “do chưa được chủ đầu tư dự án trả tiền và hợp đồng đã ký giữa đôi bên có điều khoản quy định rõ, chỉ khi Coteccons nhận khoản thanh toán từ chủ đầu tư, mới chi trả cho các nhà thầu phụ”.

Trong khi đó, văn bản hồi năm ngoái khi gửi đến tòa án, đại diện Ricons cho biết một số dự án CoteCcons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ với Ricons phần lớn đều đã được các chủ đầu tư thanh toán cho CotecCons, thế nhưng họ lại không thanh toán lại cho bên thầu phụ Ricons theo hợp đồng đã ký giữa hai bên.

Theo tìm hiểu một số dự án mà Ricon tham gia làm thầu phụ và chưa được CotecCons thanh toán như: dự án Newtaco, Dự án Regina, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco. Ở góc độ khác, báo cáo tài chính mới đây của Coteccons cho thấy, những  cái tên như Regina, Newtaco đều không nằm trong khoản phải thu của doanh nghiệp này.

Nợ nần đang kéo lùi giấc mơ vĩ đại của ông ‘vua’ xây dựng?

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Coteccons tổ chức ngày 17/10/2023, liên quan đến khoản nợ với Ricons, Ban Kiểm soát Coteccons đề nghị Ban Tổng giám đốc cần rà soát lại những khối lượng công việc mà các nhà thầu đang yêu cầu trả tiền và có hướng giải quyết dứt điểm để không ảnh hưởng đến danh tiếng của Công ty.

 “Vấn đề công nợ từ thời trước cũng khiến CotecCons dành thời gian để giải tỏa các quan ngại của cổ đông và các khách hàng nước ngoài, ảnh hưởng đến thương hiệu và một số quan ngại từ khách hàng về tính ổn định của công ty sau ba năm tái cấu trúc cho dù doanh nghiệp này đang có sức khỏe tài chính tốt. Thay vì tập trung 100% thời gian để xây dựng công ty hướng về phía trước, những việc còn tồn đọng thế này có kéo chúng tôi về phía sau một chút, đặc biệt công tác đấu thầu", lãnh đạo Coteccons trả lời trên tờ Tuổi trẻ Online sau vụ kiện của Boho Décor.

Có lẽ như chính thừa nhận của lãnh đạo Coteccons, với những mâu thuẫn chưa giải quyết, cùng khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ với các nhà thầu phụ, nếu không được ban lãnh đạo CotecCons giải quyết sớm thì không chỉ là ảnh hưởng đến thương hiệu mà còn tác động đến tính ổn định và có thể kéo lùi ‘ông trùm’ ngành xây dựng trở lại phía sau.

coteccons-van-con-no-ricons-hon-300-ty-dong-1721981001.png

 

Trong cuộc họp với các nhà cung cấp mới đây, lãnh đạo Coteccons nhấn mạnh thông điệp rằng: Coteccons không chỉ hoạt động kinh doanh để kiếm lời mà là những người tiên phong, đảm nhận trách nhiệm phát triển ngành, trở thành người dẫn đầu trong ngành xây dựng. Coteccons có một giấc mơ vĩ đại và rất cần sự đồng hành từ các đối tác,nhà thầu phụ.

Và có lẽ hơn lúc nào hết, các nhà thầu phụ đang muốn nhìn thấy Coteccons - với phẩm chất là một ông lớn đầu ngành xây dựng, thể hiện những cam kết về việc đồng hành với các đối tác của mình bằng bằng những hành động cụ thể.

Tàng Long