Đại diện của Vin Group, Sun Group đã có những đề xuất gì với Chính phủ để du lịch trong nước khởi sắc trở lại?

Hồng Vũ

15/11/2023 10:39

Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”. Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: VHTT&DL; LĐTB&XH; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; NN&PTNT; Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Vin Group cho biết, năm 2023, thế giới đối diện với nhiều bất ổn. Du lịch Việt Nam cũng thế! Thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú chưa đủ để Việt Nam trở thành điểm "phải đến" của du khách quốc tế trong khi các đối thủ liên tục đổi mới và sáng tạo.

Đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đó chính là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch sáng tạo, độc đáo, có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm, thậm chí trở thành điểm "phải đến" tại châu Á.

img6413-17000153844291280224433-1700019194.jpeg
Đại diện Tập đoàn Vingroup: Cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC). Ảnh: VGP.

Theo đại diện của Vin Group, để du lịch Việt Nam thực sự khởi sắc, nỗ lực đơn lẻ của các doanh nghiệp là chưa đủ và cần sự chung tay của cả cộng đồng. Qua đó, Vin Group đề xuất 5 giải pháp.

Thứ nhất, cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn theo chiến lược phát triển du lịch quốc gia.

Thứ hai, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch hành động du lịch xanh – bền vững quốc gia và hành động để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu của Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) cho các cơ sở du lịch, khách sạn... Đây là một trong những chỉ số được du khách từ các nước phát triển đặt biệt đánh giá cao trong việc lựa chọn điểm đến.

Thứ ba, cần nâng cao tỉ lệ số hóa, tự động hóa ở các cảng hàng không nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và thoải mái cho du khách trong thủ tục xuất nhập cảnh.

Thứ tư, xã hội hóa nguồn vốn cho các quỹ đầu tư phát triển du lịch với các dự án trọng điểm tập trung theo chiến lược điểm đến của các địa phương du lịch lớn của quốc gia.

Thứ năm, cần có chính sách liên quan đến thuế để gia tăng sức mạnh cạnh tranh của dịch vụ ngành du lịch.

“Chúng tôi tin rằng với những chủ trương và quyết sách đúng đắn của Chính phủ, các bộ ban ngành, địa phương cùng nỗ lực của doanh nghiệp, người dân - du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt phá mạnh mẽ, lấy lại được vị thế và sức cạnh tranh bền vững trên bản đồ "điểm đến" của thế giới”, đại diện của Vin Group cho hay.

Còn bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Giám đốc đối ngoại tập đoàn Sun Group đề xuất một số kiến nghị:

Thứ nhất, về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ra quốc tế, Bộ VHTT&DL và Bộ Ngoại giao, cơ quan truyền thông đẩy mạnh quảng bá du lịch thông qua các hội nghị xúc tiến tới những thị trường trọng điểm. Bộ VHTT&DL cần ưu tiên ngân sách cho công tác này. Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hàng không tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt nam tại thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Bắc Mỹ,…Theo Sun Group, ngân sách quảng báo du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

img6421-17000153853301426790167-1700019194.jpeg
Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Giám đốc đối ngoại tập đoàn Sun Group nêu đề xuất, kiến nghị tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

Thứ hai, về tăng cường hợp tác hàng không, đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL thúc đẩy công tác mở rộng thị trường, hợp tác với các quốc gia, các hãng hàng không, mở thêm đường bay, đặc biệt ở các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia… Đồng thời, mở lại các đường bay thẳng, đón dòng khách từ Nga và các quốc gia Đông Âu.

Thứ ba, đề xuất Chính phủ mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu cho du lịch lớn và thời gian lưu trú dài hạn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại thuộc EU và một số nước khu vực Trung Đông như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Saudi Arabia, Kuwait…

Cuối cùng, về bất động sản nghỉ dưỡng đối với người nước ngoài, theo quy định hiện hành, người nước ngoài chỉ được mua nhà ở, chưa được mua các hình thức khác như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong khi nhu cầu thực tế là có.

Trong khi các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan,… loại hình này đang phát triển khá mạnh mẽ, thu hút nguồn đầu tư khá ổn định. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản sẽ góp phần thu hút lượng khách lớn tới Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, giải trí.

Từ đó, du khách quốc tế sẽ có thời gian lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn, quay trở lại nhiều lần và mở ra những cơ hội đầu tư lớn. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng mua bất động sản nghỉ dưỡng là người nước ngoài sẽ thu hút lượng ngoại tệ lớn; góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thân thiện, yên bình, đáng sống ra thế giới.

Vì vậy, Sun Group cần xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài và bất động sản nghỉ dưỡng, giúp tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Khi xây dựng cơ chế, chính sách, cần lưu ý cụ thể từ khâu điều kiện mua, quy định thanh toán, loại hình kinh doanh, chuyển lợi nhuận…

 

Hồng Vũ