Bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê), cựu giám đốc điều hành Facebook Việt Nam sẽ trở thành CEO mới của Go-Việt, thông tin từ thông cáo báo chí của Go-Việt phát đi ngày 22.4.2019.
Sau khi thất bại với các kế hoạch đặt ra trong năm 2018, Go-Việt, thành viên của Go-Jek, hãng gọi xe đến từ Indonesia liên tục thay đổi nhân sự điều hành tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây.
Trên LinkedIn, bà Trang từng có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam trong đó có thương mại điện tử, tiêu dùng, dịch vụ, tài chính, công nghệ và viễn thông.
Bà Trang có dấu ấn trong cộng đồng startup Việt Nam và thế giới. Năm 2015, Misfit, một startup về sản xuất các thiết bị đeo tay thông minh do bà Trang và chồng là ông Sonny Vũ thành lập, được tập đoàn Fossil mua lại với giá 260 triệu USD. Trước đó, bà Trang cũng từng là tư vấn viên tại công ty tư vấn McKinsey và đảm trách mảng ngân hàng đầu tư tại HSBC.
Đại diện Go-Việt chia sẻ trong thông cáo báo chí, “việc bổ nhiệm này là một phần trong mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành qua đó mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và đối tác của Go-Việt. Điều này cũng minh chứng cho tầm quan trọng của thị trường Việt Nam với Go-Jek, khi Việt Nam chính là thị trường đầu tư đầu tiên của Go-Jek tại Đông Nam Á.
“Với kinh nghiệm và những thành công trong lĩnh vực kinh doanh, Christy Lê là lựa chọn lý tưởng để giúp Go-Việt duy trì mức tăng trưởng ấn tượng hiện có” ông Andrew Lee, giám đốc phát triển thị trường quốc tế của Go-Jek cho biết. “Christy Lê có sự kết hợp hoàn hảo giữa kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực công nghệ, hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt và mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam. Chính vì thế, Christy Lê sẽ là một mảnh ghép tuyệt vời cho đội ngũ Go-Việt, và chúng tôi vô cùng phấn khởi khi được chào đón cô ở vị trí mới”.
Cuối tháng 3. 2019, ông Nguyễn Vũ Đức và bà Nguyễn Bảo Linh cũng rời vị trí CEO và tổng giám đốc phụ trách phát triển của Go-Viet. Trước đó, Hùng Võ, người từng được biết đến với việc giúp Biti’s có cú lội ngược dòng trong thị trường giày dép Việt Nam, cũng rời vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách tiếp thị tại Go-Việt.
Thị trường gọi xe của Việt Nam dẫn dắt bởi các công ty nước ngoài, có nguồn gọi vốn cao như Grab, Go-Việt. Với lợi thế về quy mô và thời gian hoạt động tại Việt Nam, Grab đã phát triển các dịch vụ vượt qua khỏi dịch vụ gọi xe, logistics và tiến dần tới dịch vụ tài chính mà đặc biệt là thanh toán điện tử.
Trong khi đó, vào thị trường từ tháng 9.2018, tính đến thời điểm hiện tại, Go-Việt vẫn chỉ mới dừng lại ở dịch vụ đặt xe máy trực tuyến, giao hàng hộ và đặt thức ăn. Ngày mới vào Việt Nam, công ty này đặt mục tiêu đến cuối năm 2018 triển khai dịch vụ gọi xe bốn bánh (Go-Car) và điện tử (Go-Pay).
Ứng dụng gọi xe trực tuyến Go-Jek ra mắt tại Indonesia vào năm 2015 và hiện là một trong những startup kì lân của Đông Nam Á. Tính tới thời điểm hiện tại, công ty nghiên cứu thị trường CB Insights định giá Go-Jek ở mức 10 tỉ USD, và Grab ở mức 14 tỉ USD.