Covid-19 đã tàn phá chúng tôi – các chuỗi F&B tại TP.HCM, như thế nào?

Mai Trường Giang (Founder Chewy Chewy Việt Nam và Otoké Chicken )

18/09/2021 09:34

Ông bà nói “trong cái khó hay ló cái khôn”, đó là khi con người ta còn đủ tự tin, đủ tỉnh táo để tư duy tìm giải pháp để khắc phục cái khó. Còn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như bây giờ, tất cả chủ doanh nghiệp hầu như bị động. Họ hoàn toàn bị động do không thể đoán định hoặc hiểu đúng được các chính sách mở hay đóng, mà chính quyền đã thực thi trong thời gian qua.

Kể từ khi đại dịch Covid tấn công vào cuộc sống của chúng ta đầu năm 2020 đã làm thay đổi thói quen sống và sinh hoạt của mọi người, từ gia đình lớn tuổi cho tới người trẻ.

Thực tế là đa số tầng lớp giàu có sẽ giàu lên, còn tầng lớp nghèo sẽ nghèo đi vài lần thậm chí nhiều hộ gia đình sẽ rơi vào cảnh đói do thất nghiệp nhiều tháng vì giãn cách xã hội và chi phí sinh hoạt, ăn uống mọi thứ đều tăng. Chính phủ có thể thất thu và khả năng sẽ thâm hụt ngân sách, nên sẽ tiếp tục in tiền để bơm vào thị trường, khiến đồng Việt Nam bị mất giá thêm do lạm phát.

Bức tranh kinh tế sẽ bi quan trong giai đoạn sắp tới ít nhất là trong 1 năm nữa kể từ khi chúng ta có thể miễn dịch cộng đồng và sống cùng Covid như một loại virus cảm cúm…

Sức mua vì đó sẽ giảm nhiều, người tiêu dùng sẽ tiết kiệm hơn, ăn uống ngoài sẽ giảm hẳn vì họ sẽ phải mua đồ về nhà nấu, ít đi ăn ngoài, tụ tập nhậu nhẹt hay cà phê la cà như trước nữa…

Hàng quán như những mô hình như nhậu vỉa hè, đường phố giá rẻ chắc cũng sẽ còn tồn tại nhưng số lượng sẽ giảm hẳn đi vì sức mua kém.

mtg-1631892163.jpgNhiều hàng quán tại TP.HCM đã quyết định rời thị trường F&B trong suốt đại dịch vừa qua.

Các quán ăn gia đình sẽ sống sót qua mùa dịch và sau dịch, vì họ lấy công làm lời, lấy nhà làm điểm bán, chi phí hầu như rất nhỏ nên việc mua bán khôi phục lại sau đại dịch hoàn toàn khả thi cho nhóm đó.

Các hệ thống chuỗi có thương hiệu thì sẽ gặp khó khăn, vì chi phí leo thang, ví dụ như tiền thuê mặt bằng. Chủ nhà có thể chỉ hỗ trợ giảm thêm 20-30% cho 1-2 tháng nữa, chứ khó mà giảm được lâu hơn, khi họ cũng có những áp lực phải chi các thứ, ví dụ: lo chi tiêu cho gia đình hay phải trả lãi ngân hàng - nếu nhà đó đang dùng để thế chấp.

Về nhân sự trong ngành: những ai làm lâu năm, kinh nghiệm đều có thể còn giữ được công việc và được các công ty trợ cấp một phần lương để sống qua mùa dịch. Ngược lại, nhân sự làm cho các công ty nhỏ, hầu hết đều đã được cho nghỉ việc từ khi thành phố kéo dài giãn cách và mọi người không đoán được khi nào mới ngưng.

Các bạn làm part-time thì lại càng khó, do hầu như là lao động phổ thông hay sinh viên bán thời gian. Lực lượng này hầu như đã phải về quê tránh dịch, nên nếu doanh nghiệp có mở cửa lúc này thì họ cũng chưa có sẵn sàng quay lại để đi làm…Tình trạng này xảy ra cho cả chuỗi nhà hàng lẫn những mô hình kinh doanh quán có danh tiếng lâu năm, cả hai đều rất khó kiếm được nhân viên phổ thông.

Và còn rất nhiều những khó khăn khác…

Trọng tâm chính bài này là Thay Đổi Mô Hình kinh Doanh như thế nào để cho phù hợp?

Tôi chưa bao giờ phải trải qua một giai đoạn khó khăn khủng khiếp, hay gọi là khủng hoảng trầm trọng về mô hình kinh doanh chuỗi F&B như bây giờ. Mọi thứ đều khó, tất cả đều khó!

Ông bà nói “trong cái khó hay ló cái khôn”, đó là khi con người ta còn đủ tự tin, đủ tỉnh táo để tư duy tìm giải pháp để khắc phục cái khó; còn trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như bây giờ, tất cả chủ doanh nghiệp hầu như bị động. Họ hoàn toàn bị động do không thể đoán định hoặc hiểu đúng được các chính sách mở hay đóng, mà chính quyền đã thực thi trong thời gian qua.

Đặc biệt, đã có quá nhiều sự thay đổi trong chớp mắt và liên tục từ chính sách về kinh tế của Nhà nước trong suốt nửa năm qua.

Khi bạn bất lực, thì bạn sẽ làm gì?

Một là bạn hiểu chuyện, bạn sẽ buông xuôi. Bỏ hết, không cố gắng nữa, nghĩ ngơi, giữ gìn sức khỏe - tinh thần để chờ ngày quay lại, mong chờ một cơ hội mới.

Hai là bạn sẽ chiến đấu, chiến đấu tới cùng vì bỏ đi có thể là bỏ cuộc, là chấm dứt…. Một vài trường hợp bạn bè mình đã chiến đấu như vậy…; và họ được gọi là những chiến binh.

Một ngày bạn ngủ dậy, mới mở mắt ra đã phải tính nhẩm xem cả hệ thống nhà hàng của bạn đang bị tê liệt – không thể hoạt động, nhưng những chi phí như điện nước, mặt bằng, nhân viên full time…đều đang phát sinh là bao nhiêu. Tuy nhiên, sau đó bạn bất lực nhìn! Hiện giờ, tôi dám chắc là nhiều nhà hàng của chúng tôi đã bị những chú chuột tấn công một cách man rợ hay không?!

Sau khi hết giãn cách, thì bao nhiêu cái gọi là chi phí “nợ” kia sẽ quay lại, rồi các ông chủ bà chủ lại phải cày để mà kiếm lợi nhuận lại để trả “nợ” vô tình tự nhiên xảy ra kia. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục với những cuộc vật lộn mới, với cái gọi là ‘bình thường mới’!

Mai Trường Giang (Founder Chewy Chewy Việt Nam và Otoké Chicken )