Giỏi ngoại ngữ: Yếu tố cần nhưng… chưa đủ
Trở lại câu chuyện trước đây, sau trận mưa lịch sử ngày 29/06/2016, lãnh đạo Uber Việt Nam nhanh tay chớp lấy cơ hội tạo “Trend” (xu hướng) cho thông điệp truyền thông của hãng với nội dung “Sài Gòn thất thủ nhưng Uber không thất thủ” – Đó là nội dung “ngớ ngẩn” và “ngốc nghếch” khi không tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương. Ngay sau đó, Uber bị xử phạt rất nặng về hành vi nêu trên. Đồng thời, Bộ tài chính cũng đã tiến hành thanh tra toàn diện về Thuế tại doanh nghiệp này. Uber đã “chật vật” trước khủng hoảng truyền thông và rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam không lâu sau đó…
Một doanh nghiệp đa quốc gia khác cũng “ngớ ngẩn” không kém Uber. Vào dịp AFF Cup 2018, Coca-Cola Việt Nam tung bộ sưu tập lon nước ngọt phiên bản đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong quảng cáo, nhãn hàng tiếp tục đưa hình ảnh những "chàng trai vàng" lồng ghép trong thông điệp "Mở lon Việt Nam" – Một cụm từ tối nghĩa trong tiếng Việt. Những người dân yêu nước Việt chắc chắn không muốn chữ “Lon” đứng trước quốc gia thân yêu (Việt Nam). Chính quảng cáo tối nghĩa này đã “động chạm” đến lòng tự tôn dân tộc Việt. Coca Cola đã bị Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) tuýt còi và xử phạt.
Gần đây nhất, một thương hiệu đa quốc gia đình đám cũng đã bị cư dân mạng “tẩy chay” nghiêm trọng. Ngày 6/5 vừa qua, McDonald's Việt Nam hứng "bão gạch đá" từ dư luận khi được cho là có chiến dịch quảng cáo không hợp lý, ăn theo một câu chuyện thương tâm liên quan đến việc game thủ có nickname Mèo Béo (21 tuổi, ở Trung Quốc) qua đời. Được biết McDonald's là thương hiệu đồ ăn nhanh, có nguồn gốc từ Mỹ. Hiện nay, đã có mặt tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam với các món ăn chủ đạo là burger, gà rán.. Mẫu quảng cáo tạo xu hướng của McDonald's Việt Nam được cho là vi phạm đạo đức, trái thuần phong mỹ tục người Việt là không đem nổi đau của người khác “cợt đùa” tạo lợi ích riêng cho mình…
Được biết, những doanh nghiệp đa quốc gia nêu trên khi đăng mẫu tuyển dụng trên các trang tuyển dụng trực tuyến các vị trí lãnh đạo Marketing, Copywriter đều yêu cầu giỏi ngoại ngữ hoặc mẫu tin tuyển dụng bằng tiếng nước ngoài. Điều này đúng, không sai. Nhưng, không hẳn đúng hoàn toàn khi mà khách hàng trọng tâm và đối tượng phục vụ là… người Việt Nam.
Content Marketing: Tổng hoà kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm sống
Thiết nghĩ, những sai lầm của các Tập đoàn đa quốc gia nêu trên không phải là do họ chủ ý dùng “chiêu trò” tạo hiệu ứng truyền thông. Đó là những “sai lầm ngớ ngẩn” dẫn đến khủng hoảng truyền thông cho thương hiệu Tập đoàn. Họ cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Họ cần phải hiểu mình đang phục vụ cho đối tượng nào (người Việt hay người nước ngoài) trong lãnh thổ Việt Nam? Tâm lý tiêu dùng của người dân bản địa ra sao? Văn hóa, lịch sử, truyền thống và pháp luật tại địa phương như thế nào? Để định hướng truyền thông một cách rõ ràng và phù hợp nhất.
Khi xét về mặt kiến thức và giỏi ngoại ngữ trong hoạt động tuyển dụng của các Tập đoàn đa quốc gia là yếu tố cần thiết. Nhưng, chưa đủ. Ngoài kiến thức chuyên môn, người sáng tạo nội dung hay lãnh đạo bộ phận Marketing tại Doanh nghiệp/Tập đoàn cần trang bị cho mình những trải nghiệm nhất định về nghề Marketing, Content Creative (sáng tạo nội dung) hay Copy-Writer. Kinh nghiệm sống phong phú là rất cần thiết, bên cạnh sự am tường nhất định về phát luật, lịch sử, văn hóa, truyền thống địa phương – nơi mà các Tập đoàn này đặt trụ sở và kinh doanh.
Khách hàng mục tiêu của các Tập đoàn nêu trên là người Việt. Nếu không am tường và gìn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ Việt thì chắc chắn họ sẽ không thành công trong quá trình chinh phục trái tim khách hàng Việt. Nguyên tắc của Content Marketing phải dựa vào 05 yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất: Tôn trọng nước Việt, người Việt và ngôn ngữ Việt.
Thứ hai: Tôn trọng tuyệt đối luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực quảng cáo, tiếp thị.
Thứ Ba: Đề cao các giá trị nhân văn, truyền thống và lịch sử địa phương.
Thứ tư: Quảng cáo, truyền thông thương hiệu hay sản phẩm một cách tế nhị, kín đáo và không gây sốc hay đưa ra thông điệp cường điệu hóa sản phẩm.
Thứ năm: Thấu hiểu tâm lý tiêu dùng người Việt, sáng tạo và chú trọng đưa ra “giải pháp” hơn là dùng chiêu trò, hình ảnh, thủ thuật không phù hợp nhằm kích cầu tiêu dùng.
Trong sự nghiệp, Tôi đã từng “sa thải” một nhân viên thuộc cấp là du học sinh mặc dù chuyên môn bạn ấy rất tốt, nhưng một tờ trình bằng... tiếng Việt mà bạn không biết làm như thế nào và sai lỗi chính tả đến 80%. Khách hàng là người Việt hãy tôn trọng họ bằng cách sử dụng tiếng Việt một cách “trong sáng” và phù hợp thuần phong mỹ tục người Việt. Giỏi ngoại ngữ là rất tốt và rất cần thiết nhưng không là tất cả khi phục vụ khách hàng mục tiêu là người Việt…