Con trai Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ thoái sạch vốn tại VIB, thu về gần 2.600 tỷ đồng

Phạm Đức

10/08/2023 16:38

Ông Đặng Quang Tuấn, con trai Chủ tịch Ngân hàng VIB Đặng Khắc Vỹ, đã bán hết hơn 124,7 triệu cổ phiếu VIB đang sở hữu, hoàn thành 100% lượng đăng ký.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố thông tin giao dịch cổ phiếu liên quan đến cổ đông nội bộ.

Theo đó, ông Đặng Quang Tuấn, con trai ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT ngân hàng đã bán thành công 124,7 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,916%. Giao dịch được thực hiện từ ngày 21/7/2023 đến ngày 9/8/2023 theo phương thức thỏa thuận.

Sau giao dịch, ông Tuấn không còn nắm giữ cổ phiếu nào của VIB trong khi Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ vẫn sở hữu gần 125,6 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 4,949% vốn điều lệ ngân hàng.

Kết thúc phiên giao dịch 10/8, giá cổ phiếu VIB dừng ở mức 20.650 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, số cổ phiếu mà ông Đặng Quang Tuấn bán ra có giá trị gần 2.600 tỷ đồng.

11-1691660074.jpeg
Ông Đặng Quang Tuấn đã bán thành công 124,7 triệu cổ phiếu VIB. Sau giao dịch, ông Tuấn không còn nắm giữ cổ phiếu nào của VIB. (Ảnh minh hoạ)

Trước đó hồi tháng 7, con trai ông Đặng Khắc Vỹ đã đăng ký bán toàn bộ hơn 124,7 triệu cổ phiếu VIB sở hữu trong thời gian 21/7 - 21/8. Trong cùng thời gian này, Công ty CP Funderra, tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ, đã đăng ký mua 124,7 triệu cổ phiếu VIB để đầu tư. Tại thời điểm đăng ký mua này, Funderra không sở hữu bất kỳ cổ phiếu VIB nào.

Ở một diễn biến khác, mới đây, VIB đã phát hành 421,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn phát hành từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán của Ngân hàng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ mức 21.077 tỷ đồng lên 25.292 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt 10.293 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm gần 85% với 8.705 tỷ đồng, đạt mức tăng ấn tượng 20,6%. Lãi thuần từ dịch vụ giảm 9,6% còn 1.404 tỷ đồng, chủ yếu do giảm doanh thu từ mảng bảo hiểm. Kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoản đầu tư có sự cải thiện, ghi nhận mức lỗ ít hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động khác tăng gần 38% lên 215 tỷ đồng.

Tính tới cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay khách hàng của VIB chỉ tăng nhẹ hơn 1,17%. Nợ xấu nhóm 5 (nợ mất vốn) giảm mạnh 24,4% song nợ xấu nhóm 3, nhóm 4 đều tăng gấp đôi. Tỷ lệ nợ xấu của VIB tính đến 30/6/2023 là 3,6%, tăng so với mức 2,45% cuối năm ngoái. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn.

Chính vì nợ xấu tăng nên VIB đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Trong 6 tháng đầu năm,  lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng của VIB tăng 24% đạt 7.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong kỳ, ngân hàng tăng gấp đôi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 1.528 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế 6 tháng giảm còn  5.642 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của VIB đạt 378.662 tỷ đồng, tăng 10,4%, tiền gửi khách hàng đạt 205.302 tỷ đồng, tăng 2,58%.

Phạm Đức