Coca Cola đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngay trong ngày nộp hồ sơ đăng ký đầu tư vào ngày 14/01/2022.
Đây cũng là dự án nhà máy thứ 4 của Coca Cola sau gần 28 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án lẽ ra được triển khai từ năm 2020 nhưng vì dịch bệnh nên đã lùi đến năm nay. Thông tin ban đầu của dự án được công bố tại buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hồi năm 2018 (khi đó là Thủ tướng) và Chủ tịch Tập đoàn Coca Cola Calin Dragan.
Ngoài ra, Coca Cola cũng đang tìm kiếm mặt bằng tại Hà Nội để xây dựng nhà máy tiếp theo với tổng vốn lên đến 300 triệu USD. Được biết nhà máy mới sẽ không chỉ sản xuất các sản phẩm truyền thống mà còn các sản phẩm bổ dưỡng, sử dụng nguyên liệu địa phương, tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Coca-Cola bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1994. Kể từ khoản đầu tư ban đầu là 163 triệu USD, sau đó nâng lên 200 triệu USD, thời gian qua, Coca-Cola đã không ngừng tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Giai đoạn 2012-2012, Coca-Cola đầu tư tiếp 200 triệu USD. Sau đó, giai đoạn 2013-2015, Coca-Cola dốc thêm 300 triệu USD vào Việt Nam. Thêm 285 triệu USD nữa được Coca-Cola đầu tư trong giai đoạn gần đây.
Tính đến năm 2017, tổng vốn đầu tư của Cola Cola đổ vào Việt Nam đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD.
Đóng thuế được 8 năm
Tuy có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 nhưng mãi đến năm 2013, Coca Cola mới báo lãi và nộp thuế. Số liệu từ Cục thuế TPHCM cho biết, năm 2013 và 2014 Coca Cola báo lãi lần lượt 150 tỷ và 357 tỷ đồng, giúp xoa dịu câu chuyện không nộp thuế của Coca Cola.
Suốt khoảng thời gian kể từ năm 2012 trở về trước, Coca Cola liên tục báo lỗ và không nộp thuế dù đang vận hành tới 3 nhà máy tầm cỡ trong nước.
Tính đến năm 2012, lỗ luỹ kế được công ty xác nhận là 3.768 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu 2.950 tỷ đồng.
Bất chấp thua lỗ, Coca-Cola vẫn tiếp tục mở rộng. Cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành, ông Muhtar Kent tới Việt Nam và tuyên bố rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới. Sang năm 2014 đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Điệp khúc thua lỗ - mở rộng khiến nhiều người đặt ra nghi vấn Coca Cola chuyển giá, lách thuế. Một cán bộ cục thuế TPHCM cho biết: “Bí quyết để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao”. Cụ thể, trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm tới 70% giá vốn của Coca Cola, cá biệt có năm lên tới 80-85% giá vốn.
Tuy nhiên, việc chứng minh Coca Cola vi phạm pháp luật là rất khó, bởi không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, vì nguyên liệu là do công ty mẹ của Coca-Cola Việt Nam độc quyền cung cấp. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì đây là doanh nghiệp đặc thù.
Về phía Coca-Cola, doanh nghiệp này cho rằng, công ty tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, còn thua lỗ là do các nguyên nhân khách quan.