Có nên tranh thủ mua mhà, đất trước khi sáp nhập để đón sóng tăng giá?

Thanh Minh

01/04/2025 10:08

Trong thời gian gần đây, thông tin về việc sáp nhập các tỉnh đã trở thành chủ đề được quan tâm rộng rãi, đặc biệt là trong giới đầu tư bất động sản. Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có nên tranh thủ mua nhà, đất trước khi sáp nhập để đón đầu làn sóng tăng giá hay không. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc sáp nhập không nhất thiết sẽ tạo ra cơn sốt đất ngay lập tức, mà thay vào đó, thị trường sẽ có xu hướng tăng trưởng dài hạn, ổn định và bền vững hơn.

Xu hướng phát triển khi sáp nhập các tỉnh

Hiện tại, Chính phủ đang tổng hợp ý kiến từ các cấp ủy, ngành, địa phương để hoàn thiện đề án tổ chức lại đơn vị hành chính trước khi trình Trung ương. Trong đó, ba địa phương được chú ý nhiều nhất là TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thông tin sáp nhập các tỉnh, thành phố đã thu hút sự quan tâm của không ít nhà đầu tư bất động sản (BĐS) thời gian qua và là động lực thúc đẩy nhiều nhóm nhà đầu tư tham “săn” BĐS tại một số khu vực, dự kiến sẽ thành trung tâm của địa phương mới.

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, cho rằng nếu ba địa phương này được sáp nhập, một "siêu đô thị" sẽ hình thành với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. TP.HCM sẽ được bổ sung các lợi thế từ hai tỉnh còn lại, đặc biệt là trong việc phát triển cảng biển và khu công nghiệp. Cảng Cái Mép của Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ giúp tăng cường khả năng vận tải hàng hải, trong khi Bình Dương với nền tảng công nghiệp vững chắc sẽ hỗ trợ TP.HCM mở rộng khu công nghiệp và thu hút vốn đầu tư.

Khi so sánh với các đô thị lớn trên thế giới, mô hình phát triển của TP.HCM sau sáp nhập có thể tương đồng với Seoul - Gyeonggi-do - Incheon (Hàn Quốc), nơi các khu vực lân cận bổ sung thế mạnh cho nhau để hình thành một đại đô thị có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

img-1702961982541-1702963394130-1743476838.jpeg
Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi mua - bán bất động sản theo tin sáp nhập địa phương.

Dưới góc độ đầu tư, ông Trần Khánh Quang - Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa, nhận định rằng sự kết hợp giữa công nghiệp, dịch vụ và cảng biển sẽ giúp TP.HCM sau sáp nhập phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng giá bất động sản sẽ không tăng ngay lập tức, mà phải chờ sự phát triển hạ tầng và kinh tế thực tế.

Lịch sử cho thấy, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, giá bất động sản không tăng mạnh ngay sau đó. Chỉ có những khu vực có hạ tầng phát triển tốt như dọc tuyến metro Cát Linh – Hà Đông mới ghi nhận mức tăng đáng kể, từ 12-15 triệu đồng/m2 lên 45-50 triệu đồng/m2. Ngược lại, những khu vực chưa có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng thì giá không thay đổi nhiều.

Chuyên gia Steven Woo của Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho biết mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản tại các khu vực như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Thuận An và Dĩ An (Bình Dương) đã tăng đáng kể, lần lượt 41%, 26% và 23%. Điều này phản ánh sự kỳ vọng của thị trường vào việc sáp nhập sẽ giúp tinh gọn bộ máy hành chính, giảm thủ tục hành chính và thúc đẩy đầu tư hạ tầng nhanh hơn.

Có nên mua bất động sản trước khi sáp nhập?

Theo ông Lưu Quang Tiến - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services, tác động của thông tin sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường nhiều hơn là thực tế giá cả. Trong ngắn hạn, người bán có thể giữ hàng chờ giá tăng, trong khi người mua có thể tranh thủ mua những dự án đã có pháp lý rõ ràng để tránh rủi ro tăng giá sau sáp nhập.

Tuy nhiên, quyết định mua bất động sản không nên chỉ dựa vào thông tin sáp nhập mà cần cân nhắc nhiều yếu tố khác. Nếu mua để ở, người mua nên xem xét thời điểm phù hợp với ngân sách và nhu cầu cá nhân thay vì chạy theo xu hướng đầu cơ. Nếu mua để đầu tư, cần đánh giá tiềm năng thanh khoản, xu hướng phát triển của khu vực và khả năng tăng giá trong dài hạn.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), việc quy hoạch và thay đổi địa giới hành chính có thể tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, kéo theo sự tăng giá của bất động sản. Tuy nhiên, giá trị bất động sản chỉ tăng bền vững khi có nền tảng hạ tầng đồng bộ. Những đợt sốt đất dựa trên tin tức có thể dẫn đến tình trạng "bong bóng" và giá giảm nhanh khi thị trường điều chỉnh.

Theo các chuyên gia, thông tin sáp nhập các tỉnh có thể tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu chỉ dựa vào kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Thay vì chạy theo xu hướng, nhà đầu tư nên tập trung vào các yếu tố cốt lõi như sự phát triển hạ tầng, quy hoạch đô thị và tiềm năng kinh tế của khu vực để đưa ra quyết định chính xác.

Việc sáp nhập có thể không dẫn đến sốt đất ngay lập tức, nhưng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng dài hạn, tạo điều kiện để bất động sản phát triển bền vững theo thời gian.

Thanh Minh