Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Lê Viết Hải: 'Tôi tin tưởng FLC sẽ thanh toán khoản nợ 285 tỷ đồng đúng tiến độ'

Kim Ngân

22/06/2021 11:49

Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải chia sẻ đã đạt thỏa thuận với FLC về việc thi hành án liên quan đến tranh chấp thanh toán hai hợp đồng thi công kéo dài nhiều năm qua. Ông Hải tin tưởng FLC sẽ thanh toán khoản nợ 285 tỷ đồng đúng tiến độ và mỗi tháng sẽ thu hồi 20-25 tỷ từ FLC cho đến tháng 4/2022.

1o9a9332-1624337373.jpg
Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Lê Viết Hải:

Ngày 21/06/2021, Đại hội đồng Cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã chứng khoán: HBC) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Văn phòng Paxsky, số 123 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh với sự đồng thuận và thông qua các nội dung trong tờ trình.

Năm 2020 và nửa đầu năm 2021, dịch bệnh Covid 19 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh chung, ngành xây dựng cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Đứng trước thách thức này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã đưa ra các giải pháp phù hợp phòng ngừa rủi ro và đảm bảo hoạt động của Tập đoàn không bị gián đoạn. Kết quả, doanh thu thuần của Hòa Bình trong năm 2020 đạt 11.224,7 tỷ đồng, tương đương 89,8% so với kế hoạch và giảm 39,7% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 86,3 tỷ đồng, tương đương 69,1 % so với kế hoạch và giảm 79,3% so với năm 2019.

Trong 3 năm gần nhất, từ 2018 – 2020, tổng số giờ công an toàn lao động của Hòa Bình lên đến gần 200 triệu giờ, đây là thành tích ấn tượng đối với ngành nghề có nhiều rủi ro về tai nạn lao động như xây dựng. Năm 2020, Hòa Bình cũng đã chuyển đổi thành công hệ thống quản lý An toàn Sức khỏe Nghề nghiệp từ OHSAS 18001:2007 lên ISO 45001:2018, phiên bản mới nhất của hệ thống quản lý này với các tiêu chuẩn cao hơn.

Năm 2021, Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch hoạt động với tổng doanh thu 13.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với kết quả năm 2020; lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, tăng 180,9% so với kết quả năm 2020, chi trả cổ tức 5% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.

Đối với các dự án bất động sản, đầu tư dài hạn và hướng phát triển trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ có phương án triển khai cụ thể cho từng dự án, có thể tăng hoặc giảm tỉ lệ tham gia các dự án bất động sản hiện hữu. Đồng thời triển khai, thực hiện thêm một số dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư địa ốc mới có tính khả thi. Được biết trước đó vào  ngày 10/6/2021, Hội đồng Quản trị đã thông qua chủ trương thoái vốn các dự án đầu tư địa ốc trong nước hoặc các công ty thành viên hoạt động kinh doanh không hiệu quả nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng bao gồm: xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, hạ tầng trong nước và đầu tư phát triển ra thị trường nước ngoài.

1o9a9362-1624337639.jpg
Đại hội đồng cổ đông Hoà Bình

Theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông năm 2018, năm nay Hòa Bình sẽ phát hành 3.250.000 cổ phiếu cho CBCNV với giá bằng mệnh giá. HĐQT sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để phát hành trong năm 2021 hoặc các năm sau. Đồng thời, đại hội cũng thông qua việc phát hành 4.620.000 quyền mua cổ phiếu cho CBCNV đang làm việc, 1 quyền được mua 1 cổ phiếu với giá bằng mệnh giá, quyền mua có hiệu lực sau 3 năm kể từ 01/01/2021.

Đại hội cũng đã thông qua đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị độc lập nhiệm kỳ 2019 – 2024 của ông Đặng Hồng Anh. Đồng thời bầu thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ mới 2021 – 2024 gồm ba thành viên: ông Nguyễn Tường Bảo, ông Nguyễn Công Phú và ông Dương Văn Hùng. Toàn bộ nội dung tờ trình cũng đã được đại hội thông qua với tỉ lệ đồng thuận rất cao.

Mở đầu phần hỏi đáp, Chủ tịch Hòa Bình Lê Viết Hải nhận được câu hỏi về kết quả giải quyết vụ tranh chấp với Tập đoàn FLC. "Có thể nói việc kiện cáo giữa Hòa Bình và FLC đã kết thúc, chúng ta đã thành công. Ngày mai, biên bản thỏa thuận giữa Hòa Bình và FLC về việc thi hành án sẽ được ký", ông Hải trả lời cổ đông.

Chủ tịch tập đoàn xây dựng cho biết theo biên bản thỏa thuận, FLC sẽ trả cho Hòa Bình tổng cộng 285 tỷ đồng. Số nợ gốc là 192 tỷ đồng và dư nợ phát sinh gồm cả lãi chậm thanh toán theo ông Hải lẽ ra lên tới 303 tỷ đồng. Doanh nghiệp này chấp nhận giảm một phần số tiền FLC phải thanh toán. 

Ông Hải thông tin phía FLC đã thanh toán được 20 tỷ đồng. Theo tiến độ cam kết, tập đoàn của ông Trịnh Văn Quyết sẽ trả 15 tỷ đồng trong tháng 6, 20 tỷ đồng mỗi tháng trong 6 tháng cuối năm nay, 25 tỷ đồng/tháng trong quý I năm sau và phần còn lại vào tháng 4/2022.

"Chắc chắn FLC phải trả theo đúng tiến độ cam kết. Chúng ta đã nhượng bộ để tạo điều kiện cho FLC có thể thanh toán. Họ cam kết sẽ rút tất cả đơn kiện đã gửi, không đưa vụ kiện lên giám đốc thẩm. Chúng ta sẽ kết thúc tất cả mọi kiện cáo với FLC theo biên bản thỏa thuận này", Chủ tịch Hòa Bình chia sẻ. 

Ông Hải nhấn mạnh nếu FLC không thực hiện đúng cam kết thanh toán theo đúng tiến độ và trễ thanh toán dù chỉ một lần, số tiền lãi phát sinh trên dư nợ gốc theo phán quyết sẽ được tính lại từ đầu và Hòa Bình sẽ yêu cầu đối tác này trả thêm số tiền 18 tỷ đồng đã nhượng bộ. Do đó, ông tin rằng không có lý do gì để FLC vi phạm thỏa thuận.

Trước câu hỏi liệu có sẵn sàng tiếp tục hợp tác với FLC trong tương lai, ông chủ Hòa Bình khẳng định luôn mở lòng, trân trọng mọi khách hàng. Tuy nhiên, ông Hải lưu ý sẽ không để một dự án nào giữa hai bên lặp lại tình trạng chậm thanh toán dẫn đến xung đột pháp lý như đã xảy ra.

Tranh chấp giữa Hòa Bình và FLC liên quan đến 2 hợp đồng thi công số 57 và 18 ký năm 2014 để xây dựng dự án FLC Sầm Sơn. Tập đoàn của ông Lê Viết Hải là nhà thầu xây dựng được FLC lựa chọn.

Việc thi công kết thúc năm 2015 nhưng quá trình quyết toán hợp đồng giữa hai tập đoàn kéo dài. Đến tháng 2/2020, đại diện pháp lý của Hòa Bình nộp đơn khởi kiện FLC liên quan Hợp đồng 57 tại TAND quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) và Hợp đồng 18 tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TPHCM.

Ngày 10/3, đại diện pháp lý của Hòa Bình thông báo thắng cả hai vụ kiện. Tổng số tiền FLC phải thanh toán cho Hòa Bình liên quan hai hợp đồng thi công theo phán quyết ở thời điểm này là 277 tỷ đồng.

Kim Ngân