Từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân thành phố nhưng chợ giờ đây đã giảm sức hút đáng kể. Theo kết quả khảo sát của Deloitte về hành vi người tiêu dùng 2019, chỉ có khoảng 17% người trả lời khảo sát lựa chọn chợ truyền thống, giảm 10% so với năm 2018, đồng thời cũng là kênh giảm mạnh nhất chỉ sau một năm.
Khảo sát của Deloitte thực hiện tại bốn thành phố lớn bao gồm Hà nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Tại Hà Nội, chợ truyền thống sắp biến mất trong lựa chọn của người tiêu dùng, khi chỉ còn chiếm 2% trong tổng số các kênh mua sắm khác. Tại TP.HCM, thực tế này có thể dễ dàng bắt gặp tại các khu chợ lâu năm như Chợ An Đông, quận 5 hay chợ Bà Chiểu, Quận Bình Thạnh, chợ Nguyễn Thái Bình, Quận 1.
Người tiêu dùng có xu hướng đi siêu thị nhiều hơn. Kênh bán lẻ siêu thị đồng thời đã tăng 10% trong năm 2019 cho thấy một sự dịch chuyển đáng kể trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng chợ tại các thành phố hạng 1 đã giảm trong khi số lượng siêu thị có xu hướng gia tăng. Hiện cả nước có hơn 1.000 siêu thị. Riêng Hà Nội và TP.HCM chiếm hơn 30% trong tổng số.
Trong khi đó, các cửa hàng tạp hóa, một đại diện của kênh bán lẻ truyền thống, dường như có sức sống mãnh liệt hơn. Mặc dù đã tăng lên số lượng đáng kể nhưng các cửa hàng tiện lợi vẫn chưa thể thay thế các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.
Khảo sát của Deloitte cho thấy, mức độ yêu thích các cửa hàng tạp hóa của người tiêu dùng trong năm 2019 chỉ giảm nhẹ so với năm 2018.
Mặc dù vậy, nhìn chung, các kênh bán hàng hiện đại đang thắng thế và trên đà phát triển đặc biệt tại các thành phố lớn.
Khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng ngày càng chú trọng nhiều hơn đến những tiêu chí như sức khỏe bên cạnh chất lượng sản phẩm. Điều này xuất khởi từ tầng lớp trung lưu thành phố ngày càng tăng.
Dâng Phạm