Trong năm 2020, báo chí thường xuyên đưa tin một số mẫu xe nhận được ưu đãi lên tới hàng trăm triệu đồng tại đại lý như Chevrolet Trailblazer LTZ giảm gần 400 triệu đồng hồi tháng 3 hay mới đây trong tháng 8 là Ford Everest Everest Titanium 2.0L AT 4WD giảm gần 200 triệu đồng; Ford Ranger XLT MT 2019 nhận ưu đãi 100 triệu đồng;...
Tuy nhiên, thực tế là không nhiều người có thể mua được một chiếc ô tô mới với mức giá hời như thế. Phần lớn những lần giảm giá sâu đến mức sốc này đều là những phiên bản sản xuất năm 2019 được đại lý đẩy đi để giải phóng kho hàng. Và đặc biệt, số lượng những mẫu xe này đều rất ít và chỉ có tại một số đại lý. Thông thường những "suất" này đều được người "trong ngành" nháy nhau để lấy chứ ít khi đến tay những khách hàng thông thường.
Mục đích phía sau việc giảm giá sâu 1 phiên bản với số lượng giới hạn. (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, mức giảm khủng đôi khi không phải là giảm trực tiếp tiền mặt mà chỉ là một phần tiền mặt đi kèm gói phụ kiện trị giá tương đương phần còn lại. Theo tin tức ô tô, đây cũng là chiêu thức được nhiều hãng áp dụng.
Giá xe ô tô tại đại lý sẽ 'biến hóa' theo từng giai đoạn. Nếu như năm 2019, khi xe nhập khó về nước vì Nghị định 116; khách hàng muốn lấy xe sớm thì phải chấp nhận mua xe theo kiểu "kèm lạc", nghĩa là phải trả thêm một khoản tiền từ 50 - 100 triệu đồng mua thêm phụ kiện chính hãng. Thời gian đó, hàng loạt mẫu xe "hot" như Honda CR-V thế hệ mới, Hyundai Santa Fe mới, Toyota Fortuner nhập khẩu,... đều gặp tình trạng này.
Tuy nhiên, đến năm 2020, thị trường ô tô Việt đã xoay 180 độ, khi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, người dân thắt chặt chi tiêu; Nhà nước phải ra chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho dòng xe lắp ráp, sản xuất trong nước, phía hãng tiếp tục duy trì nhiều ưu đãi trước đó nhằm kích thích tiêu dùng.
Xem thêm: Tổng quan toàn thị trường ô tô sau khi được giảm 50% phí trước bạ
Xe xe nhập khẩu và lắp ráp đều nhận được ưu đãi khủng trong thời gian này. (Ảnh: Tinrao Oto.com.vn)
Một số đại lý công khai giảm giá mạnh 1 phiên bản sản xuất vào năm trước, ngoài lý do xả hàng tồn kho thì còn muốn gây tiếng vang và sự chú ý của người tiêu dùng giữa 'mê trận' khuyến mãi như hiện nay. Tuy nhiên, dù là lý do gì đi nữa thì mục đích cuối cùng là bán được nhiều hàng hơn, đưa thị trường ô tô trong nước khôi phục trở lại sau ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cũng trong thời gian qua, Toyota Corolla Cross 2020 khi được phản ánh là mẫu xe duy nhất gặp tình trạng "mua bia kèm lạc" khi khách phải trả từ 20 - 50 triệu tiền phụ kiện để được nhận xe sớm, trong khi phần lớn các mẫu xe khác đều đang nhận được giảm giá khủng.
Tình trạng này đã khiến Toyota Việt Nam phải lên tiếng: "Khách hàng đến trước được phục vụ trước. Chúng tôi yêu cầu đại lý tuân thủ chính sách đó. Nếu bất kỳ khách hàng nào bị ép mua phụ kiện hoặc phải chi tiền chênh, hãy gọi tới hotline, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý đối với đại lý đó".
Nguyên nhân của việc này đến từ lý do nhà máy sản xuất Toyota Corolla Cross tại Thái Lan không đủ nguồn cung, mỗi đại lý tại Việt Nam chỉ có thể cung ứng từ 3 - 5 xe.
Sau khi Toyota Việt Nam lên tiếng một cách quyết liệt giá mẫu xe mới Corolla Cross đã trở lại bình ổn, nhưng khách hàng phải đợi đến cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 mới được giao xe.
Thị trường ô tô Việt trong thời gian qua có nhiều biến động. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách để bình ổn và bảo hộ ngành công nghiệp ô tô nội địa cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Giá xe ô tô Việt Nam vẫn thuộc hàng cao nhất nhì khu vực, người dân kỳ vọng chiếc xe ô tô có thể quay về mức giá thật và được định vị là một phương tiện di chuyển thay vì là mặt hàng xa xỉ.