Chiến tranh thương mại thúc đẩy các công ty Hong Kong mở nhà máy tại Việt Nam

tamvu

27/11/2018 16:31

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang thúc đẩy nhiều nhà máy ở Hong Kong đi tìm kiếm một phương án thay thế linh hoạt hơn và Việt Nam là một trong những lựa chọn.

Nhân sự kiện In Style Hong Kong 2018 diễn ra tại TP.HCM vào tháng 9.2018, tạp chí The Manager phỏng vấn ông Vincent HS Lo, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (Hong Kong Trade Development Council) về xu hướng quan hệ đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

The Manager: Trong bài trình bày mở màn sự kiện In style Hong Kong 2018 diễn ra sáng nay 20.9.2018, ông đã nhắc lại khởi đầu mối quan hệ đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) nhiều năm trước. Vậy nếu được tiếp tục vẽ bức tranh kinh doanh Việt Nam - Hong Kong từ năm 2018 trở về sau, ông sẽ phác hoạ nó như thế nào?

Vincent HS Lo: Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ phát triển kể từ năm nay, bởi Việt Nam đang thay đổi và phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, sự ổn định của Chính phủ là yếu tố mà chúng tôi luôn nhìn vào để đánh giá. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đang làm tốt điều này và thể hiện thông qua tăng trưởng cao trong năm vừa qua. Việt Nam là thị trường có quy mô lớn, với dân số đông và trẻ. Đó là những yếu tố then chốt để một nhà đầu tư nước ngoài quan sát và quyết định đầu tư kinh doanh vào Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh. Với sự tham gia của Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong, chúng tôi có thể giúp cộng đồng tại Hong Kong hiểu rõ hơn về Việt Nam và ngược lại cũng giúp Việt Nam hiểu hơn về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Hong Kong. Tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều kết nối và những nhà đầu tư và kinh doanh sẽ tự động tìm được những cơ hội để biết đầu tư vào đâu và giao dịch như thế nào.

The Manager: Từ quan sát của mình, ông thấy các doanh nghiệp Trung Quốc và Hong Kong đang thay đổi như thế nào để thích nghi trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang ngày càng leo thang?

Vincent HS Lo: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy nhiều nhà máy ở Hong Kong đi tìm kiếm một phương án thay thế linh hoạt hơn để đặt các cơ sở nhà máy chế tạo. Việt Nam là một trong những lựa chọn, với sự hấp dẫn của nguồn lao động trẻ. Và tôi biết, rất nhiều công ty Hong Kong đã bắt đầu quá trình tìm kiếm này ở Việt Nam. Đây có thể là một yếu tố tích cực để không những phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Hong Kong, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Về ngắn hạn, các nhà sản xuất sẽ tìm kiếm cơ sở sản xuất để thay thế. Trong dài hạn, chủ nghĩa bảo hộ sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho các quốc gia. Thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua đã mạnh mẽ tiến tới toàn cầu hoá. Hiện nay, với chủ nghĩa bảo hộ, khi Mỹ áp thuế lên hàng hoá Trung Quốc, bản thân Trung Quốc cũng không thể ngồi yên và không làm gì. Trung Quốc phải đáp trả. Điều đó làm thay đổi bức tranh thương mại. Tôi hy vọng với hiệp định thương mại tự do Hong Kong và các quốc gia ASEAN (AHKFTA) vừa được ký kết năm 2017, trong đó Việt Nam là một thành viên, chúng ta có thể thúc đẩy trao đổi thương mại hơn nữa, ngay cả trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Đối với thương mại, chúng ta cần nhìn về phía trước trong vòng nhiều năm, chứ không nên có cái nhìn quá ngắn hạn.

The Manager: Tỉ phú Jack Ma, chủ tịch tập đoàn Alibaba gần đây đưa ra dự báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài 20 năm. Ông có đồng ý với nhận định này không?

Vincent HS Lo: Tôi không có con số chính xác để khẳng định chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc chắn đó là cuộc xung đột lâu dài, dù người dẫn dắt nước Mỹ trong tương lai là ông Donald Trump hay một ai đó khác, bởi lẽ cuộc chiến này không đơn thuần chỉ là thương mại.

The Manager: Xin ông cho biết đâu là những ngành kinh doanh mà Việt Nam có thể đón nhận nhiều đầu tư trong thời gian tới?

Vincent HS Lo: Với dân số trẻ, tôi cho rằng Việt Nam sẽ nhận nhiều quan tâm trong hai ngành thiết bị điện tử (electronic) và thời trang (fashion). Nhiều công ty trong hai ngành này đang đặt cơ sở sản xuất tại Trung Quốc, vì vậy nhiều khả năng họ sẽ di chuyển sang Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại tiếp diễn.

Tôi biết các tập đoàn lớn trong hai ngành này đã để mắt tới Việt Nam rồi. Do vậy, Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ hơn của Hong Kong tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Bởi quy mô nhỏ, họ khó có thể tự thực hiện các nghiên cứu thị trường và tìm kiếm địa điểm, chúng tôi sẽ giúp họ làm điều này.

The Manager: Xin cảm ơn ông !

tamvu