Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5 với doanh thu tiếp tục tăng mạnh, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ lên trên 1,5 nghìn tỷ đồng. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng vọt, gấp 2,6 lần lên 812 tỷ đồng. Thị trường Trung Quốc và châu Âu cũng tăng mạnh.
Về cơ cấu doanh thu, doanh thu các sản phẩm từ cá tra là 1.036 tỷ đồng, tăng 101% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên giảm 11% so với tháng trước. Xét theo thị trường, doanh thu tại Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh 157% đạt 812 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021 nhưng giảm 19% so với tháng trước.
Thị trường tăng trưởng mạnh thứ 2 là thị trường nội địa với mức tăng 100% lên 256 tỷ đồng nhưng cũng giảm 4% so với tháng trước. Hai thị trường Trung Quốc và châu Âu có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước và tăng cả so với tháng trước.
Lũy kế 5 tháng, Thủy sản Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu hơn 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn tăng trưởng mạnh trong bối cảnh ngành cá tra có nhiều thuận lợi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau 2 năm kiềm chế vì dịch Covid-19, nhu cầu tại các thị trường hồi phục và bùng phát mạnh, nguồn cung tại các thị trường không đủ đáp ứng, lạm phát giá gia tăng. Xuất khẩu thủy sản sau khi lập kỷ lục vào tháng 4 với 1,1 tỷ USD thì có sự chững lại trong tháng 5 nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2021, Vĩnh Hoàn của Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh là doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ, trong số hơn 10 doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường này.
Trong khi cả thị trường cổ phiếu giảm sâu, cổ phiếu Vĩnh Hoàn vẫn tăng ấn tương, tăng từ mức 60.000 đồng/cp lên trên 100.000 đồng/cp trong hơn 5 tháng qua. Vốn hóa của Thủy sản Vĩnh Hoàn tăng gấp 3 trong vòng 1 năm qua và đã lên 18,7 nghìn tỷ đồng.
Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện nắm giữ hơn 79 triệu cổ phần VHC, trị giá gần 7,6 nghìn tỷ đồng và là người giàu thứ 22 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chân dung "Nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh
Được mệnh danh "nữ hoàng cá tra", bà Trương Thị Lệ Khanh là người có công lớn trong việc “lèo lái” Vĩnh Hoàn từ một phân xưởng nhỏ đi thuê ở miền Tây với năng suất hàng ngày chỉ có 10 tấn cá đến doanh nghiệp đứng đầu ngành cá tra ở Việt Nam. Mới đây, bà cũng được Forbes vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có ảnh hưởng lớn, tích cực ở tầm quốc tế (Forbes 50 Over 50 Asia 2022).
Hiện tại, bà Trương Thị Lệ Khanh đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), tập trung vào các hoạt động hoạch định chiến lược và hoàn thiện hệ thống quản trị công ty. Đồng thời bà cũng là Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang.
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại An Giang, là con út trong một gia đình có bốn anh chị em. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà học đại học tại trường Đại học Tài chính Kế toán TP.HCM và tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Kinh tế. Sau khi ra trường, bà từng làm Cán bộ Sở Tài chính tỉnh An Giang trong thời gian từ năm 1984 đến năm 1985.
Tiếp đó, bà Khanh làm việc tại công ty xuất nhập khẩu và đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt khác nhau từ kế toán đến phó giám đốc. Cụ thể, từ năm 1986 đến năm 1987, bà đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang. Sau đó, từ năm 1986 đến năm 1990, bà được thăng chức làm Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang, lúc này bà mới 25 tuổi.
Năm 30 tuổi, bà đảm nhiệm vai trò Phó Giám Đốc Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp An Giang. 5 năm sau đó, bà đã trở thành Trợ lý Tổng Giám Đốc Công ty FIDECO. Đây là những bước đệm để bà tiến tới xây dựng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn.
Bắt nguồn từ những bữa ăn có cá tra, cá basa mộc mạc đã trở thành biểu tượng cho cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc bên mâm cơm gia đình của người miền Tây, Vĩnh Hoàn đã sớm nhận ra món quà quý giá từ dòng sông Mekong để làm tiền đề cho sự phát triển và hưng thịnh của ngành sản xuất cá tra.
Chia sẻ về mối duyên với cá tra, bà Khanh cho biết bà sinh ra và lớn lên ở An Giang, thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Vào thời bao cấp, mọi người chỉ được phân phối 1 kg thịt/tháng và vào những tháng không có thịt, người ta thay bằng cá basa, nghĩa là cá basa đã tham gia lưu thông trên thị trường từ hồi đó.
Khi tốt nghiệp đại học ra trường, theo sự phân công của nhà nước, bà Khanh từng làm việc ở một công ty xuất khẩu có đầu tư xây dựng nhà máy đông lạnh nên bà có sự am hiểu về ngành thủy sản.
Sau do thay đổi tổ chức, bà quyết định nghỉ việc và ra ngoài làm riêng. Điều đầu tiên mà bà nghĩ đến là cá tra và cá basa vì nhận thấy tiềm năng to lớn của các loại cá này.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó ngành sản xuất cá mới chỉ có nhà máy ở An Giang nhưng vùng nuôi thì có tại An Giang và Đồng Tháp. Vì thế, bà Khanh đã quyết định sang Đồng Tháp lập nghiệp.
Năm 1997, bà Trương Thị Lệ Khanh sáng lập Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Hoàn tại tỉnh Đồng Tháp và thuê lại một nhà máy của công ty Sa Giang để bắt đầu sản xuất. Đến năm 1998, doanh nghiệp này chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH Vĩnh Hoàn.
Nói về khát vọng của mình từ những ngày đầu khởi nghiệp, bà Trương Thị Lệ Khanh cho biết “vì công ty xuất khẩu nên ngay từ khi thành lập, khát vọng của tôi là ra khơi và tôi muốn tồn tại, phát triển mãi mãi”. Cái tên Vĩnh Hoàn được lập ra với ý nghĩa Vĩnh là vĩnh viễn, Hoàn là hoàn cầu, nghĩa là Vĩnh Hoàn sẽ tồn tại mãi mãi trên hoàn cầu như một ngôi sao.
Ban đầu phương thức kinh doanh của Vĩnh Hoàn là gia công xuất khẩu. Đến năm 1999, Vĩnh Hoàn thành lập cơ sở chế biến thủy sản riêng thông qua việc thuê lại một xưởng sản xuất tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đến năm 2000, Vĩnh Hoàn chính thức được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Năm 2003, ngành xuất khẩu cá tra bùng nổ cũng là thời điểm Vĩnh Hoàn vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước. Đến năm 2007, Vĩnh Hoàn chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE: VHC).
Trong suốt thời gian 2006-2008, Vĩnh Hoàn dưới sự lãnh đạo của bà Khanh đứng vị trí thứ 3 về xuất khẩu cá tra, cá basa. Năm 2009, doanh nghiệp đã vươn lên vị trí thứ 2 và đến năm 2010, Vĩnh Hoàn đã vươn lên dẫn đầu ngành cá tra về nuôi trồng, sản xuất và xuất khẩu.
Vĩnh Hoàn ra đời, gặp được thiên thời địa lợi nên đã có một sự khởi đầu rất tốt và kéo theo sự bùng nổ của ngành chế biến xuất khẩu cá tra. Hồi tưởng lại thời kỳ hoàng kim của cá tra vào giai đoạn 2000 – 2006, bà Trương Thị Lệ Khanh cho hay "thị trường rất nóng, hàng không bao giờ đủ để xuất cho dù nhiều doanh nghiệp ra đời". Nhưng vào những năm đó, Vĩnh Hoàn không phải là doanh nghiệp lớn nhất, vị trí đó là của Agifish (CTCP Xuất nhập khẩu An Giang). Nhiều doanh nghiệp ra đời sau nhưng đã phát triển rất nhanh, ví dụ như thủy sản Nam Việt.
Mang phong cách kinh doanh thận trọng và chắc chắn, hơn 22 năm qua, dưới sự lèo lái của bà Trương Thị Lệ Khanh đã đưa Vĩnh Hoàn từ một xưởng sản xuất nhỏ với 70 nhân công và vốn ban đầu 70 triệu đồng vào năm 1997 trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Theo thống kê của Forbes Việt Nam, trong 10 năm từ 2008 đến 2018, bà Trương Thị Lệ Khanh đã đưa doanh thu của Vĩnh Hoàn tăng 3,8 lần; lợi nhuận sau thuế tăng 18,1 lần và tổng tài sản tăng 5,1 lần.
Đến tháng 5/2016, bà Khanh đã chuyển giao vị trí Tổng giám đốc của CTCP Vĩnh Hoàn cho lớp thế hệ trẻ là bà Nguyễn Ngô Vi Tâm.
Về kết quả kinh doanh, sau khi bứt phá mạnh vào năm 2018 với khoản lợi nhuận sau thuế gần 1.500 tỷ đồng, tương đương tổng lợi nhuận ba năm trước đó cộng lại, thì đến giai đoạn 2019-2020, đã chứng kiến sự sụt giảm trong hầu hết chỉ số kinh doanh của Vĩnh Hoàn.
Năm 2019, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 7.867 tỷ đồng, giảm 15% và lợi nhuận sau thuế là 1.180 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2018. Đây cũng là lần đầu tiên Vĩnh Hoàn ghi nhận lợi nhuận đi lùi sau nhiều năm tăng trưởng. Doanh thu trong năm này sụt giảm là do Vĩnh Hoàn gặp nhiều khó khăn do giá cá tra ở mức thấp và hoạt động xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Năm 2020, do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu, ngành thủy sản trong nước lao đao khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể. Dưới tác động đó, doanh thu và lợi nhuận của Vĩnh Hoàn cũng không tránh khỏi việc giảm sút. Cụ thể, lũy kế năm 2020, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu đạt 7.037,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 704,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 10,5% và 40,2% so với năm 2019.
Tuy nhiên đến năm 2021, Vĩnh Hoàn đã “lấy lại phong độ” với doanh thu thuần đạt hơn 9.054 tỷ, lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ, lần lượt tăng 28% và 54% so với 2020. Vĩnh Hoàn cho biết, hầu hết các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp đều phục hồi mạnh, đặc biệt là Mỹ. Bên cạnh đó, lãi sau thuế tăng cao là do sản lượng bán hàng và mức giá bán trong năm 2021 đều tăng.
Trong năm 2021, Vĩnh Hoàn đã hoàn tất thủ tục mua 51,29% vốn Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang với giá 356,7 tỷ đồng. Đến nay, Vĩnh Hoàn sở hữu 76,72% vốn Sa Giang.
Mặc dù khởi nghiệp với thiên thời, địa lợi nhưng con đường thành công của Vĩnh Hoàn cũng không hoàn toàn bằng phẳng. Thời điểm khó khăn nhất của Vĩnh Hoàn trong lịch sử hoạt động chính là năm 2003, khi Vĩnh Hoàn cùng hơn 50 doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt với vụ kiện chống bán phá giá từ Hiệp hội các nhà sản xuất cá da trơn Mỹ.
“Rất may, chúng tôi đã đấu tranh và kết quả thu được là mức thuế 0%. Đó như là một câu chuyện thần thoại vậy”, bà Khanh cho biết.
Từ một xưởng sản xuất nhỏ, bà Trương Thị Lệ Khanh là một người “thuyền trưởng” mạnh mẽ và bản lĩnh, cùng với các cộng sự đã dẫn dắt Vĩnh Hoàn khẳng định vị thế và trở thành doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. Hơn 20 năm gắn bó, bà được biết đến như một doanh nhân dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam, tiên phong trong các bước phát triển bền vững của ngành.
Với những thành công đáng nể đó, bà Lệ Khanh đã được vinh danh với nhiều giải thưởng danh giá cả trong nước và quốc tế. Bà từng được 2 lần trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2011) và Huân chương Lao động hạng nhì (năm 2016) vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc.
Bên cạnh đó, bà từng được Forbes Châu Á vinh danh 2 lần và Forbes Việt Nam vinh danh 5 lần.
Mới đây, Forbes đã vinh danh bà Trương Thị Lệ Khanh trong danh sách 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có ảnh hưởng lớn tầm quốc tế (Forbes 50 Over 50 Asia 2022). Danh sách 50 Over 50: Asia 2022 gồm 50 nhà sáng lập, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực kinh doanh và chính trị, các nhà khoa học và những người tiên phong dẫn đầu ở khu vực trong năm 2022.
Theo giới thiệu của Forbes, bà Trương Thị Lệ Khanh đã thành lập và phát triển Vĩnh Hoàn thành một công ty đại chúng, trở thành nhà sản xuất cá da trơn lớn nhất Việt Nam từ năm 2010 và vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu từ đó cho đến hiện nay.
Trước đó, vào năm 2020, bà Trương Thị Lệ Khanh cũng từng được Forbes bình chọn vào top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (Asia's Power Businesswomen).
Ngoài ra, bà Trương Thị Lệ Khanh từng được Forbers Việt Nam vinh danh với nhiều giải thưởng uy tín như: Top 10 nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam (năm 2013); Top 20 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam (năm 2016); Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam trong 3 năm liên tiếp là năm 2017, 2018 và 2019.