Các dự án BOT (do doanh nghiệp đầu tư theo mô hình xây dựng - khai thác - chuyển giao quyền sở hữu cho nhà nước) không còn quá hấp dẫn khi những kế hoạch ban đầu về vốn không được thực hiện.
Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) bắt đầu thu phí từ cuối năm 2015, nhưng vẫn chưa được thanh toán hơn 4.000 tỉ đồng vay từ các ngân hàng để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hàng năm ước tính Vidifi phải thanh toán hàng trăm tỉ đồng lãi vay, khiến công ty lâm vào hoàn cảnh thua lỗ.
Ngày 28.5.2019, Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị dành một phần của ngân sách trung ương (có giá trị 10.000 tỉ đồng) để hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng. Theo Chính phủ, đó là khoản chi thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương.
Cùng ngày, Ủy ban tài chính ngân sách trực thuộc Quốc hội cũng có văn bản cho rằng đề xuất nói trên của Chính phủ là chưa hợp lý. “Bố trí trên 40% tổng số vốn thanh toán nợ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là chưa hợp lý” - văn bản cho biết.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là đường cao tốc loại A, dài hơn 100km, đi từ Hà Nội đến Hưng Yên - Hải Dương và thành phố Hải Phòng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được thu phí trong 35 năm sau đó giao nhà nước quản lý.
Nhiều dự án BOT hiện nay sau một thời gian ồ ạt triển khai, bắt đầu bộc lộ những khó khăn khi người dân từ chối đóng phí, cho rằng việc bố trí các trạm thu phí không hợp lý. Trong khi đó, phần lớn các dự án vẫn đang phải vay vốn ngân hàng thay vì huy động tài chính từ các nguồn lực khác. Sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng khiến nhiều phân tích cho rằng, chủ đầu tư các dự án BOT không phải chịu rủi ro, khi có quyền quyết định việc thu phí, đẩy rủi ro sang người dân và ngân hàng.