Căn hộ hàng hiệu giá triệu USD không dễ "lấy lòng" giới nhà giàu Việt

Đoàn Dự

31/05/2021 10:46

Theo chuyên gia bất động sản, mức giá trên dưới nửa tỷ đồng một m2 căn hộ hàng hiệu và lên đến triệu đô một sản phẩm tuy nhắm đến giới nhà giàu và siêu giàu nhưng vẫn có thể bị dội tâm lý. Bởi lẽ, nhóm khách hàng có dòng tiền hàng triệu USD tại Việt Nam vẫn có thể tăng phòng thủ trong giai đoạn đại dịch bùng phát và so sánh căn hộ hàng hiệu với biệt thự hạng sang giá trị tương đương cũng xa xỉ không kém.

Cuối tháng 3/2021, giới buôn bất động sản siêu sang tại TP HCM xôn xao về sự xuất hiện của một dự án chung cư tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, một trong những trục đường huyết mạch dọc theo sông Sài Gòn, được công bố giá giao dịch thành công 18.000 USD (tương đương 423 triệu đồng) một m2. Giá bán rumo (giá thăm dò và công bố phổ biến) của dòng sản phẩm này có mức khởi điểm 16.000 USD một m2, nhắm đến khách hàng thượng lưu.

gms-7-1600x900-2-1-3863-1620101099-1622432733.jpg
 

Theo đó, các căn hộ có giá dao động 18-24 tỷ đồng một căn tùy theo diện tích 40-110 m2. Bên cạnh việc cung cấp nhiều tiện ích được quảng bá chuẩn 5 sao, mức độ sang trọng của dự án được thể hiện qua mật độ xây dựng thấp, chỉ bố trí 10 căn hộ trên một sàn xây dựng và 8 thang máy một tầng, mật độ cây xanh bao quanh dự án đạt 60%, vật liệu xây dựng và nội thất luxury (xa xỉ). Các căn hộ có hướng nhìn không giới hạn với view sông Sài Gòn, view tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam, view đại lộ Võ Văn Kiệt và view lõi trung tâm quận 1.

Tiếp đó, những ngày cuối tháng 4 thông tin một dự án căn hộ ngay trung tâm Sài Gòn sắp mở bán với giá lên tới 700 triệu đồng/m2 khiến cộng đồng bất động sản xôn xao. Theo chia sẻ trên mạng xã hội và các website, dự án căn hộ giá từ 700 triệu đồng/m2 này mang tên One Central Saigon.

Thông tin này được các tài khoản trên mạng xã hội là nhân viên môi giới các công ty bất động sản chia sẻ, với mức giá rumor (dự kiến) là 25.000 - 30.000 USD/m2 chưa thuế VAT & phí bảo trì, nếu tính tất cả mức giá sẽ tương đương 650 - 800 triệu đồng/m2.

"Hình thức đặt cọc booking trước có quyền chọn căn hộ trước vào ngày mở bán là 500 triệu đồng/booking (không hoàn lại) và 1 tỷ đồng/booking (có hoàn lại)"- các tài khoản này chia sẻ.

Vối mức giá lên đến hàng triệu đô là cho một căn, nên khi những những dự án căn hộ hàng hiệu này tung ra thị trường nhiều người không khỏi đặt câu hỏi, ai sẽ mua được chung cư này?

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Trưởng phòng Dịch vụ Bất động sản Nhà ở Colliers Việt Nam cho rằng, đối tượng chính của phân khúc BĐS này là giới siêu giàu, có tổng giá trị tài sản trên 30 triệu USD. Từ đó, giá trị căn hộ chỉ chiếm từ khoảng 10% tổng tài sản và không ảnh hưởng nhiều đến việc quản lý dòng tiền trong các hoạt động kinh doanh. 

Trong khi đó, thu nhập trung bình của người Việt chỉ từ 8.000 - 10.000 USD/năm (tính theo sức mua tương đương). Với mức thu nhập này, loại hình căn hộ siêu cao cấp vượt xa khả năng chi trả của đại đa số người Việt.

Căn hộ siêu sang này không chỉ dành riêng cho giới siêu giàu mà còn thu hút được nhóm đối tượng thuộc top trên của giới nhà giàu Việt Nam. 

Mới đây, công ty Jones Lang Lasalle (JLL) vừa công bố báo cáo thị trường nhà ở có thương hiệu (còn gọi là căn hộ hàng hiệu) cho thấy, đối tượng khách mua loại tài sản này hạn chế trong nhóm các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, sở hữu ít nhất một triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng) mới có thể đầu tư. Loại hình bất động sản này mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã nhanh chóng gây sốc vì giá bán cao nhất lịch sử hình thành thị trường (trên 400 triệu đồng một m2 căn hộ), phá vỡ mọi kỷ lục về giá của các dự án nhà hạng sang và siêu sang từng lập trước đó.

Đơn vị này dẫn nguồn Báo cáo về Sự giàu có trên Thế giới cho thấy, số lượng cá nhân có tài sản ròng từ một triệu USD trở lên đã tăng gấp đôi trên toàn thế giới từ năm 2009 đến 2019, là nhóm khách hàng tiềm năng của dòng sản phẩm căn hộ hàng hiệu, mua với mục đích để ở hay đầu tư. Những người này thuộc nhóm dịch chuyển qua lại giữa nhiều thành phố lớn trên thế giới, sở hữu nhiều nhà và có nhu cầu cá nhân hóa tài sản để thể hiện đẳng cấp, địa vị. Họ chuộng nơi ở vừa có phong cách gia đình vừa đáp ứng dịch vụ cao cấp như khách sạn 5-6 sao.

Các căn hộ hàng hiệu luôn gắn liền với một hay nhiều thương hiệu nổi tiếng, được cho là lọt vào tầm ngắm của nhóm khách hàng có vốn từ một triệu USD trở lên này, song hiện chưa phải là sản phẩm phổ biến. Trên toàn thế giới, số lượng căn hộ có thương hiệu chỉ khoảng 55.000 căn trong hơn 400 dự án. Các thương hiệu thời trang cao cấp như Giorgio Armani, Karl Lagerfeld và các nhà sản xuất xe hơi Aston Martin, Porsche, gần đây đã tham gia vào thị trường ngách này.

Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao Thị trường Việt Nam của JLL cho biết, Việt Nam được định vị là thị trường khá mới mẻ đối với phân khúc nhà ở có thương hiệu. Tuy nhiên, nhờ sự hội nhập sâu rộng với thế giới, tăng trưởng kinh tế cao và tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp siêu giàu, Việt Nam bắt đầu xuất hiện các sản phẩm bất động sản hàng hiệu gây chú ý trong khu vực. JLL dự báo, ba điểm nóng TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng có thị trường bất động sản sôi động, có nhận diện đối với nhà đầu tư quốc tế cao, sẽ là miền đất hứa cho mô hình căn hộ hàng hiệu tại thị trường Việt Nam thời gian tới.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam về thị trường ngách căn hộ hàng hiệu (branded residence) cho biết, nhóm người giàu và siêu giàu là khách hàng tiềm năng của loại bất động sản xa xỉ này. Đơn vị này cũng xác nhận phân khúc căn hộ hàng hiệu đã thiết lập mức giao dịch 18.000 USD một m2 cho căn hộ tại quận 1, TP HCM đầu quý II/2021 và sẽ còn tiếp tục xuất hiện thêm nguồn cung mới trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn có không ít quan ngại căn hộ hàng hiệu giá triệu USD không dễ "lấy lòng" giới nhà giàu Việt. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đánh giá, mức giá trên dưới nửa tỷ đồng một m2 căn hộ hàng hiệu và lên đến triệu đô một sản phẩm tuy nhắm đến giới nhà giàu và siêu giàu nhưng vẫn có thể bị dội tâm lý. Bởi lẽ, nhóm khách hàng có dòng tiền hàng triệu USD tại Việt Nam vẫn có thể tăng phòng thủ trong giai đoạn đại dịch bùng phát và so sánh căn hộ hàng hiệu với biệt thự hạng sang giá trị tương đương cũng xa xỉ không kém.

Theo ông Quang, trong khi diễn biến của đại dịch tại Việt Nam và thế giới vẫn khó lường, nhiều thương hiệu khách sạn khó khăn và tài sản khách sạn sụt giảm giá trị, các chủ đầu tư muốn nhập khẩu thương hiệu quốc tế vào Việt Nam để phát triển bất động sản hàng hiệu có phần hơi vội vàng.

Đoàn Dự