Bước mới của WeWork

truong.bui

16/05/2019 19:17

WeWork đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và cũng "đốt tiền" không ít. Doanh thu của công ty tăng 106% trong năm ngoái, lên 1,8 tỉ USD, nhưng thua lỗ cũng tăng gấp đôi lên 1,9 tỉ USD.

Công ty cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ WeWork đã thành lập công ty có vốn 2,9 tỉ USD để đầu tư và sở hữu tòa nhà, nhằm giải quyết vấn đề gia tăng chi phí.

Lượng thành viên của WeWork tính tới quý đầu năm 2019 tăng lên 466.000 thành viên từ mức 219.000 thành viên cách đây một năm. Trong đó, số khách hàng doanh nghiệp có trên 1.000 thành viên chiếm 40% lượng thành viên của WeWork.

Ý tưởng của công ty là bỏ ra một lượng lớn chi phí để tân trang lại không gian tòa nhà và tìm kiếm khách thuê, khi đó tòa nhà sẽ tạo ra lợi nhuận hoạt động đáng kể, với biên lợi nhuận có thể đạt tới 30%.

WeWork đang bận rộn với kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Mới đây, công ty cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ này đã thành lập một công ty để mua lại một số tòa nhà cho khách thuê.

Một góc văn phòng chia sẻ của WeWork. Ảnh: Nhật Duy
Một góc văn phòng chia sẻ của WeWork tại TP.HCM. Ảnh: Nhật Duy

Công ty con mới có tên là ARK, sẽ triển khai các khoản đầu tư hiện hữu trong ngành bất động sản, bao gồm các tòa nhà của công ty cổ phần chưa niêm yết Rhone và của đồng sáng lập WeWork Adam Neumann. ARK cũng được rót vốn 1 tỉ USD từ công ty đầu tư tới từ Canada Caisse de depot et placement du Quebec.

Đó là một cách để WeWork giải quyết vấn đề gia tăng chi phí thuê mặt bằng và bổ sung vào dòng tiền cho công ty. Nhưng nếu khách thuê hay thay đổi hoặc có nhu cầu trợ giá thuê, việc sở hữu tòa nhà xem ra không đem lại nhiều lợi ích.

Có những thuận lợi cho WeWork. WeWork có thể mua lại các tòa nhà mà công ty này muốn, hơn là chỉ cung cấp các mặt bằng văn phòng cho thuê trong dài hạn. Nếu các mặt bằng văn phòng còn lại trong tòa nhà mà WeWork mua thu hút các khách thuê khác, công ty có thể thu lợi nhờ tiền thuê cao hơn được trả từ các khách thuê vốn không phải là khách hàng trực tiếp của văn phòng chia sẻ. Và khả năng công ty có thể bán lại tòa nhà có thể hữu ích nếu WeWork cần tiền.

Giới đầu tư muốn trở thành cổ đông của WeWork giờ đã có thêm yếu tố để để mắt tới trong vụ IPO của WeWork. Thị trường mà WeWork được định sẵn trước đây là cho thuê văn phòng, giờ công ty có thêm mảng sở hữu và quản lý tòa nhà.

Dù vậy, thách thức chính cho WeWork vẫn không hề thay đổi. Nhiều chi phí phải đầu tư trong dài hạn nhưng cũng đem lại không mấy doanh thu cho công ty. Và các khách thuê hưởng lợi từ các ưu đãi như giảm giá thuê, có thể được áp dụng nhiều hơn khi thị trường cạnh tranh hơn. Nếu người thuê văn phòng đòi hỏi các điều khoản thuê tốt hơn, hoặc bỏ trốn hay phá sản, WeWork sẽ phải đối mặt thêm vấn đề, cho dù có sở hữu một phần tòa nhà hay không.

Nhật Duy

truong.bui
Bạn đang đọc bài viết "Bước mới của WeWork " tại chuyên mục Khoa học quản lý.