Ngày 26 tháng 8, đoàn công tác liên ngành do đồng chí Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm trưởng đoàn đã đến làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam/LHHVN), tham gia đoàn công tác có đại diện Ban Dân vận Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, các vụ chức năng của Bộ Nội vụ.
Quang cảnh buổi làm việc
Chủ trì buổi làm việc, về phía Liên hiệp Hội Việt Nam có đồng chí Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, lãnh đạo các Ban/Văn phòng của Liên hiệp Hội Việt Nam; đại diện một số hội ngành toàn quốc, một số Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh/thành phố.
Theo báo cáo của Liên hiệp Hội Việt Nam được đồng chí Nguyễn Quyết Chiến, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam trình bày cho thấy, Liên hiệp Hội Việt Nam được thành lập từ năm 1983, trong gần 40 năm qua, với 8 kỳ Đại hội, LHHVN đã có những bước phát triển lớn mạnh, ngày càng thực hiện tốt vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN người Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần phát triển KT-XH, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trong nhiều năm qua, LHHVN luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, MTTQVN, sự phối hợp và hỗ trợ của các Ban, Bộ, ngành, cơ quan TW và cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó từng bước tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của LHHVN từ TW đến các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, mở rộng mạng lưới tập hợp đội ngũ trí thức thông qua các hội, tổng hội, hiệp hội, các tổ chức KH&CN.
Báo cáo cũng cho thấy, từ khi thành lập đến nay, toàn hệ thống LHHVN đã chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao và đạt được những kết quả tích cực. Công tác tập hợp, đoàn kết trí thức được đổi mới, công tác chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ trí thức KH&CN được quan tâm hơn, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước. Hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội từ TW đến tỉnh, thành phố trực thuộc TW ngày được củng cố và hoàn thiện; các Liên hiệp hội địa phương sử dụng chung Điều lệ LHHVN theo đúng quy định.
Nội dung và phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú; hoạt động tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu được LHHVN khởi xướng và lan tỏa tới nhiều Liên hiệp hội địa phương và Hội ngành toàn quốc. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã có nhiều đóng góp thiết thực trong việc hoàn thiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hoạt động phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế cũng đạt được nhiều kết quả rất đáng kể, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một số tồn tại, hạn chế cũng được chỉ ra trong báo cáo đó là: Các văn bản quy định về địa vị pháp lý của LHHVN ở cấp TW và địa phương là tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ. Mặc dù LHHVN được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ khẳng định là tổ chức chính trị - xã hội, có hệ thống từ TW đến các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, nhưng hiện tại vẫn thiếu văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa đầy đủ các chủ trương trên thành các cơ chế, chính sách như đối với các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ TW về công tác tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, các hoạt động đối với Liên hiệp hội địa phương. Công tác quản lý, hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bản và tổ chức KH&CN trực thuộc tuy có được quan tâm hơn trong thời gian gần đây, nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và vai trò là cơ quan chủ quản của LHHVN trong tình hình mới.
Là tổ chức chính trị - xã hội, nhưng cơ cấu tổ chức bộ máy chưa thống nhất từ TW đến địa phương và giữa các địa phương với nhau. Mặc dù Chỉ thị số 42-CT/TW đã ban hành được trên 12 năm (nay đã có Kết luận số 93-KL/TW ngày 20/11/2020 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42); Quy định số 24-QĐ/TW ngày 20/7/2021 của Ban Chấp hành TW về “Thi hành điều lệ Đảng”, nhưng đến nay chỉ có 53/63 Liên hiệp hội địa phương có tổ chức đảng đoàn.
Tổ chức bộ máy và nhân sự lãnh đạo của các Liên hiệp Hội địa phương còn nhiều khác biệt, chưa thống nhất; thiếu văn bản pháp lý quy định nhân sự trong biên chế được Nhà nước giao làm việc tại cơ quan Liên hiệp Hội ở TW và địa phương là công chức, viên chức như các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Biên chế của Liên hiệp Hội ở TW và địa phương còn rất hạn chế, khó đảm bảo cho công việc. Các hội ngành toàn quốc, các tổ chức KH&CN trực thuộc ít có cơ hội tiếp cận với nguồn kinh phí từ NSNN.
Nhiều kết quả hoạt động và thành tựu của Liên hiệp Hội ở TW, địa phương, các Hội ngành toàn quốc và tổ chức KH&CN trực thuộc chưa được xã hội biết đếnkiện toàn tổ chức, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động động.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận những vấn đề như khó khăn vướng mắc, những thành tích đạt của Liên hiệp Hội Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như có một số tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam vi phạm hoạt động đã bị các cơ quan chức năng đã xử lý; còn có một số cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam vi phạm tôn chỉ mục đích, thiếu nhạy cảm chính trị…
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ thống nhất với các đại biểu đánh giá cao các kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam thời gian qua. Đồng thời, đồng chí khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xác định Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ và điều đó không có gì thay đổi, trong thời gian tới các đơn vị chức năng của Bộ Nội vụ cần cụ thể hóa để đảm bảo Liên hiệp Hội Việt Nam thực sự là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh như Chỉ thị 42 ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị đã đề ra. Đồng chí cũng cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, rất mong Liên hiệp Hội Việt Nam góp ý thắng thắn, toàn diện nhất để Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện được dự thảo trình Chính phủ trong thời gian tới. Đối với các kiến nghị của Liên hiệp Hội Việt Nam, Đoàn công tác sẽ ghi nhận, tổng hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.