Bình Phước thu hồi đất loạt dự án bỏ hoang: Hết thời chủ đầu tư “ôm đất chờ thời”?

Văn Đức

09/05/2023 11:15

Trước thực trạng nhiều dự án tại Bình Phước chậm tiến độ, bỏ hoang một thời gian dài nhưng chủ đầu tư vẫn quyết ôm đất để chờ thời, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở vùng dự án, mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã quyết định chỉ đạo thu hồi đất nhiều dự án thuộc các "ông lớn" BĐS có tiếng trên địa bàn tỉnh. Trong số này có dự án Cụm công nghiệp và Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ của Công ty Mỹ Lệ TNHH.

Hiện nay, khi quỹ đất khu vực trung tâm hạn hẹp, trong khi các dự án hạ tầng tăng kết nối vùng vệ tinh với TP.HCM ngày càng phát triển, dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) có xu hướng dịch chuyển ra những khu vực lân cận cũng tăng theo.

Theo các chuyên gia BĐS, trong vài năm trở lại đây, khi thị trường BĐS các địa phương khác bắt đầu có dấu hiệu bão hòa, thì thị trường địa ốc Bình Phước lại tăng tốc phát triển với sự xuất hiện của nhiều dự án mới, có quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp tên tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, nhà đầu tư nên cẩn trọng bởi thị trường này vẫn chưa hoàn toàn là “miền đất hứa” mà vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một thực tế đang diễn ra, mới đây, hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã bị thu hồi đất cũng như đưa vào diện xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, nguồn tin của Nhà Quản Lý cho biết, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Công văn số 1411/UBND-KT liên quan đến 41 dự án không đưa đất vào sử dụng và chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 26 dự án không đưa đất vào sử dụng và 15 dự án chậm tiến độ sử dụng đất.

Trong 41 dự án vi phạm về tiến độ sử dụng đất là các dự án có mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất kinh doanh, đất xây dựng kho bãi, trạm thu mua và chế biến nông sản, nhà máy sản xuất và chế biến gỗ. Ngoài ra, có loạt dự án khu dân cư, thương mại dịch vụ cũng vi phạm tiến độ sử dụng đất.

1-1683603672.png
Nhiều dự án tại Bình Phước chậm tiến độ, bỏ hoang nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn quyết ôm đất để chờ thời, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở vùng dự án.

Các dự án này gồm: Khu dân cư Tân Khai (xã Tân Khai, huyện Hớn Quản) quy mô 50ha của liên danh Công ty TNHH Kiến Mỹ, Công ty TNHH Thái Việt Quang, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ du lịch 932. Chủ đầu tư dự án này chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sang đất ở.

Dự án kinh doanh thương mại dịch vụ (huyện Lộc Ninh) quy mô 3ha của Công ty Cổ phần Hà My; Khu dân cư – dịch vụ và cư xá công nhân (xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) quy mô 8,2ha của Công ty TNHH Sài Gòn Bình Phước.

Dự án xây dựng khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) quy mô 1,5ha của Công ty TNHH Thành Liêm; dự án xây dựng khu vui chơi văn hóa – thể thao thanh thiếu niên (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) quy mô 2,1ha của Công ty TNHH MTV Long Thuyền Tùng. 

hinh-2-1683603841.png
Sau nhiều lần đổi tên, hiện tại dự án Khu đô thị Thương mại -  Dịch vụ (xã Long Hưng) được giới thiệu chào bán với tên Felicia City Bình Phước.

Trong danh sách này còn có dự án Cụm công nghiệp và Khu đô thị Thương mại -  Dịch vụ (xã Long Hưng, huyện Phú Riềng) quy mô hơn 45ha của Công ty Mỹ Lệ TNHH. Nguồn gốc đất của dự án này được sử dụng với mục đích là đất cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, đất ở, đất hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù UBND tỉnh Bình Phước cho gia hạn nhưng chủ đầu tư là Công ty Mỹ Lệ TNHH lại “ôm đất” nhưng không đưa vào sử dụng nên đã bị cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước tiến hành thu hồi đất.

Trước đó, vào năm 2019 Công ty Mỹ Lệ TNHH đã phối hợp với các sàn phân phối bất động sản đã rao bán Cụm công nghiệp và Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ với tên thương mại là Khu đô thị Mỹ Lệ Capital rồi nhận tiền của rất nhiều khách hàng bằng “hợp đồng nguyên tắc” và “phiếu thu qua ngân hàng”, do bà Trần Thị Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Mỹ Lệ TNHH ký.

Sau khi bị hàng loạt cơ quan báo chí phản ảnh về việc huy động vốn khi chưa đủ điều kiện và vấn đề giao đất công không qua đấu giá, dự án này đã ngừng bán hàng một thời gian. Đến năm 2021 dự án Khu đô thị Mỹ Lệ Capital được chủ đầu tư đổi tên thành dự án Felicia City Bình Phước, do Tập đoàn Bất động sản Thiên An Holdings (trụ sở tại số 42 Nguyễn Cơ Thạch, phường An Lợi Đông, TP.Thủ Đức, TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thông là người đại diện pháp Luật) phân phối, giới thiệu đến hàng loạt khách hàng.

anh-chup-man-hinh-2023-05-09-luc-102016-sa-1683603983.png
Sau khi báo chí phản ánh, dự án Khu đô thị Mỹ Lệ Capital được chủ đầu tư đổi tên thành dự án Felicia City Bình Phước, do Tập đoàn Bất động sản Thiên An Holdings phân phối, giới thiệu đến hàng loạt khách hàng.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết dự án này hiện chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, chưa đủ điều kiện để giao dịch chuyển nhượng, kinh doanh. Đồng thời liên quan đến việc cho phép huy động vốn, Sở này vẫn chưa nhận được đề nghị của chủ đầu tư. Do đó, Sở này tiếp tục chỉ đạo thanh tra xây dựng phối hợp với các sở ngành, địa phương thực hiện công tác thanh tra kiểm tra, phát hiện và kiến nghị xử lý việc huy động vốn trái quy định tại dự án.

Theo các chuyên gia bất động sản, một số dự án chậm tiến độ hoặc không đưa vào sử dụng đất có thể do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Tuy nhiên thực tế có không ít chủ đầu tư "ôm" những mảnh đất có vị trí đắc địa, xây dựng cầm chừng để không bị thu hồi gây lãng phí, mất mỹ quan.

Việc UBND tỉnh Bình Phước kiên quyết xử lý và thu hồi đất hàng loạt dự án, trong đó có dự án Cụm công nghiệp và Khu đô thị Thương mại - Dịch vụ của Công ty Mỹ Lệ TNHH là một tín hiệu tích cực. Bởi nếu không thu hồi thì dự án tiếp tục bỏ không, gây lãng phí nguồn tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng và xáo trộn đến cuộc sống của người dân.

anh-chup-man-hinh-2023-05-09-luc-104858-sa-1683604158.png
Danh sách các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng tính đến ngày 30/9/2022.

Chia sẻ với báo giới, Luật sư Hà Huy Phong (Công ty Luật TNHH Inteco) cho biết, mặc dù việc thu hồi dự án đã được pháp luật quy định rõ ràng, nhưng thực hiện việc thu hồi dự án đang triển khai dở dang lại không hề dễ dàng do liên quan đến việc xử lý các tài sản gắn liền trên đất đã được triển khai xây dựng. Nhà đầu tư có quyền đòi hỏi quyền lợi, tuy nhiên pháp luật lại chưa có chế tài xử lý phần tài sản này. Chủ yếu việc giải quyết dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên chính quyền và chủ đầu tư.

Theo đó, chủ đầu tư dự án nếu không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa sẽ được cho phép gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó dự án sẽ bị xem xét để thu hồi.

Nhưng trên thực tế, đó là quy định cụ thể, nhưng các chủ đầu tư không thiếu gì cách để trốn tránh việc thu hồi, trả lại đất cho nhà nước.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, lý do thật sự khiến nhiều chủ đầu tư dù không còn năng lực triển khai dự án nhưng vẫn quyết không trả đất, là bởi đằng sau đó là ý định "ôm" đất chờ thời, bán sang nhượng cho doanh nghiệp khác với giá cao. So với thời điểm 4 năm trước, giá đất hiện nay tại Bình Phước chênh lệch không hề nhỏ.

Văn Đức