Bê bối WeWork và nguy cơ mang tính hệ thống

dang.pham

27/12/2019 13:14

Sự kiện WeWork có ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực bất động sản thương mại và tín dụng bất động sản?

Đầu tháng 9, WeWork thông báo sẽ hoãn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi bị phát hiện chỉ đạt giá trị bằng một phần năm mức định giá hồi đầu năm là 47 tỉ USD.

Dưới sự lãnh đạo của nhà đồng sáng lập “mơ mộng” (theo cách gọi của tờ The Economist) Adam Neumann, WeWork đã thua lỗ 1,25 tỉ USD sau chín tháng đầu năm nay. Tuy Neumann đã đồng ý từ chức giám đốc điều hành, song giới quan sát vẫn hoài nghi điều này là chưa đủ để cứu WeWork khỏi bờ vực khủng hoảng.

Nhà đồng sáng lập, Chủ tịch không điều hành của WeWork Adam Neumann
Nhà đồng sáng lập, Chủ tịch không điều hành của WeWork Adam Neumann

Với tốc độ chi tiêu hiện tại, WeWork được dự báo sẽ đốt sạch khoản tiền mặt 2,5 tỉ USD còn lại của họ trong vòng chưa đầy một năm. Việc từ chức của Neumann, người được nhắc tên đến 169 lần trong bản cáo bạch IPO của WeWork, được bình luận là sẽ đưa WeWork từ vị trí phải phát triển bằng mọi giá sang một công ty được điều hành tốt hơn về mặt tài chính.

Sau khi từ chức, Neumann hiện vẫn được giữ lại làm chủ tịch không điều hành. Viễn cảnh sụp đổ của WeWork vẫn còn đó và hậu quả của nó sẽ tác động đến cả những đối tượng bên ngoài công ty lẫn những nhà đầu tư. Đầu tiên, theo phân tích của The Economist, bê bối tại WeWork sẽ làm lu mờ triển vọng cho những công ty khởi nghiệp được định giá vượt mức khác cùng những nhà đầu tư vốn của họ, đáng chú ý là SoftBank của tỉ phú Masayoshi Son.

x

Thứ hai, những người nắm giữ 669 triệu USD trái phiếu của WeWork có thể bị tác động nặng nề. Theo hãng tin Bloomberg, những cái tên “cộm cán” bao gồm Lord Abbett, một hãng đầu tư đã cho WeWork vay 44 triệu USD và 21 triệu USD được rót từ hãng bảo hiểm Đức Allianz. Nhưng 669 triệu USD chỉ là hạt cát giữa “sa mạc” 9 nghìn tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp mà nước Mỹ đang nắm. Do đó, bất cứ sự lan tỏa nào vào thị trường tài chính thế giới đều sẽ bị hạn chế.

Khó khăn hơn, nhiều nhà tài chính và quản lý đặt câu hỏi rằng WeWork và những công ty trong lĩnh vực văn phòng chia sẻ có thể đe dọa tính ổn định tài chính. Eric Rosengren, chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Boston, đã phát biểu tại một hội nghị học thuật vào ngày 20.9 rằng: “Mô hình văn phòng mới này có tiềm năng qua mặt bất động sản thương mại”. Đầu tiên, theo ông quan sát, các hãng chia sẻ văn phòng thường được thuê dài hạn các không gian văn phòng được họ cho những công ty nhỏ thuê lại với thời hạn ngắn hơn.

Các công ty nhỏ thường dễ bị suy thoái, nên các hãng chia sẻ văn phòng, do dựa vào những công ty này để kiếm tiền, cũng dễ bị suy thoái tương ứng. Tiếp theo, các hãng chia sẻ văn phòng thường cho thuê các địa điểm riêng lẻ trong những pháp nhân có mục đích đặc biệt để ngăn chủ nhà đòi bồi thường nếu họ không trả được tiền thuê. Cuối cùng, theo dòng tranh luận, nếu chủ nhà bị thiệt hại, các ngân hàng có thể bị thiệt hại với số tiền đã cho họ vay.

Nhưng sử dụng các pháp nhân có mục đích đặc biệt không phải điều mới mẻ trong ngành cho thuê văn phòng. Hầu hết chủ sở hữu bất động sản “đã tính gộp cả sự mất giá”, Joseph Pagliari đến từ Trường University of Chicago Booth School of Business cho biết.

Những tập đoàn lớn, ít có khả năng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hiện chiếm khoảng 40% số khách thuê của WeWork. Bản cáo bạch của WeWork cho thấy đang có khoảng 17,9 tỉ USD tiền nợ thuê mặt bằng trên toàn cầu – nếu ngay ngày mai WeWork phá sản, các đối tác của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, khoản nợ của WeWork vẫn chỉ là “muối bỏ biển” so với con số khoảng 14-17 nghìn tỉ USD tiền thuê bất động sản riêng tại Mỹ.

Những không gian làm việc linh hoạt chiếm 8% tổng số mặt bằng thuê thương mại mới ở Mỹ. Song, khi người ta đánh giá rủi ro mang tính hệ thống, thì giá cổ phiếu mới là quan trọng. Hãng quản lý bất động sản Colliers đánh giá tỉ lệ này chỉ bằng 1,6% tổng diện tích văn phòng tại 19 thành phố hàng đầu nước Mỹ vào giữa năm 2018. Có nghĩa là ngay cả khi WeWork thật sự là một “lâu đài cát,” nó cũng chẳng thể nào làm lung lay nền tảng của hệ thống tài chính Mỹ.

Đông Phan

Bài viết được trích từ Báo cáo đặc biệt "Bài học từ cú ngã của kỳ lân" - Xem thêm tại đây >>>

Đón đọc bài viết tiếp theo: "WeWork - Blizscaling hay Blizflailing"

dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Bê bối WeWork và nguy cơ mang tính hệ thống" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.