So sánh về mức giá niêm yết bao gồm cả phí, nhìn chung Bamboo Airways thấp hơn Vietnam Airlines và cao hơn VietJet với cùng chặng và giờ bay. Bamboo Airways đã chọn một ngách tương đối mới mẻ trong thị trường hàng không Việt Nam, như cách mà VietJet đã làm hơn mười năm trước.
Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 37 đường bay kết nối tất cả thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế trong năm 2019. Trước mắt, hãng sẽ khai thác 8 đường bay với 26 chuyến bay/chiều/ngày để phục vụ cho dịp Tết, với các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Đồng Hới, Tp. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn, Hà Nội - Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội – Buôn Mê Thuột, Tp. Hồ Chí Minh - Vân Đồn... Trong năm 2019, những chuyến bay trên không phận quốc tế của Bamboo Airways tới các quốc gia thuộc khu vực Châu Á, bắt đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… và các nước châu Âu cũng sẽ được hãng triển khai bằng các tàu bay thân rộng. Hãng đã chốt kế hoạch bay quốc tế với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong khu vực châu Á, châu Âu để chuẩn bị cho các đường bay dài từ năm 2019 - thông cáo báo chí của Bamboo Airways cho biết.
Là công ty con của tập đoàn FLC, được biết đến với các bất động sản nghỉ dưỡng, sân golf ở khắp các tỉnh, thành, Bamboo Airways là một mắt xích trong hệ sinh thái du lịch mà FLC đã lên kế hoạch từ trước. Các chương trình du lịch được FLC đưa ra với lựa chọn máy bay Bamboo Airways, resort FLC, các hình thức giải trí khác cũng do tập đoàn này cung cấp. Khi sử dụng theo hình thức “combo”, mức giá sẽ được ưu tiên hơn nữa. Tăng tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn/resort cũng là một mục đích quan trọng không kém gì giấc mơ bay của ông Trịnh Văn Quyết, ông chủ FLC và Bamboo Airways.
Cục hàng không Việt Nam dự báo số số lượng khách đi máy bay tăng bình quân khoảng 14,2% trong giai đoạn 2015 – 2020 và sẽ đạt con số 122 triệu lượt vào năm 2020. Năm 2018, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trên cả nước ước đạt 106 triệu lượt, tăng 12,9% so với năm 2017. Hai năm liền trước, 2016 và 2017, mức tăng lần lượt là 28,6% và 16%.
Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thứ năm thế giới về số lượt khách hàng trong giai đoạn 2015 - 2035, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,7%/năm trong khi mức chung của thế giới là 3,9%, theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Thị trường hàng không Việt Nam đang được thống trị bởi hai hãng bay Vietnam Airlines và VietJet với thị phần gần như toàn bộ. Trước khi VietJet, một hãng hàng không giá rẻ thành lập vào năm 2007, thị trường nằm trong tay Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia với mô hình hàng không truyền thống.
Động lực tăng trưởng của ngành hàng không Đông Nam Á nói chung đến từ các hãng hàng không giá rẻ, báo cáo về ngành hàng không của Chứng khoán Bảo Việt năm 2018 nhận định.
Năm 2018, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15,5 triệu lượt, tăng gần 20%, đóng góp phần lớn trong số đó là khách hàng không (12,5 triệu lượt) - theo số liệu của tổng cục du lịch. Các đường bay kết nối các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản - các quốc gia chiếm số lượng khách áp đảo - đến các điểm du lịch trong nước có tiềm năng tăng trưởng rõ rệt.
Bầu trời bay đang rộng mở, nhưng mặt đất đang dần trở nên chật chội với sự tham gia của một hãng bay mới. Quá tải tại các sân bay, đặc biệt là sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất, đang là thách thức chung của ngành hàng không Việt Nam.
Hồng Lam