Bánh mì Việt Nam lên Google Doodles

thunguyen

24/03/2020 10:26

Lần đầu tiên bánh mì kẹp, một loại thức ăn đường phố phổ biến của Việt Nam được vinh danh trên công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới.

Trong thông báo ra ngày hôm nay, 24.3, Google mô tả bánh mì “đại diện cho sự hoà trộn thực sự của các nền văn hoá vào trong mỗi thành phần của bánh”. Bánh mì cũng được từ điển tiếng Anh Oxford đưa vào từ năm 2011.

Hình ảnh trên Google Doodles hôm nay mô tả một xe bán bánh mì điển hình tại Việt Nam, với hai ngăn đựng bánh mì, một mặt phẳng bày các món kẹp bánh mì và không gian nhỏ ở giữa để chế biến.

Một xe đẩy bán bánh mì cùng các món ăn đường phố khác tại TP.HCM (Ảnh: Bảo Zoãn)
Một xe đẩy bán bánh mì cùng các món ăn đường phố khác tại TP.HCM (Ảnh: Bảo Zoãn)

Trên website của Google, Olivia Huynh, người vẽ Doodles bánh mì, cho biết hiếm khi Google lấy hình ảnh thực phẩm làm Doodles. Cá nhân cô cho

Từ "banh mi" được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford với chú thích xuất phát từ tiếng Việt.
Từ "banh mi" được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford với chú thích có nguồn gốc từ tiếng Việt.
rằng thực phẩm là một chủ đề thú vị, bởi nó được dệt nên bởi ký ức hàng ngày. Với món ăn đường phố này, nhóm sáng tạo muốn truyền tải thông điệp biết ơn với những người bán thức ăn đường phố. Khác với các Doodles trước kia liên quan đến Việt Nam và chỉ xuất hiện tại trang chủ Google tại Việt Nam, Bánh Mì hiện xuất hiện tại trang chủ tìm kiếm của 10 quốc gia khác nhau trên thế giới (nhưng không có Pháp - quê hương của bánh mì).

Việt Nam không phải là quê hương của bánh mì, và loại lúa làm bánh mì hoàn toàn phải nhập khẩu. Năm 2019, Việt Nam chi gần 730 triệu USD để nhập khẩu lúa mì.

Sự biến tấu của loại thức ăn thông dụng này đã mang đến cho bánh mì một hương vị khác biệt. Bánh mì Việt Nam đã nhiều lần lọt vào danh sách các món ăn đường phố ngon nhất thế giới do các tạp chí uy tín bình chọn như Condé Nast Traveler, Huffington Post,...

Tại Việt Nam, bánh mì thường được kẹp với pate, trứng rán, thịt nướng, giò lụa, các loại rau dưa cùng nước sốt, tương ớt. Đây là món ăn có nhiều biến tấu khác biệt. Tại Sài Gòn, nơi có những tiệm bánh mì đầu tiên, người ta còn kẹp bánh mì với chả cá. Tại Hải Phòng, món bánh mì cay nổi tiếng được làm theo kích cỡ rất nhỏ, với thành phần đi kèm đơn giản là pate gan và tương ớt cay đặc biệt của thành phố này.

Việt Nam với nền văn hoá đa dạng của 54 dân tộc, được đánh giá có nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn. Philip Kotler - cha đẻ của marketing hiện đại, trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu vào năm 2007, đã từng nói "Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là “nhà bếp của thế giới”. Ông Kotler cho rằng cần biến thế mạnh về ẩm thực thành điểm thu hút của Việt Nam trong du lịch.

Không chỉ bánh mì, ẩm thực Việt Nam được biết đến với nhiều món ăn hấp dẫn như phở, bún chả, bún riêu, nem rán…

Google Doodles là một sự thay đổi đầy tính ngẫu hứng của Google dựa vào những ngày kỷ niệm, những ngày lễ lớn, hay cuộc đời các nghệ sĩ và các nhân vật có tầm ảnh hưởng. Những hình ảnh này được Google vẽ trên trang chủ tìm kiếm của mình, và hiển thị khác nhau tại từng quốc gia. Google Doodles chính thức ra đời vào ngày 30.8.1998 với hình ảnh về “burning man” – một sự kiện nghệ thuật thường niên tổ chức ở miền Tây Hoa Kỳ có nghi thức đốt tượng trưng một hình nộm bằng gỗ lớn.

Linh Anh

thunguyen
Bạn đang đọc bài viết "Bánh mì Việt Nam lên Google Doodles " tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.