Trong nhiều hội thảo về logistics tại Việt Nam, chi phí vận chuyển hàng xuyên quốc gia cao hơn nhiều lần so với phí giao hàng trong nước vẫn tiếp tục dấy lên nhiều băn khoăn. Vấn đề tưởng chừng như nghịch lý tuy nhiên, trong ngành vận tải, khái niệm này từ lâu được định nghĩa là “last mile” hay còn gọi là “chặng cuối”.
Khi chạm cảng, ga tàu, hàng hóa cần được vận chuyển đến các kho hoặc trong thương mại điện tử. Khi hàng hóa được vận chuyển đến các kho trung tâm, chúng cần phân loại và giao đến cho khách hàng. Khái niệm chặng cuối chỉ quãng đường cùng trong quá trình giao nhận hàng hóa, từ cảng hay kho trung tâm cuối đến điểm đích cuối cùng. Giao hàng chặng cuối chiếm từ 28%-40% trong tổng chi phí một chu trình vận tải, cao nhất trong cả quá trình vận chuyển, theo Gemadept.
Việc vận chuyển hàng hóa đường dài thường thực hiện bởi các phương tiện như tàu biển, xe tải với số lượng hàng hóa lớn và sự tham gia đông đảo của các hãng, chủ tàu. Lợi thế quy mô giúp chi phí vận chuyển của mỗi đơn vị hàng hóa giảm xuống. Tuy nhiên khi vào đến thành phố, thị trường bắt đầu phân mảnh, khiến cho số lượng bên cung cấp dịch vụ giảm và chi phí tăng. Ngoài ra các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng hạn chế khiến các tình trạng như tắc nghẽn giao thông, quy hoạch thành phố cũng khiến chi phí chặng cuối đội lên.
Sự bùng nổ của mua hàng online cũng khiến các nhà bán lẻ và công ty logistics phải tìm ra những phương án nhằm giảm bớt tính phân mảnh của thị trường, giúp giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng nhất có thể. Một trong số đó là hình thức giao hàng qua tủ khóa, nhằm tận dụng mạng lưới bán lẻ của các cửa hàng tiện lợi. Tại châu Âu, các tủ khóa này đặt tại khu thương mại, cửa hàng, trạm tàu điện ngầm - những địa điểm khách hàng có thể tự ghé lấy thay vì người giao hàng phải giao đến tận nhà của từng khách hàng. Các tủ khóa này được quản lý bằng mã code QR, hoặc tin nhắn.
Từ lâu Amazon đã áp dụng phương thức này tại nhiều nước trên thế giới, còn tại Việt Nam sàn thương mại điện tử Lazada cũng đang hợp tác với các cửa hàng tiện lợi như Circle K hay Ministop để tận dụng độ phủ của các chuỗi cửa hàng tiện lợi này. Riêng Circle K có tới gần 400 cửa hàng tại TP.HCM và liên tục mở rộng ra các tỉnh thành phố khác trong thời gian gần đây. “Tủ khóa ngày càng phổ biến vì tính tiện lợi của nó”, theo bà Tessa English, Giám đốc phụ trách mảng Bất động sản công nghiệp và Logistics tại JLL nhận định. “Hình thức này có thể giúp giảm quãng đường di chuyển của người giao hàng và giúp nhà bán lẻ cắt chi phí hiệu quả hơn”, bà English nói.
Là một doanh nghiệp khởi nguồn từ bài logistics xuyên tỉnh, GHN thành lập Ahamove để hoàn thành chặng cuối của quá trình giao hàng. Thừa hưởng lợi thế mà công ty mẹ, Ahamove tập trung giải quyết bài toán chặng cuối nội thành bằng cách áp dụng mô hình giao hàng trên ứng dụng. Khi hàng về những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, đối tác của Ahamove - đa phần là tài xế xe máy sẽ nhận đơn hàng từ công ty mẹ và đi phân phối cho các bưu cục nhỏ hơn hoặc cho khách hàng. GHN đi theo mô hình “Hub&Spoke” và mô hình “On-demand” của Ahamove giúp lấp đầy chỗ trống, giải quyết bài toán có quy mô nhỏ hơn cho công ty mẹ.
Trong cuộc đua này, các bên liên tiếp đưa ra các tính năng mới. Nhưng rõ ràng, Ahamove, Lalamove, Ship 60s đang nhắm đến tệp khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. “Bây giờ có nhiều công ty nên giá “ship” đã rẻ hơn nhiều so với trước đó”, Vương Thu Ngân, chủ một cửa hàng kinh doanh quần áo online chia sẻ. Trong một lần gửi đơn hàng trị giá gần hai triệu đồng, Ngân khá bất ngờ khi nhân viên của công ty logistics chấp nhận hình thức thu tiền hộ. Đặc điểm của những shop như Ngân là đa phần khách hàng không yêu cầu quá gấp, nên thường chọn gói “đồng giá” cho khách hàng trong khu vực nội thành.
Thị trường logistics bắt đầu tập trung nhiều hơn vào giải quyết bài toán nội thành với liên tục các dịch vụ giao hàng nội thành ra mắt như Lalamove, Ship 60s, Giao hàng tiết kiệm, Viettel Post (ứng dụng). Các ứng dụng gọi xe cũng bổ sung dịch vụ này như BeExpress, GoSend, Vato Delivery và tham gia làm đối tác cho các sàn thương mại điện tử.
Thậm chí, những khó khăn của chặn cuối cũng hình thành các ngành mới như dịch vụ phát triển máy bay tự lái giao hàng. Trong những năm gần đây, các trang thương mại điện tử lớn trên thế giới như Amazon, JD hay Alibaba cũng đã cho thử nghiệm các công nghệ như máy bay không người lái để giao hàng, đặc biệt là các khu vực có giao thông khó khăn.
Dâng Phạm