Bài học về thuật lãnh đạo từ Big Hero 6

Dương Tống - CEO HomeNext Corp

28/09/2022 14:17

Big Hero 6 không chỉ là một bộ phim hoạt hình dành cho trẻ em mà nội dung của nó còn ẩn chứa rất nhiều thông điệp sâu sắc và nhân văn. Dưới đây là 14 bài học về thuật lãnh đạo mà bạn có thể học được từ bộ phim này.

Big Hero 6 là một tựa phim hoạt hình bùng nổ doanh thu phòng vé năm 2014. Đây là một bộ phim của Disney nhưng mang DNA của Marvel, với những pha chiến đấu mãn nhãn và một câu chuyện đủ sức lay động tâm hồn của các khán giả.

Mà khoan, đây chỉ là phim hoạt hình, chỉ để cho trẻ em xem thôi mà? Sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta vẫn giữ quan điểm này. Ngày bé, chúng ta xem hoạt hình để giải trí. Nhưng khi chúng ta lớn lên, chúng ta xem hoạt hình để ngẫm nghĩ.

Trở lại với Big Hero 6, nếu bạn đã xem bộ phim này rồi thì bạn có nhận ra những bài học về thuật lãnh đạo sau khi xem hết phim hay không? Nếu chưa, hãy cùng HomeNext Academy đến thành phố San Fransokyo nhé.

Tóm tắt nội dung phim Big Hero 6

Bối cảnh của Big Hero 6 là thành phố hư cấu San Fransokyo. Có một cậu bé tên là Hiro Hamada. Dù mới 14 tuổi nhưng cậu là thiên tài chế tạo robot. Tuy nhiên, cậu lại vùi đầu vào những cuộc đấu robot phạm pháp để kiếm lời.

Hiro có một người anh tên là Tadashi. Không thể để em mình phí hoài tài năng vào những thứ vô bổ, Tadashi đưa Hiro đến Viện Công nghệ San Fransokyo, nơi mà anh đang học tập và nghiên cứu. Ở đây, Hiro gặp các bạn thân của anh trai, và Baymax – robot chăm sóc sức khoẻ do Tadashi chế tạo.

Baymax còn có một biệt danh thân thương mà fan Việt đặt cho. Đó là “Bảy Mập”, rất phù hợp với ngoại hình dễ thương và dễ ôm của Baymax.

Hiro bắt đầu có hứng thú và mong muốn to lớn là được học tại đây. Vì thế Tadashi nói với em mình rằng cậu phải phát minh ra một thứ gì đó thật hay ho để trình làng với mọi người tại buổi trưng bày thường niên của Viện Công nghệ.

Trên bàn đầy giấy nháp vò cục, Hiro bị bí ý tưởng. Cậu dường như sắp bỏ cuộc thì Tadashi đã xốc lại tinh thần cho cậu. Nhờ đó Hiro phát minh ra Bọ siêu nhỏ: các con robot kích thước nhỏ có thể liên kết với nhau bằng bộ điều khiển thần kinh.

Phát minh của Hiro đã thành công gây ấn tượng với giáo sư trưởng khoa robot của Viện Công nghệ – Robert Callaghan. Ông chấp nhận cho Hiro học tại trường. Bỗng nhiên hội trường bốc cháy, Tadashi xông vào cứu giáo sư nhưng không may anh qua đời.

Hiro chịu đã kích quá lớn sau cái chết của anh trai và tự thu mình lại. Một ngày nọ, cậu làm rơi robot xuống chân, vô tình kích hoạt Baymax. Ngoài ra cậu còn phát hiện con Bọ siêu nhỏ còn sót lại trong túi áo vẫn đang hoạt động.

Sau đó, Hiro và Baymax đi theo tín hiệu kết nối của Bọ siêu nhỏ. Họ đến một nhà kho bỏ hoang, nơi đó đang sản xuất hàng loạt Bọ siêu nhỏ. Và rồi họ bị tấn công bởi một người đàn ông đeo mặt nạ Kabuki điều khiển đám bọ đó.

Cậu nghi ngờ ông ta có liên quan đến cái chết của anh trai mình, liền trang bị cho Baymax áo giáp và con chip mới chứa các thế võ. Họ đi đến chạm trán người đàn ông đeo mặt nạ lần nữa, nhưng thất bại.

Sau đó, Hiro, Baymax và những người bạn thân của Tadashi đã thành lập một biệt đội siêu anh hùng với mục đích truy tìm danh tính tên đeo mặt nạ đó.

thuật lãnh đạo: biệt đội Big Hero 6Biệt đội anh hùng được Baymax đưa đến một hòn đảo bị cách ly, nơi mà Baymax phát hiện tên đó qua cảm biến của mình. Họ thấy lại biểu tượng chim én và một video thí nghiệm về cổng siêu không gian.

Sau khi xem video, họ phát hiện người phi công đi qua cổng siêu không gian là con gái của Callaghan, Abigail. Tên đeo mặt nạ xuất hiện, biệt đội lập tức đánh trả và phát hiện ra ông ta chính là giáo sư Callaghan.

Bởi vì cánh cổng siêu không gian bị hỏng khiến Abigail bị mắc kẹt trong đó, cho nên Callaghan đã trả thù Krei, giám đốc điều hành của Krei Tech. Do sự chủ quan của hắn mà con gái ông ta phải chết.

Do quá tức giận khi Callaghan cho rằng cái chết của Tadashi là lỗi của anh ta, Hiro rút con chip dữ liệu y tế và ra lệnh cho Baymax giết ông. Baymax trở nên tàn bạo và hung hăng, nhưng cả nhóm đã ngăn cản Baymax bằng cách gắn chip trở lại. Hiro hậm hực cùng Baymax bỏ đi.

Nhưng khi cậu thấy thước phim của Baymax. Đó là hình ảnh những lần anh trai Tadashi chế tạo robot. Hiro nhìn thấy niềm hạnh phúc của anh, cậu hối hận nhận ra sai lầm của mình.

Hiro tập hợp lại cả nhóm và lên đường ngăn chặn kế hoạch trả thù của Callaghan. Sáng hôm sau, khi lễ khai mạc Krei Tech đang diễn ra, Callaghan đem cánh cổng siêu không gian đến để trả thù.

Sau một hồi chiến đấu quyết liệt, biệt đội siêu anh hùng đã hạ gục được Callaghan và đám Bọ siêu nhỏ. Cánh cổng siêu không gian sắp phát nổ, nhưng Baymax lại phát hiện ra dấu hiệu sự sống của con gái Callaghan bên trong đó nhờ cảm biến của mình.

Hiro quyết định cùng Baymax bay vào cứu Abigail. Nhưng vì đỡ cho Hiro khỏi một mảnh vỡ công nghệ khổng lồ, phản lực trong bộ giáp của Baymax bị hỏng. Baymax quyết định hy sinh để Hiro và Abigail thoát ra ngoài an toàn. Cuối cùng Callaghan bị cảnh sát bắt, còn Abigail được đưa đi cấp cứu.

Vài tuần sau, Hiro đã nhập học tại trường. Cậu ở tại chính căn phòng mà anh trai mình từng sống. Bất ngờ cậu phát hiện con chip màu xanh, vốn là trái tim của Baymax, vẫn còn trong cánh tay của bộ giáp còn sót lại sau khi cứu Abigail.

Hiro đã chế tạo một Baymax mới với tấm thẻ xanh cũ. Baymax được hồi sinh, ôm Hiro vào lòng. Kết phim là cảnh biệt đội Big Hero 6 bay lượn quanh San Fransokyo.

Những bài học về thuật lãnh đạo trong Big Hero 6

Cùng với Fred, Go Go, Wasabi và Honey Lemon, Hiro và Baymax đã tạo nên một biệt đội siêu anh hùng vô cùng đặc biệt.

Nhưng, điều gì đã khiến Hiro trở nên khác biệt so với những người khác? Điều gì đã khiến cậu ấy trở thành thủ lĩnh đặc biệt của biệt đội siêu anh hùng, một biểu tượng tỏa sáng giữa các đồng đội của cậu ấy? Và chúng ta có thể học được gì từ các nhân vật còn lại?

Dưới đây là 14 bài học về thuật lãnh đạo mà bạn có thể học được từ bộ phim Big Hero 6.

1. Đừng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài

Mở đầu bộ phim chính là khung cảnh của một cuộc đấu robot trái phép. Hiro với con robot có phần ngô nghê rụt rè tiến lên thách đấu với kẻ vừa mới chiến thắng. Ở hiệp đầu tiên, con robot của cậu đã thất bại và bị đối thủ quật ngã. Nhưng Hiro không bỏ cuộc, cậu ấy yêu cầu một trận tái đấu.

Ngay lập tức, robot của Hiro thay đổi gương mặt từ màu xanh sang màu đỏ. Nó báo hiệu cho việc chế độ chiến đấu thực sự đã được bật. Kẻ chiến thắng kiêu ngạo ban nãy còn hả hê, giờ robot của hắn đã bị đứt đầu. Cuối cùng, Hiro đã giành chiến thắng trong trận đấu.

thuật lãnh đạo: Đừng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài

Có đến hai bài học là các nhà lãnh đạo có thể nhìn ra từ sự “trông mặt mà bắt hình dong” này. Điều đầu tiên, nếu bạn tự tin vào công việc kinh doanh của mình, bạn không nên từ bỏ nó khi thất bại và hãy tiếp tục cho đến khi bạn đạt được thành công.

Thứ hai, đừng chỉ dựa vào tính thẩm mĩ và chủ nghĩa thực dụng, có nhiều thứ hay ho hơn ẩn sau vẻ ngoài bình thường. Bởi vì, một cá nhân nổi bật đôi khi không mang lại thành công như cách làm của một người trông có vẻ bình thường nhưng phù hợp với sự lãnh đạo của bạn.

Đừng để ngoại hình là lý do để níu chân ai đó ở lại. Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ nhìn cấp dưới của mình đúng với con người thật của họ.

2. Hãy nhìn mọi thứ ở một khía cạnh khác 

Bạn có nhớ khi Hiro “gục ngã” trong đống bản thảo vò viên khi không tìm ra được ý tưởng chế tạo, anh trai Tadashi đã xốc lại tinh thần cho cậu bằng câu nói: “Sử dụng bộ não bự của em để tìm lối thoát đi nào… Nhìn theo khía cạnh khác.”

Bằng cách thay đổi quan điểm của Hiro, anh đã giúp em trai mình tìm ra một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề khó nhằn và xuất sắc được tuyển thẳng vào Viện Công nghệ San Fransokyo với phát minh Bọ siêu nhỏ.

thuật lãnh đạo: Hãy nhìn mọi thứ ở một khía cạnh khác 

Các nhà lãnh đạo nên đề cao tư tưởng nhìn mọi thứ từ nhiều góc độ khác nhau. Những ai khuyến khích đồng đội của mình thực hiện những cách tiếp cận sáng tạo trong công việc, đó là những nhà lãnh đạo thực sự thành công.

Có rất nhiều trường hợp chúng ta thấy mình bế tắc và không thể tìm ra được giải pháp khả thi cho vấn đề của mình. Trong những trường hợp như vậy, một nhà lãnh đạo giỏi cần lùi lại một bước và nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, hoặc là ở góc độ rộng lớn hơn, nhìn xa hơn. Khi đã nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh, bạn sẽ biết chính xác giải pháp nên nằm ở đâu và thực hiện nó như thế nào.

Ngoài ra, một người cố vấn tỉnh táo như Tadashi chính là sự trợ giúp đắc lực đối với các nhà lãnh đạo. Người đó có thể là sếp, là cấp trên, là bạn thân có khả năng tư vấn, hay chính từ những khoá học, những cuốn sách mà bạn đã đọc qua.

3. Trở thành nguồn động viên tinh thần cho nhau

thuật lãnh đạo: lãnh đạo nên là người động viên tinh thần cho nhân viên

“Nothing is better than the love and support of friends!”

Ngày Hiro đến buổi trưng bày thường niên của Viện Công nghệ để thuyết trình về sáng chế của mình, dì Cass, Tadashi và 4 người bạn của anh đã đến để cổ vũ cho Hiro. Dù rất hồi hộp và gặp một chút trục trặc nhỏ lúc mở đầu, Hiro đã hoàn thành xuất sắc màn trình diễn của mình với sự ủng hộ về mặt tinh thần vô cùng to lớn từ người thân và bạn bè. Ngay cả trong phân đoạn tua nhanh quá trình làm việc của Hiro, chúng ta vẫn có thể thấy thấp thoáng hình bóng nhóm của Tadashi đến để hỗ trợ cho cậu.

Lãnh đạo nên là người mang lại nguồn sức mạnh tinh thần cho nhân viên, ủng hộ và động viên họ để tập thể cùng nhau phát triển. Bạn trao cho cấp dưới sự động viên và giúp đỡ, họ sẽ tặng bạn những thành quả tuyệt vời. Đó là khoảnh khắc chúng ta đồng hành, cùng nhau giải quyết mọi thách thức để đến với những kết quả tốt đẹp nhất trong công việc.

4. Cho phép tình yêu và cảm xúc nuôi dưỡng trái tim

Đã bao giờ bạn cảm thấy bị tổn thương về mặt thể chất lẫn tinh thần? Nếu bạn đã từng trải qua những cảm giác đau đớn đó, chắc hẳn trong một khoảnh khắc bạn đã rất khó khăn để cho phép người khác bước vào tâm trí và an ủi bạn. Hãy nhớ lại khoảng thời gian Hiro đã phải đối mặt với sự hi sinh của anh trai Tadashi, khiến cho cậu sống khép mình không muốn gặp ai.

thuật lãnh đạo: Cho phép tình yêu và cảm xúc nuôi dưỡng trái tim

Baymax an ủi Hiro bằng một cái ôm

Những lúc như vậy, điều tốt nhất nên làm là cố gắng nhận sự an ủi, động viên từ ai đó. Các nhà lãnh đạo giỏi khi cảm thấy thất vọng và suy sụp, họ không thu mình vào một góc vì xấu hổ. Bởi vì họ không muốn nhân viên của mình cảm thấy buồn về những khó khăn mà họ đang gặp phải.

Họ không thích cho người khác thấy mặt yếu đuối của mình, vì họ là những người lãnh đạo. Tuy nhiên, ngay cả những người giỏi nhất trong chúng ta, đôi khi cũng có thể yêu cầu một người nào đó có khả năng lắng nghe những lời than phiền của mình.

Hãy để tình yêu thương nuôi dưỡng trái tim bạn, để khi bạn thấy mình đang gặp khó khăn, nhóm của bạn có thể giúp đỡ cho bạn. Bạn có thể liên hệ với người mà bạn tin tưởng nhất trong nhóm, và mở lòng để họ xoa dịu những tổn thương trong bạn.

5. Nhìn ra được điểm mạnh của nhau và chấp nhận sự khác biệt

Sau khi bị tên đeo mặt nạ tấn công, Hiro kết bạn với những người bạn thân của anh trai. Đó là cô nàng Honey Lemon điệu đà vô cùng giỏi hoá học. Một Wasabi đô con, kĩ tính và hơi nhát gan. Một Gogo cá tính với mái tóc ngắn nhuộm highlight và đam mê tốc độ. Còn Fred nhà giàu thì… ở dơ và mê hoá thành rồng phun lửa. Kể cả Baymax ban đầu chỉ là một chú robot hiền lành, tròn tròn mềm mềm chỉ có chức năng chăm sóc sức khoẻ và không biết gì về đánh đấm.

Hiro biết điểm mạnh của mỗi người nằm ở đâu và tự tay chế tạo cho họ những bộ giáp tương ứng với những phát minh của họ. Họ biết bản thân giỏi những gì, cộng thêm bộ giáp từ Hiro khiến cho sức mạnh tăng lên rất nhiều lần.

thuật lãnh đạo: Nhìn ra được điểm mạnh của nhau và chấp nhận sự khác biệt

Khi các thành viên trong nhóm làm việc cùng nhau, họ sẽ đạt được nhiều thành tích hơn so với những nhóm tin tưởng vào khả năng “solo” trong công việc. Mỗi thành viên trong một nhóm đều có cá tính khác nhau. Và một nhà lãnh đạo giỏi là người có khả năng hiểu họ khác nhau như thế nào.

6. Sẵn sàng đương đầu với khó khăn và đối mặt với thất bại

Ở phân đoạn Baymax cho Hiro xem quá trình anh trai Tadashi chế tạo robot, không bàn đến việc đây là một chi tiết khá cảm động, thì nó còn cho thấy sự cố gắng của Tadashi.

Dự án phát minh robot của anh đã trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, thử nghiệm đến phờ phạc cả người. “Tớ không bỏ rơi cậu đâu. Cậu vẫn chưa hiểu được mọi người cần cậu lắm đó. Cho nên quay lại làm việc thôi.” Và rồi, anh ấy đã thành công ở lần thử nghiệm 82… 83… à không, là lần thứ 84.

Tadashi biết rằng việc tạo ra Baymax để giúp đỡ người khác là điều quan trọng đến mức anh ấy không thể từ bỏ, dù cho phải đối mặt từ thất bại này đến thất bại khác. Bởi vì anh được tiếp thêm năng lượng để giúp đỡ người khác, không bao giờ bỏ cuộc và sức mạnh chính nghĩa đó giúp Tadashi tiến về phía trước.

Ngay cả lúc Baymax cứu Hiro khiến bộ giáp bị hỏng, cậu muốn Baymax trở về cùng mình nhưng không thể. Thì Baymax vẫn tìm ra cách dùng cánh tay phản lực còn sót lại để đẩy Hiro và Abigail ra ngoài an toàn, cho dù phải hy sinh bản thân mình.

Công việc lãnh đạo nói riêng hay bất kì công việc nói chung nào khác, đều có những thách thức mà bạn cần phải vượt qua. Bạn đang gặp thất bại và bạn sẵn sàng từ bỏ? Hay bạn sẽ tìm và thử một hoặc hai cách khác để công việc hoạt động trơn tru?

Các nhà lãnh đạo muốn tiến bộ và thấy doanh nghiệp của mình vượt trội hơn phần còn lại của đối thủ cạnh tranh cũng nên có một sự thôi thúc tương tự để thực hiện các mục tiêu. Tiếp tục những thử thách khác nhau để làm cho mọi thứ hoạt động theo hướng sáng tạo và tích cực là điều không chỉ dành riêng cho các nhà lãnh đạo, mà tất cả chúng ta cũng nên làm như thế.

7. Sách là nguồn kiến thức mà bất kì nhà lãnh đạo nào cũng phải có

Câu hỏi “Dì có nên mua một cuốn sách về làm mẹ không?” của dì Cass đơn thuần chỉ liên quan đến việc nuôi dưỡng con cái. Cô ấy cần giúp đỡ trong việc nuôi dạy con trẻ và muốn có một cuốn sách để tham khảo và học hỏi.

Tuy nhiên, từ đây ta có thể thấy kho tàng kiến thức vô tận từ những cuốn sách luôn dành cho bất kì thành phần nào trong cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả lãnh đạo. Đọc sách để tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới là việc không bao giờ dư thừa và luôn mang lại giá trị to lớn cho người đọc.

Nếu bạn thắc những cuốn sách liên quan đến lãnh đạo gồm có những quyển nào, hãy tải ngay trọn bộ ebook về lãnh đạo của HomeNext Academy để cải thiện khả năng lãnh đạo của bản thân nhé.

8. Làm việc có kế hoạch

Ở lần chạm trán thứ 2 với tên đeo mặt nạ, biệt đội siêu anh hùng đã gặp thất bại. Trong khi Wasabi đã cố gắng hỏi: “Rồi kế hoạch là gì?”, các đồng đội của anh ta vẫn lao vào chiến đấu một mình với mục tiêu lấy chiếc mặt nạ có gắn điều khiển Bọ siêu nhỏ, và bị tên đó hạ gục.

Sau khi sửa chữa những lỗi lầm, ở cuộc chiến cuối cùng thì Hiro đã nêu lên được giải pháp để hạ Callaghan. Đó là đánh vào lũ Bọ siêu nhỏ khiến chúng mất liên kết và bị cánh cổng siêu không gian nuốt chửng. “Kế hoạch là như vậy!”. Cả biệt đội tràn đầy khí thế tiến lên và chiến thắng.

Bạn thấy đó, Hiro có một đội ngũ rất mạnh với những người rất tài giỏi. Tuy nhiên, khi không có một kế hoạch cụ thể để làm việc, dù cho cá nhân mỗi người có mạnh đến cỡ nào, cả nhóm cũng không thể liên kết các sức mạnh đó lại với nhau. Từ đó, thất bại là điều đương nhiên.

Khi bạn là lãnh đạo, bạn không thể chỉ đưa ra mục tiêu là “lấy được mặt nạ”. Đằng sau nó còn là một kế hoạch chi tiết làm thế nào mới đạt được mục tiêu đó. Kết hợp với “nhìn mọi thứ ở một khía cạnh khác”, nó sẽ giúp chúng ta chủ động tiết kiệm thời gian và đạt được kết quả cao trong công việc. Và đặc biệt là không gây khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến đồng đội của mình.

9. Tuổi tác không phải là vấn đề

Tại sao bốn người bạn của Tadashi đều coi Hiro như là một thủ lĩnh tuyệt vời dù cậu mới chỉ 14 tuổi? Họ không chỉ đơn thuần giúp Hiro vì Tadashi hay coi cậu là một đứa em bé bỏng. Mà các anh chị ấy nhận ra Hiro là một người lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng.

Cậu đã dành tặng lòng tin của mình cho các anh chị, tự tay thiết kế và chế tạo từng bộ áo giáp chiến đấu ứng với điểm mạnh của từng người. Ngoài ra, Hiro nhìn ra được hướng đi khi các anh chị rơi vào vùng bế tắc. Và đương nhiên, Hiro luôn cùng họ vượt qua khó khăn.

Trong môi trường công sở hay bất cứ nơi nào có làm việc theo đội nhóm, năng lực và hiệu quả công việc luôn là tiêu chí được đánh giá cao. Do đó, tuổi tác không phải là vấn đề.

Lãnh đạo trẻ tuổi chưa chắc là một điều xấu để nhận lấy những bình phẩm ác ý. Lãnh đạo giỏi, dù là ở bất kì độ tuổi nào, luôn cần sự tự tin đi đôi với sự tôn trọng. Họ sẽ là người sẵn sàng lắng nghe tâm tư của cấp dưới, chuẩn bị cho nhân viên những cuộc họp, những buổi tập huấn giá trị. Và đồng hành cùng với nhân viên để tất cả cùng nhau phát triển.

10. “Đã… hết… pin… rồi.”

Một phân đoạn khá hài hước trong Big Hero 6 là khi Hiro và Baymax đến đồn cảnh sát khai báo sau khi bị tên đeo mặt nạ tấn công. Baymax bị xì hơi rất nhiều chỗ và nguồn năng lượng bắt đầu cạn kiệt. Tính cách của “Bảy Mập” thay đổi và hành động như một tên say rượu.

Baymax đã không còn là chính mình khi sắp hết pin. Vì thế, nguồn năng lượng thấp luôn có một lời cảnh báo. Các nhà lãnh đạo nói riêng hay chúng ta nói chung, rất khó để đưa ra một quyết định đúng đắn hay làm việc một cách hiệu quả khi chúng ta mệt mỏi và kiệt sức.

Chăm chỉ làm việc là một điều tốt. Tuy nhiên, bạn nên nhận thức được những gì bạn đang làm và mức năng lượng của bạn đang ở đâu. Hãy sẵn sàng dành ra thời gian để nghỉ ngơi và “sạc pin” cho bản thân mình, bởi vì đó là điều cần thiết.

11. Quyết định của người lãnh đạo cần phải có sự chính xác

Một chi tiết rất nhỏ ở phân cảnh thử nghiệm cánh cổng siêu không gian, nguyên nhân sâu xa cho sự trả thù của Callaghan là nằm ở đây. Ở lần thử nghiệm đầu tiên với chiếc mũ, Krei đã thành công. Nhưng đến lần thử nghiệm thứ hai, Krei thất bại khi đưa Abigail vào bên trong đó. Tại sao lại như vậy?

Giá như, Krei chịu lắng nghe cấp dưới của mình. Krei đã bất chấp lời cảnh báo của một nhân viên rằng cánh cổng đó có vấn đề, hắn vì lợi ích cá nhân vẫn cho tiếp tục cuộc thử nghiệm. Kết quả khiến một người bị mắc kẹt, một người tưởng mình đã mất con mà lên kế hoạch trả thù tàn khốc. Dù cuối phim, Abigail đã được cứu, nhưng còn đó là hậu quả tàn phá thành phố do Callaghan để lại.

Chúng ta có thể thấy rằng, quyết định của một người lãnh đạo có thể mang lại “hiệu ứng cánh bướm” lan truyền mạnh mẽ đến mức nào. Một quyết định vội vã, chỉ biết nghĩ cho lợi ích của bản thân, không chỉ làm ảnh hưởng đến cấp dưới, mà còn liên luỵ đến cả những người xung quanh.

Lãnh đạo phải là người đưa ra được quyết định nhanh chóng. Nhưng đi đôi với nhanh chóng phải là sự chính xác. Đôi khi, bạn cần phải chậm lại để có thời gian nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, lắng nghe ý kiến từ nhân viên thì quyết định của bạn sẽ có nhiều khả năng hiệu quả hơn.

12. “Ngọn lửa” tức giận sẽ thiêu rụi thành công

Khi Hiro phát hiện ra tên đeo mặt nạ là giáo sư Callaghan, mọi chuyện có lẽ sẽ dừng lại ở nỗi thất vọng của cậu ấy, nếu như hắn không nói với Hiro cái chết của Tadashi chính là lỗi mà anh trai tự gánh lấy.

Hiro tức giận thực sự. Cậu rút chip y tế của Baymax khiến cho robot trở nên hung tàn để tiêu diệt Callaghan. Baymax lúc này như mang hết tất cả sự tức giận của Hiro, sẵn sàng làm bị thương bất cứ ai ngăn cản mình.

Chỉ khi Honey Lemon gắn lại con chip, mọi chuyện mới trở lại bình thường. Baymax làm dịu tâm trạng của Hiro bằng thước phim của Tadashi, giúp cậu bình tĩnh lại và nhận ra lỗi lầm.

Mặc khác, sự tức giận đến mức lên kế hoạch trả thù của Callaghan bắt nguồn từ sai sót của Krei, khiến ông không thể gặp con gái mình. Sau khi biệt đội cứu được Abigail, cơ mặt hắn ta đã giãn ra, nhưng hắn phải trả giá cho những tổn thất mà hắn đã làm với thành phố.

Giận quá thường mất khôn. Nếu bạn không muốn công việc lãnh đạo của mình bị “mất khôn” khi tức giận, tốt nhất là gói cơn thịnh nộ của bạn trong một căn phòng và xoá tan nó. Điều đó tốt hơn rất nhiều so với việc cho cơn tức giận vào một chiếc hộp rồi ném thẳng vào đồng đội hay người thân của mình.

Không kiểm soát được cảm xúc chính là thứ khiến bạn trở thành một lãnh đạo tồi. Khi bạn biến mình thành một lãnh đạo kém hiệu quả, bạn đã vô tình tàn phá doanh nghiệp của bạn.

13. Trao dồi kiến thức từ những thứ xung quanh ta

Fred là một anh chàng thích truyện tranh, các nhân vật hành động và khoa học viễn tưởng. Sau khi bị tên đó tấn công, cả nhóm Hiro cần một lời giải thích xem kẻ thủ ác là ai. Fred đã làm gì?

Anh ấy nhặt những cuốn truyện tranh mình có và đưa chúng cho cả nhóm. Fred để cả nhóm đọc chúng và cho họ hình dung các nhân vật phản diện hoạt động như thế nào.

Dù Fred nhận nhầm kẻ phản diện là Krei, nhưng anh ấy đã sử dụng những thứ mình có, những kiến thức hiện tại của mình để thu hẹp khoảng cách “từ điểm A đến điểm B.”

Hãy nhìn xung quanh, sử dụng kiến thức của bạn để tìm kiếm xem cái gì có thể áp dụng vào các kế hoạch hay công việc không? Chắc chắn là có đấy và đó sẽ là một kiến thức mới để bạn làm giàu tri thức của mình.

14. Chúng ta làm được nhiều thứ hơn chúng ta nghĩ

Khi nghe lời đề nghị “nâng cấp” để chiến đấu, Wasabi và Honey Lemon có vẻ chần chừ. “Bọn chị muốn giúp nhưng bọn chị không thể.” Đó là điều hiển nhiên, bởi vì họ chưa từng chiến đấu ở đâu cả. Họ đơn giản chỉ là những sinh viên nghiên cứu.

“Không, các anh chị giỏi hơn rất nhiều.” Nhờ lời động viên của Hiro và Gogo, cả 6 người cùng đồng lòng trở thành biệt đội siêu anh hùng.

Đừng để sự nghi ngờ kìm hãm sức mạnh bên trong bạn. Bởi vì bạn rất tuyệt vời. Đội nhóm của bạn cần có niềm tin từ bạn, và bạn cũng phải có niềm tin từ chính bản thân mình.

Chiến đấu với Callaghan cũng giống như chiến đấu với những khó khăn trong công việc. Vì thế lãnh đạo cần động viên cấp dưới của mình, trao cho họ sự tin tưởng. Họ chính là những người đồng hành và giúp cho bạn vượt qua những khó khăn.

Kết luận

Big Hero 6 là một lựa chọn tuyệt vời khi bạn muốn tìm một bộ phim vừa có tính giải trí, vừa có các pha hành động và chứa đầy tính nhân văn. Các bài học về thuật lãnh đạo ở Big Hero 6 đương nhiên là không đầy đủ để dạy cho một nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, đó như một món ăn thú vị để bạn thưởng thức từ từ, và tìm ra những vị ngon tinh tế làm giàu thêm kiến thức lãnh đạo của bạn.

Dương Tống - CEO HomeNext Corp
Bạn đang đọc bài viết "Bài học về thuật lãnh đạo từ Big Hero 6" tại chuyên mục Khoa học quản lý.