Ba người phụ nữ quyền lực và giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là ai?

Mai Ngọc

07/10/2022 07:35

Mới đây, bảng xếp hạng Top 200 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã được cập nhật, công bố, tính đến ngày 5/10. Trong đó có 3 nữ tỷ phú với khối lượng tài sản lên đến 55.069 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Phương Thảo

Theo danh sách mới nhất, bà Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1970, tại Hà Nội), Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet, sở hữu tài sản vốn hóa khoảng 33.176 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà Thảo còn là là Chủ tịch HĐQT Sovico, một tập đoàn kinh tế đa ngành, có đóng góp quan trọng sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, bà cũng là Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank.

nguyen-thi-phuong-thao-1665097622.jpeg
Nguyễn Thị Phương Thảo.

Nữ CEO của Vietjet là người Việt Nam thứ hai được tạp chí Forbes ghi nhận là tỷ phú Đô la, sau ông Phạm Nhật Vượng. Đa phần số tài sản của bà là đến từ cổ phiếu niêm yết của Vietjet (VJC) sau khi hãng hàng không này ghi nhận lượng IPO đỉnh điểm vào tháng 2/2017.

Năm 21 tuổi, bằng tài kinh doanh của mình, bà Thảo đã nhanh chóng kiếm được 1 triệu USD nhờ kinh doanh nhựa cao su và máy fax.

Không lâu sau, bà Thảo trở về Việt Nam và góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank, tiếp đó là Ngân hàng VIB. Hai ngân hàng này nằm trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Sau 25 năm hoạt động trên thương trường, nữ CEO giờ đây là một trong những tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Phần lớn số tài sản của bà là từ cổ phần của hãng hàng không Vietjet Air và dự án bất động sản 65 ha, Dragon City (Phú Long) tại TP.HCM.

Tháng 9/2013, vợ chồng bà Thảo khiến dư luận trầm trồ khi hãng Hàng không Vietjet Air công bố đã ký thỏa thuận thu mua 100 chiếc máy bay Airbus với tổng trị giá 9.1 tỷ đô la.

Trước đó, tháng 5/2013, Vietjet Air đã ký thỏa thuận mua 100 chiếc máy bay Boeing 737 Max 200 của Tập đoàn Boeing nước Mỹ, với trị giá 11,3 tỷ USD. Hợp đồng tỷ đô này được ký kết trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Phạm Thu Hương

Bà Phạm Thu Hương (SN 1969, tại Hà Nội) còn được biết đến là vợ ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Bà Hương hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, sở hữu tài sản vốn hóa khoảng 12.338 tỉ đồng.

Bà Hương tốt nghiệp Cử nhân luật quốc tế tại Ukraine. Bà sở hữu hơn 150 triệu cổ phiếu VIC và nhiều năm liền nằm trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Có thể nói đằng sau mỗi sự thành công của Phạm Nhật Vượng nói riêng và tập đoàn Vingroup nói chung đều có bóng dáng của người phụ nữ tài ba này. Trong những tháng ngày mưu sinh nơi đất khách, Phạm Thu Hương luôn là ủng hộ vô điều kiện đối với chồng và cùng Phạm Nhật Vượng vượt qua mọi khó khăn.

1100-chan-dung-vo-chu-tich-pham-nhat-vuong-1665097280.jpeg
Bà Phạm Thu Hương.

Bà Hương là một trong những thành viên đầu tiên cùng sát cánh với tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong các ngày đầu khởi nghiệp. Năm 1993, vợ chồng bà Hương cùng một số bạn bè thân thiết lúc còn là sinh viên mới tốt nghiệp mới quyết định chuyển từ Moskva đến Kharkov để lập nghiệp. Công việc đầu tiên của vợ chồng bà Hương là thực hiện xây trung tâm thương mại đầu tiên dành cho người Việt.

Công việc kinh doanh dần lớn mạnh, vợ chồng bà thành lập nhà hàng đầu tiên của người Việt tại Kharkov được đặt tên rất thân thuộc là Thăng Long. Bà Hương giữ vai trò là giám đốc của nhà hàng này từ ban đầu.

Ngoài việc trực tiếp quản lý mọi công việc của nhà hàng với khoảng 40 nhân viên, bà còn dành thời gian ra để trực tiếp thiết kế trang trí và tuyển chọn các loại nguyên liệu, món ăn mới và ngon. Bà cũng gặp không ít khó khăn bởi chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà hàng.

Công việc ngày càng tiến triển tốt sau khi vợ chồng bà xây dựng thương hiệu mì ăn liền tên là Mivina. Tiếp theo đó là mở trường mẫu giáo, mở rộng nhà hàng, xây thêm các nhà máy mới mở rộng sản xuất và thành lập Tập đoàn Technocom. Từng bước đi lên, bà vẫn luôn sát cánh bên chồng mình.

Vào tháng 2/2010, công ty Technocom ở Ukraine của hai vợ chồng đã được mua bởi Nestle. Từ đó hai vợ chồng tập trung phát triển sự nghiệp tại Việt Nam. Mãi đến tháng 11/2011, Vincom và VinPearl chính thức được sáp nhập. Và trở thành CTCP tập đoàn đầu tư Việt Nam Vingroup.

Khi tập đoàn Technocom chuyển đại bản doanh về Việt Nam và đổi tên thành Vingroup, bà Hương được bầu làm Phó chủ tịch thường trực thứ hai (vai trò Phó chủ tịch thường trực thứ nhất do em gái bà là Phạm Thúy Hằng đảm nhiệm). Với việc quy mô tập đoàn Vingroup không ngừng phát triển vượt trội đã đưa ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, bà Hương cũng vì thế trở thành người phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam kéo dài suốt nhiều năm liền.

Vũ Thị Hiền

Bà Vũ Thị Hiền, còn được biết đến là vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Bà Hiền hiện sở hữu tài sản vốn hóa khoảng 9.555 tỉ đồng.

Không như các nữ tỷ phú chứng khoán top đầu trực tiếp đứng điều hành các tập đoàn nghìn tỷ khác. Bà Hiền không trực tiếp điều hành và quản lý công việc tại doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam.

Theo đó, bà Hiền âm thầm lùi về phía sau nhường sân khấu lớn cho chồng. Những thông tin về bà Vũ Thị Hiền là rất ít ỏi, bà cũng chưa từng lộ diện trước truyền thông. Bà Hiền chỉ được biết đến khi thường xuyên góp mặt trong top 10 danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam suốt một thời gian dài. 

Bà Hiền hiện là một trong những cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát khi đang trực tiếp sở hữu hơn 328 triệu cổ phiếu HPG.

a-121-1665097459.jpeg
Bà Vũ Thị Hiền.

Tập đoàn Hòa Phát do ông Trần Đình Long thành lập năm 1992 tại Hà Nội. Đến nay, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực Nội thất (1995), Ống thép (1996), Thép (2000), Điện lạnh (2001), Bất động sản (2001).

Năm 2007, Hòa Phát tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là Công ty mẹ cùng các Công ty thành viên và Công ty liên kết.

Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG. Đến tháng 3/2017, Hòa Phát có 11 công ty thành viên.

Tập đoàn Hòa Phát hoạt động chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Sắt thép xây dựng, ống thép và tôn mạ; các ngành nghề điện lạnh, nội thất, máy móc thiết bị; Bất động sản, gồm Bất động sản Khu công nghiệp, Bất động sản nhà ở; Lĩnh vực nông nghiệp gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi. Đến thời điểm hiện tại, sản xuất sắt thép là lĩnh vực sản xuất cốt lõi chiếm tỷ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn.

Hòa Phát hiện nắm giữ trên dưới 1/4 thị trường thép xây dựng tại Việt Nam với doanh thu năm 2017 đạt trên 46.000 tỷ đồng và thu về khoản lãi ròng cao kỷ lục: hơn 8.000 tỷ đồng. Định hướng phát triển của Hòa Phát là sẽ vào Top 50 Doanh nghiệp Thép lớn nhất thế giới với doanh thu trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm từ năm 2020.

Mai Ngọc