Bà chủ Tập đoàn Hoa Lâm rời ghế lãnh đạo ngân hàng Vietbank sau chưa đầy 1 năm

Quốc Đại

28/03/2024 09:57

Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) vừa có thông báo về việc miễn nhiệm chức danh phó Tổng Giám đốc đối với bà Trần Thị Lâm theo nguyện vọng cá nhân.

ba-tran-thi-lam-1711593909.jpeg
Chủ tịch Hoa Lâm Group - bà Trần Thị Lâm bất ngờ rời ghế lãnh đạo VietBank sau chưa đầy 1 năm.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác quản trị và điều hành,  bà Trần Thị Lâm được HĐQT VietBank bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc ngân hàng này từ ngày 19/5/2023.

Với quyết định miễn nhiệm trên, Ban Điều hành VietBank hiện còn lại 6 người, trong đó bà Trần Tuấn Anh giữ vai trò là Tổng Giám đốc ngân hàng.

Bà Trần Thị Lâm là một trong những cổ đông đầu tiên góp vốn và xây dựng VietBank từ những ngày đầu thành lập (năm 2006) với vốn điều lệ ban đầu ở mức 200 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, cổ đông sáng lập VietBank là những cá nhân, pháp nhân có liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Diệu Hiền.

Cụ thể, tiền thân nhóm cổ đông sáng lập VietBank là các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (thường được gọi là bầu Kiên).

Trong thời gian từ 6/12/2018 - 6/1/2019, ông Nguyễn Đức Kiên (đang thụ án) đã bán ra toàn bộ 6,61 triệu cổ phần sở hữu tại VietBank (tương đương với 2,035% vốn điều lệ ngân hàng). Sau khi bầu Kiên bán cổ phần, nhóm nữ đại gia Trần Thị Lâm thuộc Tập đoàn Hoa Lâm xuất hiện tại VietBank.

a1-1711594343.png
Vợ chồng bà Trần Thị Lâm và ông Dương Ngọc Hoà.

Trước đó, từ tháng 9/2006, ông Dương Ngọc Hòa, Tổng Giám đốc Hoa Lâm (chồng bà Trần Thị Lâm) làm Chủ tịch VietBank. Đến tháng 4/2021, con trai bà Trần Thị Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VietBank với nhiệm kỳ dự kiến kéo dài đến 2025.

Vào ngày 20/3 vừa qua, ông Nguyên đã thực hiện quyền mua hơn 4,8 triệu cổ phiếu VBB, qua đó số cổ phiếu VBB đang nắm giữ lên 27,89 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu là 4,83%. Hiện, các thành viên trong gia đình bà Trần Thị Lâm sở hữu tổng cộng 11,75% vốn ngân hàng Vietbank.

Về kết quả kinh doanh, năm 2023 Vietbank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Lãi ròng trước thuế đạt hơn 812 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt 647 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022 nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 111,3 tỷ đồng, giảm 63% so với năm trước.

h1-8543-1711594433.jpeg
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng nợ xấu của VietBank ở mức hơn 2.071 tỷ đồng

Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietbank ghi nhận ở mức 138.258 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước là 9.408 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần, tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác là 26.548 tỷ đồng, tăng 53% và cho vay khách hàng là 80.754 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Kết thúc năm 2023, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tại Vietbank là 23.139 tỷ đồng, tăng 24%; tiền gửi khách hàng là 89.995 tỷ đồng, tăng 17% so với số đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối năm, tổng nợ xấu của VietBank ở mức hơn 2.071 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Từ đó, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm từ mức 3,65% hồi đầu năm xuống còn 2,56%.      

Về Hoa Lâm, tập đoàn được thành lập từ năm 1993 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên và sáng lập bởi vợ chồng ông Dương Ngọc Hoà và bà Trần Thị Lâm. Đây là một trong những tập đoàn hoạt động đa ngành nghề và lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, bất động sản, y tế….

Giai đoạn ban đầu từ 1999-2004, Hoa Lâm gắn liền với mảng sản xuất và kinh doanh xe gắn máy với thương hiệu là Halim, sau đó thành lập liên doanh Hoa Lâm - Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco.

Năm 2008, Hoa Lâm được giao 37,5 ha đất tại quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) để xây dựng “thành phố y tế” với 6 bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế và nhiều trung tâm dịch vụ đi kèm phục vụ khu này. Khu Y tế kỹ thuật cao ra đời với liên doanh Hoa Lâm – Shangri La được thành lập có tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

Hiện nay, Bệnh viện Quốc tế City và Gia An 115 đã được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Đầu những năm 2010, Hoa Lâm cũng tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản. Tháng 7/2013, công ty khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà Lim Tower đầu tiên gồm 34 tầng tại 9-11 Tôn Đức Thắng (Q1, TP.HCM). Tháng 9/2015, tòa nhà Lim Tower 2 cũng đưa vào sử dụng với 18 tầng, tọa lạc tại ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Võ Văn Tần (Q3, TPHCM).

Ngày 10/12/2013, công ty ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư phát triển Trung tâm mua sắm Aeon – Bình Tân, với tổng vốn đầu tư khoảng 130 triệu USD.

Ngoài ra, Tập đoàn Hoa Lâm còn làm chủ đầu tư và xây dựng nhiều dự án lớn tại TP.HCM.

Quốc Đại