Âm thầm vào Việt Nam, chuỗi cà phê lớn nhất Đông Nam Á sẽ cạnh tranh như thế nào với Vinfast, đại gia Petrolimex và cả Masan?!

Ricky Hồ

06/05/2021 16:05

Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện Café Amazon đã nhanh chóng mở bốn tiệm tại Bến Tre, TP.HCM, Trà Vinh và Mỹ Tho. Nhưng các diễn biến kinh doanh mới nhất trên thị trường Việt Nam và Thái Lan lại cho thấy: chuỗi cà phê hàng đầu này sẽ không chỉ cạnh tranh với các chuỗi cà phê ở Việt Nam, mà sẽ nương theo các hoạt động của tập đoàn Central Retail và cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam.

 

pttchargingstation-1617537280.jpg

   

Một trạm sạc điện của PTTOR ở Bangkok. Hãng kinh doanh xăng dầu và bán lẻ Thái Lan đang chuyển nhanh sang các lĩnh vực phi dầu mỏ để đa dạng hóa mô hình kinh doanh và lợi nhuận, trong đó có nhu cầu nạp điện và cà phê hàng ngày. Ảnh: The Nation

Nạp điện và nạp cà phê…

Chính phủ nhiều nước trên thế giới bắt đầu thúc giục các hãng sản xuất xe chuyển dần sang sản xuất và kinh doanh các loại xe điện trong nỗ lực giới hạn và giảm thiểu dần lượng khí thải. Tại Thái Lan, nhà điều hành các trạm xăng lớn nhất Thái Lan luôn tin rằng người dân sẽ sớm chỉ cần hai nguồn nhiên liệu. Đó là điện và cà phê.

Bà Jiraporn Kaosawad, Giám đốc điều hành của Công ty kinh doanh bán lẻ và dầu mỏ (PTTOR), nói rằng tập đoàn này sẽ đầu tư 1,5 tỷ USD để hình thành hàng ngàn quán cà phê ở Thái Lan và nước ngoài để đa dạng hóa doanh thu bên cạnh lĩnh vực dầu mỏ. “Ngành công nghiệp dầu mỏ và nhiên liệu cần chuẩn bị cho sự bùng nổ của xe điện trong tương lai”, bà Jiraporn nói với hãng tin Reuters.

Bà nói rằng Café Amazon – chuỗi cửa tiệm cà phê số 1 ở Thái Lan – cần phát triển hơn nữa để tối đa hóa lợi nhuận từ các trạm sạc điện trong tương lai. Vài năm tới, người lái xe trong thời gian chờ đợi sạc điện xe hơi trong khoảng 20 phút cần được phục vụ giải khát, mua sắm. Bà Jiraporn nói rằng chiến lược kinh doanh mới của PTTOR xuất phát từ việc các chính phủ và tổ chức quốc tế kêu gọi và khuyến khích sử dụng xe điện trên quy mô toàn cầu nhằm hạn chế lượng khí thải xe hơi.

PTTOR hiện có 2.000 trạm xăng khắp Thái Lan và họ có kế hoạch mở thêm 500 trạm nữa vào năm 2025. Tập đoàn này sẽ tăng nhanh số cây xăng có trạm sạc điện từ 30 hiện nay lên 300 vào năm tới 2022.

Hiện số xe hơi chạy điện tại Thái Lan khoảng 200.000 chiếc. Chính phủ Thái Lan mong đợi số xe điện lăn bánh trên đường phố Thái Lan sẽ đạt 1,05 triệu xe vào năm 2025.

Các hoạt động kinh doanh dầu mỏ hiện chiếm 90% doanh thu của PTTOR. Kế hoạch chuyển sang các lĩnh vực phi dầu mỏ đòi hỏi số đầu tư lớn. Bà Jiraporn nói với Bangkok Post rằng tập đoàn có kế hoạch đầu tư đến 74 tỷ baht, khoảng 2,39 tỷ USD, trong 5 năm tới để tạo sự chuyển biến mới.

cafeamazon-1617537429.jpg
Việt Nam là quốc gia duy nhất Cfé Amazon mở rộng hoạt động trong năm 2020. Graphics: Café Amazon

“Ăn theo” tập đoàn Central Retail

Hình thành năm 2002, ban đầu Café Amazon chỉ là cửa hàng bán các mặt hàng tiện dụng cho người lái xe tại các trạm xăng như bánh kẹo, cà phê và vật dụng cá nhân. Hiện chuỗi phát triển tương tự như Starbucks với hơn 3.000 tiệm tại các trung tâm mua sắm hay tại các địa điểm riêng biệt. Mục tiêu của chuỗi là có 5.200 tiệm trong thời gian tới tại 11 quốc gia, gồm: Thái Lan, Lào (mở tiệm đầu tiên năm 2011), Campuchia (năm 2013), Nhật, Philippines và Myanmar (đều vào năm 2016), Oman (năm 2018), Trung Quốc, Malaysia và Singapore (đều vào năm 2019) và Việt Nam.

Bangkok Post nói các cửa hàng của Café Amazon có diện tích từ 40-200m2 và 85% số cửa hàng mở mới của chuỗi là nhượng quyền (franchise). Số còn do PTTOR đầu tư và liên doanh với các đối tác địa phương.

Chuỗi tuyên bố đầu tư 3,5 triệu USD vào Việt Nam cuối năm 2019, với 60% do PTTOR góp và 40% của Central Group. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến tháng 11/2020 Café Amazone mới mở cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Big C Go! Bến Tre. Cửa hàng thứ hai của chuỗi ở đường Phan Xích Long, Phú Nhuận – một trong những khu kinh doanh ẩm thực và giải trí nhộn nhịp nhất Việt Nam.

Đến đầu tháng 4 này, Café Amazon đã có thêm hai tiệm nữa đều thuộc các trung tâm thương mại Big C Go! ở Trà Vinh và Mỹ Tho.

Nếu nhìn vào cơ cấu vốn góp và sự xuất hiện của Café Amazon, không khó để nhận ra rằng số lượng các tiệm cà phê của chuỗi sẽ nhanh chóng mở rộng và lan theo mạng lưới phát triển của Central Retail thuộc Central Group. Điều này đã được chứng minh qua lời của ông Philippe Broianigo, CEO Central Retail Vietnam.

Trong buổi họp báo hôm 2/4 tại TP.HCM, tập đoàn này cho biết đã mở mới bốn trung tâm thương mại Go! tại Trà Vinh, Quảng Ngãi, Buôn Ma Thuộc, Bến Tre và một siêu thi mini Go! ở Quảng Nam.

CEO Broianigo nói Central Retail sẽ đầu tư 211 triệu USD để mở bốn trung tâm thương mại và đại siêu thị Go! tại Thái Nguyên, Bà Rịa, Thái Bình và Lào Cai cùng 1 siêu thị mini ở Tây Ninh.

"Chúng tôi sẽ xây dựng các thương hiệu trong lĩnh vực thực phẩm gắn kết chặt chẽ hơn và tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời phát triển các thương hiệu phi thực phẩm cũng như nền tảng đa kênh”, ông Philippe Broianigo phát biểu. Vị CEO nói tập đoàn sẽ đầu tư 35 tỷ baht, khoảng 1,1 tỷ USD trong 5 năm tới tại Việt Nam.

cafeamazonpxl-1617537564.jpg
Café Amazon mở quán thứ hai trên đường Phan Xích Long, Phú Nhuận. Dự kiến số quán của chuỗi sẽ tăng nhanh theo sự mở rộng của tập đoàn Central Retail. Ảnh: Archives

Cạnh tranh với Vinfast, Petrolimex và cả Masan?!

Và liệu lĩnh vực thực phẩm và phi thực phẩm mà tập đoàn Thái Lan nhắc đến có thể là các trạm sạc điện đi cùng với các quán Café Amazon trong tương lai?

“Điều đó là hoàn toàn có thể bởi các tập đoàn của Thái Lan luôn năng động trong việc đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh và tối đa hóa lợi nhuận các mảng kinh doanh”, một nhà phân tích kinh doanh tại TP.HCM phân tích. Ông cũng nói thêm rằng Central Group đã khẳng định vị thế của họ trên thị trường quốc tế. Còn Café Amazon luôn nhắc đi nhắc lại trở thành thương hiệu toàn cầu trong 5 năm tới.

Hiện PTTOR chưa thể bước vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam vì một số hạn chế trong nước. Chắc chắn, họ sẽ dựa vào mạng lưới kinh doanh của Central Group. Ngành sản xuất xe máy điện và xe hơi điện rất non trẻ tại Việt Nam hiện hoàn toàn thuộc “độc quyền” của Vingroup. Tuy nhiên, khả năng là trong tương lai, con đường bước vào lĩnh vực xe điện chắc chắn sẽ không là cửa hẹp như ngành kinh doanh xăng dầu.

Hiện toàn hệ thống Central Retail có 37 trung tâm thương mại và 230 cửa hàng trải dài trên 39 tỉnh, thành khắp Việt Nam. Tập đoàn này nói sẽ nâng con số lên 55 tỉnh thành của Việt Nam.

Chắc chắn họ sẽ không bao giờ bỏ các trạm sạc điện dành cho xe máy và xe hơi tại Việt Nam.

Và khi đó, họ là những đối thủ đáng gờm của hãng xe Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Những thông tin ban đầu mà Vietnam Business Insider nắm được là cả hai tập đoàn Việt Nam cùng một chuỗi siêu thị đang thảo luận và tìm các địa điểm xây dựng những trạm sạc điện đầu tiên dành cho máy điện và xe hơi điện tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác ở Việt Nam trong tương lai gần.

Khi chuỗi siêu thị VinMart đã thuộc 100% sở hữu của Masan và chuyển thành WinMart, biết đâu sẽ hình thành bộ ba Vinfast – Petrolimex – Masan để cạnh tranh với các hãng Thái trong một lĩnh vực hoàn toàn mới?

Ricky Hồ