Ai sẽ bảo vệ người dân, nhà đầu tư công chúng khỏi các lừa đảo?!

Lâm Minh Chánh - Founder & CEO tại Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni

07/12/2022 13:27

Sẽ có một tỷ lệ người có kiến thức vững vàng, tin đúng người, tin thì tin nhưng ký tá thì đọc kỹ…nên chế ngự được lòng tham, tránh được những bẫy tài chính. Nhưng có sẽ có một tỷ lệ người, chắc là không nhỏ, sẽ dễ dàng dính các bẫy tài chính. Vì thế tất cả các nước đều có luật, quy định và những cơ quan để bảo vệ người dân, bảo vệ nhà đầu tư công chúng.

ai-bao-ve-nguoi-dan-va-nha-dau-tu-1670230873.jpg  

Người dân bị lừa đảo tài chính vì 3 yếu tố chính: Tham, thiếu kiến thức, và tin sai người.

Yếu tố thứ nhất là Tham. Nói cho cùng thì ai cũng tham. Tham ít hay tham nhiều. Có người tham nhiều đến mức cứ nghe đến lợi nhuận cao 100%, 50%, 30% / năm là mắt sáng lên, cỡ nào cũng tham gia. Có những người tham ít hơn nên thận trọng hơn. Nhưng đừng ai nói rằng mình không tham. Ai cũng ham tiền cả, miễn là tiền sạch và không nguy hiểm, ít rủi ro.

Yếu tố thứ hai là Thiếu kiến thức. Thiếu kiến thức nên người ta dễ dàng tin vào các công ty thành lập trên Youtube, facebook. Thiếu kiến thức nên người ta sẵn sàng tin vào những lý luận kiểu trời ơi của One Coin, My Aladdin, Sky way…. Thiếu kiến thức nên người ta sẵn sàng mua những sản phẩm BĐS của Alibaba mà không cần biết đó là BĐS ảo, BĐS không hợp pháp, không tồn tại. Thiếu kiến thức nên người ta không đặt câu hỏi tại sao tiết kiệm linh hoạt (trái phiếu) mà lại có lãi suất cao hơn hơn tiết kiệm thường (tiền gởi ngân hàng)?

Yếu tố thứ ba là Tin sai người. Có người rất tin vào những người giàu thế thì bọn lừa đảo dùng hình của các tỷ phú rồi tuyên bố đó là các ông chủ của công ty. Có người chỉ tin những gì mình thấy trên mạng xã hội, thế thì bọn lừa đảo chụp hình check in nơi sang trọng, đi xe hơi xịn, nhà hàng 6 sao….Có người chỉ tin báo chí chính quy, thì bọn lừa đảo bỏ miền mua bài báo, mua bản tin. . Có người rất thận trọng, người chốn “giang hồ” không thể nào lừa được, nhưng lại rất tin lời tư vấn của nhân viên ngân hàng, nên mới có vụ khách hàng mua trai phiếu kiện ngân hàng SCB vì đã tư vấn, hỗ trợ phân phối trái phiếu ma, trái phiếu rác các loại.

Sẽ có một tỷ lệ người có kiến thức vững vàng, tin đúng người, tin thì tin nhưng ký tá thì đọc kỹ…nên chế ngự được lòng tham, tránh được những bẫy tài chính.

Nhưng có sẽ có một tỷ lệ người, chắc là không nhỏ, sẽ dễ dàng dính các bẫy tài chính.

Vì thế tất cả các nước đều có luật, quy định và những cơ quan để bảo vệ người dân, bảo vệ nhà đầu tư công chúng.

Ví dụ như Tiết kiệm, Tiền gởi, các sản phẩm khác tại các ngân hàng sẽ được bảo vệ bởi các luật, quy định liên quan và bởi Ngân hàng Nhà nước. NHNN sẽ giám sát chặc chẽ các ngân hàng để đảm bảo rằng các ngân hàng sẽ không bị rủi ro, và có khả năng thanh toán cho khách hàng, cho người dân. Dĩ nhiên, NHNN cũng không thể đảm bảo 100%, vì thế vẫn có rủi ro ngân hàng phá sản. Người dân phải hạn chế lòng tham, đừng gởi tiền vào ngân hàng có lãi suất quá cao, tiềm ẩn rủi ro.

Ví dụ như cổ phiếu, trái phiếu chứng chỉ quỹ đầu tư phát hành ra công chúng đều phải đạt những quy định của Ủy Ban Chứng Khoán, Bộ Tài chính. Các cơ quan này vừa giám sát hoạt động của các doanh nghiệp phát hành, vừa đảm bảo rằng họ cung cấp đủ thông tin đến người dân, công khai minh bạch.

Dĩ nhiên, vì chủ quan hay khách quan, sẽ có những trường hợp ngoại lệ.

Ví dụ như vụ việc FLC nâng khống vốn điều lệ, vụ việc trái phiếu Tân Hoàng Minh, vụ việc trái phiếu An đông (lừa đảo), và các trái phiếu DN ma do ngân hàng SCB hỗ trợ Tân Việt phân phối, và hàng loạt trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhưng lại bán ra công chúng…là những trường hợp mà cơ quan chức năng đã quản lý, giám sát không tốt. Chính vì thế Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Tất cả trái phiếu hiện nay đang có vấn đề là do phát hành không được kiểm soát. Cơ quan phải chịu trách nhiệm này là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước".

Dù bị "lọt lưới" một số trường hợp, nhưng ít nhất Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang thực hiện kiểm soát những sản phẩm trong trách nhiệm của họ.

Điều tôi muốn đặt ra là ai kiểm soát các sản phẩm bất động sản bán ra cho công chúng?

Alibaba kinh doanh lừa đảo hơn 5.000 khách hàng, với quy mô nhiều ngàn tỷ đồng, kéo dài 4, 5 năm mới bị bắt? Vì sao vậy: Luật không chế tài được hay không cơ quan nào thật sự giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp BĐS.

Điều tôi muốn hỏi là Cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm kiểm tra những việc sau: Những sản phẩm bất động sản bán ra công chúng xem chúng là ảo hay thật? Hợp đồng có đúng pháp lý không? Doanh nghiệp có công bố hết mọi rủi ro liên quan cho công chúng biết? Hợp đồng có bảo vệ người mua, bảo vệ công chúng hay không?

Nếu Việt Nam không có cơ quan làm việc này, thì chúng ta đang có một lỗ hở quá lớn. Nếu không nhanh chóng làm những việc này, thì trước sau gì, cũng sẽ lại những Alibaba, những doanh nghiệp BĐS lừa đảo khác.

Tôi trân trọng chuyển lời này đến quý vị đại biếu quốc hội, giảm bớt thời gian tranh luận những việc như số xe, bạo lực tài chính gia đình….để dành thời thời gian thảo luận những việc ảnh hướng đến hàng chục triệu người dân: làm sao để giảm việc cho vay nặng lãi và đòi nợ kiểu giang hồ, làm sao hạn chế việc phát hành cổ phiếu rác, trái phiếu doanh nghiệp vừa ma vừa rác, làm sao để nâng cao chất lượng tư vấn và phân phối sản phẩm tài chính, phải có kiến thức, có chứng chỉ chuyên môn thì mới được tư vấn những sản phẩm tài chính, làm sao để quản lý những sản phẩm bất động sản đang được chào bán đại trà ra cho người dân…

Những việc này mới là những việc lớn cần đến sự quan tâm của đại biểu quốc hội, và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Trân trọng.

Lâm Minh Chánh - Founder & CEO tại Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni