Lỗ khủng
Theo đó, kết thúc quý 3, thu nhập lãi thuần của ABB ghi nhận là 737,6 tỷ đồng (tăng 13,8%) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các mảng kinh doanh còn lại đều ghi nhận sự sụt giảm, thậm chí là lỗ.
Đặc biệt, ABB ghi nhận lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối (46,4 tỷ đồng), mua bán chứng khoán kinh doanh (3,7 tỷ đồng), và mua bán chứng khoán đầu tư (60 tỷ đồng), cùng với chi phí hoạt động ở mức trên 560 tỷ đồng. Tính chung, ABBank lỗ sau thuế gần 285 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng nhẹ lên mức 560,3 tỷ đồng. Thêm vào đó, ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro gấp 2,2 lần cùng kỳ, lên gần 526 tỷ đồng.
Kết quả, ABB báo lỗ trước thuế quý 3/2024 ở mức 343,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 29,5 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ABB đạt 180 tỷ đồng, giảm sâu so với 565 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Năm nay, ABB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với kết quả năm 2023 là 523 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả lũy kế trước thuế quý 3/2024 ở mức 239 tỷ đồng, mục tiêu này trở thành thách thức lớn khi chỉ còn một quý nữa là kết thúc năm 2024.
Bên cạnh việc lợi nhuận sụt giảm, chi phí cho nhân viên trong kỳ của ABB cũng giảm từ hơn 900 tỷ xuống gần 848 tỷ đồng, mặc dù số lượng nhân viên đã tăng từ 4.377 lên 4.428 người.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của ABB đạt 164.193,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng chưa tới 1%, từ 98.107,1 tỷ đồng lên 98.767,6 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) của ngân hàng tăng 10,5% lên 3.158 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 60% lên mức 1.653 tỷ đồng. Điều này đã kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,91% hồi đầu năm lên gần 3,2%.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tiền gửi khách hàng của ABBank đạt 91.089 tỷ đồng, giảm 8,9% so với đầu năm.
Mối liên quan với đại gia Vũ Văn Tiền
Vừa qua, ABB đã công bố danh sách gồm 19 cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên, gồm 16 cá nhân nắm hơn 33% vốn và 3 doanh nghiệp sở hữu hơn 33%.
Theo đó, đại gia Vũ Văn Tiền hiện là Phó Chủ tịch HĐQT ABB (ông Tiền còn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco) không nằm trong danh sách sở hữu trên 1% vốn. Tuy nhiên, trong danh sách công bố lại cho thấy một số cá nhân họ Vũ năm lượng lớn cổ phiếu của ABB. Đáng chú ý có bà Vũ Thị Hải Yến nắm giữ hơn 43,8 triệu cổ phiếu ngân hàng, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 4,2%. Ông Vũ Văn Hậu (em ruột của ông Vũ Văn Tiền) cũng đang nắm giữ 1,96%, đồng thời người có liên quan đến ông Hậu nắm giữ 15,45% cổ phần nhà băng.
Hai doanh nghiệp của đại gia Vũ Văn Tiền cũng đang sở hữu tổng cộng hơn 17% cổ phần nhà băng. Trong đó, Tập đoàn Geleximco nắm giữ 12,78%. Công ty cổ phần Glexhomes hoạt động trong lĩnh vực bất động sản giữ 4,42% vốn ABBank.
Glexhomes là thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Geleximco, chuyên quản lý và marketing các dự án bất động sản do Geleximco phát triển như Khu du lịch quốc tế đồi rồng, Hải An Center, An Bình Plaza, HTL Side Phú Yên... Chủ tịch Ngô Anh Trí và thành viên Hội đồng quản trị Glexhomes đều vốn là nhân sự tại Tập đoàn Geleximco.
Được biết, ông Vũ Văn Tiền từng là Chủ tịch ABB vào năm 2018, và sau đó vị trí này được thay thế bởi ông Đào Mạnh Kháng, em rể của ông. Ngoài ra, ông cũng từng giữ chức Chủ tịch HĐQT tại chứng khoán An Bình từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, trước khi vị trí này được chuyển giao cho em gái ông là bà Vũ Thị Hương, hiện là thành viên HĐQT của Geleximco.