Techcombank (HoSE: TCB) công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch trên với tỷ lệ tán thành đạt hơn 70,6% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, 2,2% cổ đông không tán thành, số còn lại không có ý kiến và không biểu quyết.
Trước đó, Techcombank đã có công bố lấy ý kiến cổ đông về việc mua 105 triệu cổ phiếu được TCBS chào bán riêng lẻ với giá dự kiến 95.600 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền đầu tư dự kiến là 10.038 tỷ đồng.
Sau đợt chào bán, vốn điều lệ của TCBS dự kiến sẽ tăng thêm 1.050 tỷ đồng, lên hơn 2.176 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày hoàn tất đợt chào bán.
Vốn tăng thêm từ Techcombank sẽ được TCBS sử dụng cho những mục đích như duy trì các mảng kinh doanh cốt lõi gồm cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư và quản lý gia sản. Cùng với đó, phần vốn tăng thêm sẽ đáp ứng được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng thị phần và số lượng khách hàng và nhu cầu khách hàng trong mảng kinh doanh giao dịch cổ phiếu và vay ký quỹ trong thời gian tới.
Ngoài ra, công ty sẽ đẩy mạnh các mảng tự doanh trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu nhằm tiếp tục duy trì mức lợi suất cao, và tiếp tục đầu tư vào công nghệ Wealthtech và khoa học dữ liệu.
Techcombank cho biết TCBS là công ty con của ngân hàng với tổng giá trị đầu tư của Techcombank là gần 1.000 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 88,8%. Hoàn tất đợt mua cổ phần chào bán riêng lẻ, tỷ lệ sở hữu của Techcombank tại TCBS sẽ tăng lên mức 94,2035% vốn điều lệ.
Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của Techcombank đạt 671,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2021. Danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng.
Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 222,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,0% danh mục tín dụng của Ngân hàng (tăng từ mức 36,4% cùng kỳ 2021); dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 22,7% so với cuối quý 3 năm 2021, đạt 70,7 nghìn tỷ đồng.
Tổng dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu) giảm 12,5%, đạt 161,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,5% dư nợ tín dụng toàn Ngân hàng và giảm đáng kể so với mức 48,5% tại quý 3/2021 và mức 37,7% của quý 2/2022.
Tổng tiền gửi tại ngày 30/9 là 318,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,3% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt mức 46,5%, vẫn ở vị thế đầu ngành, dù có giảm nhẹ so với mức 47,5% cuối quý 2/2022, trong bối cảnh chung toàn ngành khi thanh khoản hệ thống bớt dồi dào khi NHNN và chính phủ thực hiện một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá từ đầu năm đến nay.