Theo đó, NHNN cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Trong đó có 4 ngân hàng mua bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Hiện các nội dung tiếp theo đang được các bên liên quan thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng nói trên theo trình tự, thủ tục quy định.
Đối với trường hợp của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Phía NHNN cho biết, cũng đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại nhà “bank” này.
Thời gian qua, phía NHNN cũng đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp của người gửi tiền…
"Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB", báo cáo nêu.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị NHNN chỉ đạo khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là Ngân hàng SCB và lưu ý phải bảo đảm minh bạch, không thất thoát tài sản.
Về xử lý nợ xấu, theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2022 ở mức 2%. Song cuối tháng 2 đã tăng lên 2,91%, tăng 0,91% so với cuối 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).