Trong gần một năm, kể từ khi thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh vào ngày 3/1, các nhà đầu tư đã thử dò đáy và tìm xem xu hướng nào sẽ hình thành lợi nhuận trong tương lai.
Dù phần nào hồi phục, sự sụt giảm của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu trong năm nay vẫn rất lớn. Chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI đã giảm 18%. Nhiều tài sản đầu cơ khác còn giảm mạnh hơn. Giá trị thị trường tiền kỹ thuật số giảm xuống còn 840 tỷ USD, từ mức 3.000 tỷ USD vào năm 2021.
Các tài sản an toàn hơn cũng không thoát khỏi. Chỉ số trái phiếu của châu Âu và thị trường mới nổi đều giảm 15%, trong khi của Mỹ giảm 11%, theo dữ liệu của Bloomberg.
Năm nay cũng là thời điểm công thức đầu tư "ruột" 60/40, tức 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu - lâu nay giúp nhiều nhà đầu tư vừa có lợi nhuận vừa không gặp rủi ro lớn - mang lại kết quả rất tệ.
Thông thường, danh mục đầu tư phân bổ nhiều hơn cho trái phiếu và ít hơn cho cổ phiếu được coi là ít rủi ro hơn. Nhưng nhà quản lý tài sản Alex Funk của Schroder, cho biết tổn thất đối với trái phiếu năm nay quá lớn nên quy tắc này không phải lúc nào cũng đúng.
Những nơi được xem là an toàn khác cũng ít có khả năng trú ẩn hơn. Vàng, được một số người coi là hàng rào chống lại sự thất thường của thị trường tài chính và lạm phát, đã giảm 3%. Đầu năm nay, cần 115 yen Nhật đổi một USD, nhưng giờ phải cần 136 yen. Năm nay, nếu đặt cược đúng lúc các hàng hóa nguyên - nhiên liệu thì có thể được đền đáp xứng đáng. Cuộc xung đột Ukraine đã giúp một số loại trong đó tăng giá.
Dù vậy, nhìn chung, việc các thị trường lao dốc trong năm nay cho thấy hình thái kinh tế vĩ mô tồn tại hàng chục năm nay đã sụp đổ. Lạm phát cao, chưa từng thấy ở các nước giàu kể từ những năm 1980, đã quay trở lại. Nó đã chấm dứt một thập niên lãi suất cơ bản gần như bằng không.
Kết quả là, các quy tắc đầu tư đang được viết lại. Bảo vệ danh mục đầu tư khỏi lạm phát, từng ít được chú ý giờ là mối quan tâm hàng đầu. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng làm cho các tài sản rủi ro ít được ưa chuộng hơn.
Trước 2022, khi lợi suất trái phiếu chính phủ ngày càng thấp, sự tuyệt vọng của các nhà đầu tư khao khát lợi suất được gói gọn trong từ viết tắt "tina" (there is no alternative - không có sự thay thế nào). Nói đơn giản, vì trái phiếu chính phủ lời ít nên họ đành đổ tiền vào cổ phiếu. Cách tiếp cận này đã giúp thúc đẩy các thị trường chứng khoán trên thế giới tăng mạnh. Từ mức thấp nhất vào năm 2009 đến mức cao nhất vào cuối năm 2021, S&P 500 đã tăng 600%.
Ngoài ra, tâm lý "tina" đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư mua các tài sản khó hiểu hoặc kém thanh khoản hơn, với hy vọng kiếm được lợi nhuận kha khá. Các quỹ đầu tư tư nhân đã là những nhà đầu tư lớn vào các công ty chưa niêm yết kể từ khi bùng nổ hoạt động mua lại vào những năm 1980.
Các khoản vay giá rẻ, có sẵn sau cuộc khủng hoảng tài chính, đã châm ngòi cho ngành công nghiệp thâu tóm bằng đòn bẩy. Các thị trường tư nhân trên khắp thế giới - bao gồm vốn cổ phần tư nhân, bất động sản, cơ sở hạ tầng và cho vay tư nhân - đã tăng gấp bốn lần về quy mô, lên tới hơn 10.000 tỷ USD. Các nhà đầu tư tổ chức đặc biệt nhiệt tình. Vốn cổ phần tư nhân và bất động sản chiếm gần 20% danh mục đầu tư của các quỹ hưu trí công của Mỹ.
Nhưng đến 2022, bối cảnh tiền tệ thúc đẩy những xu hướng trước đây đã thay đổi đáng kể. Mặc dù lạm phát ở Mỹ đã đạt đỉnh vào tháng 6 nhưng vẫn ở mức 7,7%. Lạm phát ở Anh và eurozone lần lượt là 11,1% và 10%. IMF dự báo lạm phát toàn cầu là 9,1% trong suốt năm 2022.
Do đó, các thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất lên 5% vào năm 2023 và Ngân hàng Anh sẽ nâng lên hơn 4,5%. Hơn nữa, cả hai ngân hàng trung ương này đã bắt đầu nới lỏng định lượng sau khi đã nắm giữ một lượng trái phiếu chính phủ khổng lồ từ sau khủng hoảng tài chính.
Cuộc "thảm sát" năm nay trên thị trường là kết quả tự nhiên của những thay đổi này. Lạm phát làm xói mòn giá trị của cả khoản thanh toán lãi trái phiếu lẫn tiền gốc. Đồng thời, lãi suất tăng làm giảm giá trái phiếu.
Nếu lạm phát và lãi suất tăng lên do tăng trưởng kinh tế giảm sút, cổ phiếu cũng có thể tăng lên do kỳ vọng thu nhập cao hơn. Nhưng tình hình năm nay lại khác, với giá cả và lãi suất đang tăng lên do cú sốc hàng hóa, sự sụp đổ của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động đe dọa đến lợi nhuận của công ty.
Đó là lý do mối quan hệ chiến lược kiểm soát rủi ro theo công thức 60/40 đã sụp đổ. Năm nay, lợi suất trái phiếu tăng lên đã làm cho các cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn khi so sánh. Vì vậy, cả hai tài sản đã giảm cùng lúc mất giá.
Những thách thức có thể lắng xuống vào 2023, nhưng có thể có những thay đổi mãi mãi. Lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm sau khi đạt đỉnh vào năm tới, nhưng khả năng nó về gần zero có vẻ rất mong manh.
Đó là bởi vì lạm phát có thể khó chế ngự do kỳ vọng tăng giá sau 2 năm qua. Thị trường lao động thắt chặt ở nhiều nước sẽ đẩy tiền lương lên cao, tạo lực đẩy hơn nữa. Nhu cầu không ngừng đối với chi tiêu của chính phủ cũng có thể giúp tăng lãi suất và thúc đẩy lạm phát.
Kết hợp các yếu tố này lại với nhau, chúng sẽ định hình lại danh mục của các nhà đầu tư và thay đổi lợi nhuận mà họ có thể mong đợi.
Nhà quản lý tài sản Simona Paravani của BlackRock, cho rằng ngay cả khi lạm phát sớm ổn định xuống mức một con số nhỏ, vẫn sẽ cao hơn so với kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Điều đó làm cho việc xây dựng danh mục đầu tư chống lạm phát trở nên quan trọng hơn so với những thập kỷ trước.
May mắn thay, điều đó dễ dàng hơn trước đây. Hàng hóa, như một nguồn lạm phát thường xuyên, cũng cung cấp một phương tiện tốt để chống lại nó. Chúng đã được "tài chính hóa" nhiều hơn đáng kể so với những năm 1970, với thị trường tương lai phát triển sâu rộng và có thanh khoản. Điều đó cho phép các nhà đầu tư tiếp xúc với chúng mà không cần phải sở hữu bất kỳ thùng dầu hoặc giạ lúa mì thực tế nào.
Các tài sản khác cũng có thể cung cấp khả năng chống lạm phát. Blake Hutcheson, CEO quỹ hưu trí Omers (Canada), cho biết quỹ này đã dành nhiều năm để rót vốn vào cơ sở hạ tầng và bất động sản. Doanh thu từ các khoản đầu tư như vậy, dưới dạng tiền thuê và phí sử dụng, có xu hướng tăng theo lạm phát. "Luôn có cảm giác lạm phát và lãi suất thấp là một điều bất thường. Chúng tôi đã chuẩn bị cho một ngày giống như hôm nay", ông Hutcheson nói.
Việc chấm dứt thời kỳ lãi suất cực thấp có những hậu quả sâu rộng hơn. Lãi suất phi rủi ro (Risk-Free Rate - lãi suất lý thuyết của một khoản đầu tư không có rủi ro) cao hơn cũng làm thay đổi loại hình công ty được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Trong những năm trước, các "cổ phiếu tăng trưởng", có giá trị phụ thuộc vào lời hứa về lợi nhuận ngoạn mục trong tương lai, đã vượt lên dẫn trước các "cổ phiếu giá trị", vốn mang lại thu nhập ổn định nhưng ít cơ hội tăng trưởng hơn. Nhưng lãi suất tăng lên khiến cổ phiếu tăng trưởng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Cụ thể, khi lãi suất là 1%, 91 USD gửi vào ngân hàng sẽ có giá trị 100 USD sau 10 năm. Nói cách khác, 100 USD sau 10 năm nữa trị giá 91 USD ngày hôm nay. Nhưng khi lãi suất là 5%, chỉ cần 61 USD để tạo ra 100 USD trong một thập kỷ. Vì vậy, 100 USD trong 10 năm chỉ đáng giá 61 USD ngày hôm nay. Điều đó làm cho sự tăng trưởng trong tương lai trở nên kém giá trị hơn nhiều.
Logic tương tự làm thay đổi sức hút các loại hình startup. Lãi suất cao hơn làm giảm giá trị của lợi nhuận trong tương lai so với lợi nhuận hiện tại. Một nhà đầu tư mạo hiểm có kinh nghiệm cho biết dòng tiền đang nghiêng về các startup tạo ra giá trị, thay vì loại hình khởi nghiệp đốt tiền để mở rộng nhanh như trước.
Khó khăn vẫn còn ở phía trước với nhiều nhà đầu tư. Có lẽ tác động nặng nề nhất là với những người sắp nghỉ hưu. Với ít thời gian hơn để bù đắp những khoản lỗ gần đây, họ dễ bị tổn thương trước những cú sốc thị trường.
Nhiều người ở độ tuổi 30 và 40 chỉ khá hơn một chút. Hầu hết tiết kiệm được ít vào đầu những năm 2010, rồi sau đó tích lũy được kha khá vào cuối thập kỷ nhưng lại chịu lỗ nặng trong năm nay. Trong khi, những người hưởng lợi lớn nhất là nhóm nhà đầu tư trẻ tuổi nhất. Họ chỉ mới bắt đầu tiết kiệm gần đây, nên không tích lũy đủ lớn để bị ảnh hưởng nhiều bởi sự sụp đổ của thị trường năm nay. Phần lớn thu nhập của họ đang ở tương lai.