10 năm nhìn lại chính sách tín dụng cho nông nghiệp

tamvu

27/11/2018 13:57

Với hàng loạt chính sách, từ Nghị định 41, Nghị định 55, đến Nghị định 116, ngành ngân hàng đã chủ động tích cực hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn suốt 10 năm qua.

10 năm qua, ngành ngân hàng đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành các chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” diễn ra tại Hà Nội ngày 26.11.

 
Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ ngày 1.10.2018 - Ảnh: Hồ Ánh
Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ ngày 1.10.2018 - Ảnh: Hồ Ánh

Khởi đầu là Nghị định số 41 được Chính phủ ban hành năm 2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau 4 năm triển khai, Nghị định 41 được thay thế bằng Nghị định 55, với nhiều ưu đãi về các mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, ông Tần cho biết chi tiết.

Gần đây nhất, vào tháng 9.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Nghị định 55 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định sửa đổi, theo đánh giá của ông Tần, đã bổ sung thêm nhiều chính sách mới nhằm thúc đẩy nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia vào các liên kết ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thay vì chỉ được vay 100 triệu đồng theo quy định trước đây, nông dân giờ được vay tối đa 200 triệu đồng mà không cần phải có tài sản bảo đảm. Còn doanh nghiệp phát triển dự án nông nghiệp công nghệ cao được vay tới 70% giá trị dự án. Đối với doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, nếu gặp khó khăn sẽ được ngân hàng cơ cấu lại nợ và có nhiều giải pháp khoanh nợ cho doanh nghiệp.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, phát biểu trong buổi làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước ngày 1.10.2018 - Ảnh: Hồ Ánh
Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, phát biểu trong buổi làm việc với đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước ngày 1.10.2018 - Ảnh: Hồ Ánh

Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp trong giai đoạn tới đứng trước hướng đi mới - phát triển theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp và nông dân cùng đồng hành trong chuỗi giá trị nông nghiệp là điều tất yếu. Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ cho rằng, để hỗ trợ vốn vay cho nông dân, các doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp cần phải đứng ra thay mặt nông dân vay vốn và thời gian cho vay phải phù hợp với chu trình sản xuất từng loại nông sản. Chính sách tín dụng cho nông dân phải được đồng hành ngay khi xây dựng nhà máy để khi nhà máy hoàn thành sẽ có sản phẩm đi vào hoạt động.

Các nhà máy sản xuất nông sản thường không tự cung cấp toàn bộ nguyên liệu cho sản xuất mà phải liên kết với nông dân.

Theo ông Đinh Văn Dũng, phó giám đốc công ty Lavifood, doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây, rau củ Tanifood tại Tây Ninh, để đáp ứng hoạt động của nhà máy Lavifood, công ty cần gần 3.000 tỉ đồng để giúp nông dân và các đơn vị liên kết có đủ vốn để phát triển vùng trồng lên tới hơn 7.000 ha. Ngoài ra, công ty cũng cần 263 triệu đô la Mỹ để xây nhà máy sản xuất phân bón, 88 triệu đô la Mỹ cho nhà máy sản xuất hạt giống... Do đó, các doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp như Lavifood cần phải hợp tác với ngân hàng để có vốn phát triển trong tương lai.

Ngành ngân hàng có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân để nông dân yên tâm tham gia liên kết với doanh nghiệp trong nông nghiệp, một trong những lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên, ông Tần cho biết. "Chúng tôi cam kết có đủ nguồn vốn cho việc phát triển chuỗi của doanh nghiệp với nông dân", ông Tần khẳng định trong chuyến làm việc tại nhà máy Tanifood Tây Ninh đầu tháng 10.2018.

Chính phủ hiện có chương trình cho vay nông nghiệp công nghệ cao, đi đầu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), với tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt gần 50%.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tần cho biết, sau 10 năm, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp hơn 5 lần. Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng đều qua các năm, bình quân giai đoạn 2008-2017, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 19,5% và luôn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Đến cuối tháng 9.2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2017, chiếm gần 24% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

tamvu
Bạn đang đọc bài viết "10 năm nhìn lại chính sách tín dụng cho nông nghiệp" tại chuyên mục Tài chính.