Xu hướng bán lẻ thay đổi trong COVID-19

dang.pham

22/09/2020 14:07

Với ngành bán lẻ nói riêng, áp lực thích nghi của người tiêu dùng với bình thường mới tạo sự chuyển mình nhanh chóng cho ngành này.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cách thức quản trị vận hành của doanh nghiệp với các chi phí vận hành, quảng cáo marketing, nhân sự bị cắt giảm. Doanh nghiệp hoạch định và triển khai thông minh, linh hoạt, tinh gọn và hiệu quả hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trong giai đoạn suy thoái với mức đáy khó có thể dự báo. Với ngành bán lẻ nói riêng, áp lực thích nghi của người tiêu dùng với bình thường mới tạo sự chuyển mình nhanh chóng cho ngành này.

Sự thắt chặt chi tiêu cho vận hành, thuê mặt bằng hay quảng cáo khiến các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đổ dồn phát triển bán hàng nền tảng thương mại trực tuyến. Trong xu hướng này, Grab Mart được triển khai hướng đến đối tượng khách hàng mua thực phẩm, hàng hóa tại cửa hàng bán lẻ, siêu thị; hay trang mạng xã hội Facebook cũng nhanh chóng phát triển tính năng gian hàng trực tuyến.

Phân phối đa kênh

Đại dịch thúc đẩy phát triển bán hàng đa kênh (omni-channel), cung cấp khách hàng những trải nghiệm mua sắm và thanh toán trên các nền tảng thiết bị công nghệ khác nhau (điển hình như Shopee, Zalo, Tiki trên giao diện website hay ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc laptop), nhận hàng cũng như trả lại hàng tại những địa điểm thuận tiện theo lựa chọn (nhà, cơ quan, cửa hàng hay tủ đồ ở cửa hàng tiện lợi). Cũng không quên nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại di động (m-commerce) trong xu hướng này có được nhờ sự phát triển không ngừng của công nghệ và các tính năng của thiết bị di động. Hỗ trợ bán hàng trực tuyến thực hiện bằng chatbot, dò tìm (scan) thông tin sản phẩm cửa hàng bằng Barcode hay QR Code là những trải nghiệm giúp thúc đẩy nhanh chóng việc ra quyết định mua sắm của khách hàng. Theo một nghiên cứu của Deloitte vào tháng 7.2020, hơn 50% người tiêu dùng khảo sát giảm mức độ thường xuyên mua sắm tại siêu thị, cửa hàng bách hoá và chợ và 25% số người gia tăng mua sắm trực tuyến do ảnh hưởng của COVID-19.

Hành vi mua hàng thay đổi

Các doanh nghiệp bán lẻ còn tồn tại mạnh mẽ là những doanh nghiệp có hệ thống phản hồi với nhu cầu với khách hàng một cách nhanh chóng thông qua các kênh trực tuyến, sở hữu bộ máy tinh gọn và thích nghi nhanh với sự thiếu ổn định của thị trường. Thói quen mua sắm mới sẽ  được thiết lập bởi các doanh nghiệp bán lẻ bền bỉ trong đại dịch khi phục vụ các khách hàng đã thường xuyên mua sắm trực tuyến hoặc đang làm quen với việc đặt hàng giao đến nhà khi hạn chế đi lại và hạn chế giao dịch trực tiếp sử dụng tiền mặt, cùng với xu thế các công cụ thanh toán trực tuyến càng trở nên thuận tiện hơn. Ở một khía cạnh khác cũng không quên xét đến nhu cầu của người dùng khi được tương tác với xã hội, giải trí cũng như trải nghiệm thực tế trong các phân khúc sản phẩm nhất định, theo nghiên cứu của Euromonitor gần 2/3 người Việt sẵn sàng chi tiền nhiều hơn để được trải nghiệm. Điểm này được biểu thị qua mặt hàng thời trang với câu chuyện của Uniqlo trong giai đoạn này với tăng trưởng 40% doanh thu sau khi mở cửa hàng tại Việt Nam.

Tiêu dùng bền vững

Trong thời đại hậu COVID-19, các doanh nghiệp nói chung sẽ quan tâm hơn đến sự bền vững. Chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sẽ được quan tâm tích hợp quan điểm kinh tế tuần hoàn (circular economy) với việc vận hành chuỗi cung ứng giảm thiểu phát thải và khả năng tái sử dụng nguồn tài nguyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngành bán lẻ nói riêng xuất hiện bước tiến đóng góp tích cực trong xu hướng này với việc vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn nội bộ. Các doanh nghiệp theo đuổi mô hình "return and refill" khi thu hồi các chai lọ chứa sản phẩm sau sử dụng và người tiêu dùng nhận lại mức chiết khấu nhất định. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ tạo lập thói quen tiêu dùng mới thông qua việc đưa các sản phẩm tái sử dụng được như bình hay ly nước thông qua các chương trình bán hàng, khuyến mãi hay quà tặng, người tiêu dùng quan tâm ủng hộ sử dụng lại chai đựng khi mua đồ ăn thức uống nhằm đảm bảo vệ sinh phòng dịch.

Thắt lưng buộc bụng, trải nghiệm thực tế chất lượng sản phẩm, yêu cầu mua hàng rõ nguồn gốc nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tái tạo tài nguyên sử dụng là những yếu tố được gia tăng yêu cầu trong thời dịch, thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp bán lẻ quan tâm đến an toàn người tiêu dùng và phát triển bền vững.

Julien


dang.pham
Bạn đang đọc bài viết "Xu hướng bán lẻ thay đổi trong COVID-19" tại chuyên mục Thực tiễn Quản lý.