Cập nhật tình hình về virus Corona, tính đến sáng ngày 31/1 đã có hơn 9.480 ca nhiễm trên toàn thế giới, trong đó đã có 213 ca tử vong (tất cả đều tới từ Trung Quốc Đại lục), so với ngày hôm trước đã có thêm 1.220 trường hợp nhiễm mới tại tỉnh Hồ Bắc. Tại Việt Nam đã có 3 trường hợp nhiễm virus Corona, tiền xử dịch tễ của 3 người có điểm chung là đều trở về từ Vũ Hán.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã công bố dịch bệnh tại Trung Quốc là tính trạng khẩn cấp toàn cầu, khi đã ghi nhận 2019- nCoV đã lây lan tới 19 quốc gia và không có dấu hiệu chững lại.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của virus Corona, Văn phòng Chính phủ cũng nắm bắt dư luận, yêu cầu kiểm tra, báo cáo về việc thổi kiểm tra nồng độ cồn có khả năng làm phát tán, lây lan dịch bệnh không. Nếu có nguy cơ lây nhiễm, xem xét việc tạm dừng phương pháp kiểm tra này.
Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến vệ sinh của ống kiểm tra nồng độ cồn khi nghĩ rằng CSGT chỉ dùng chung một ống thổi nồng độ cồn. Tuy nhiên, lãnh đạo của một đội CSGT cho biết là với mỗi trường hợp tham gia giao thông đều được dùng một ống thổi riêng. Nhưng trong thực tế kiểm tra có lẽ CSGT đã thay ngay để làm việc với các phương tiện tiếp theo.
Một câu hỏi khác cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân, liệu thổi nồng độ cồn có thể lây lan dịch bệnh hay không? Phó Chủ tịch UB An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng và các chuyên gia của WHO đã phủ nhận thông tin trên. Ông cho biết: "Máy kiểm tra nồng độ cồn sử dụng ống thổi có van 1 chiều, chỉ có thể thổi hơi vào máy mà không thể hít ngược lại khí (nếu có) từ máy. Ngoài ra, mỗi người được kiểm tra nồng độ cồn đều được sử dụng một ống thổi riêng biệt, dùng một lần nên không có nguy cơ lây nhiễm bệnh trong quá trình kiểm tra".
Hơn nữa, CSGT trước khi làm nhiệm vụ cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm như đeo gang tay, khẩu trang và tất cả các máy đều được sát trùng, khử khuẩn sau mỗi ngày sử dụng.
(Nguồn ảnh: Internet)
Hoàng Vũ